Khái quát về đánh giá tác động môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường? Trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường?
Hoạt động của con người có thể gây ra những tổn hại khôn lường cho môi trường, thông qua việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và để lại khối lượng chất thải khổng lồ. Điều đó đã được con người nhìn nhận một cách nghiêm túc và tìm ra các giải pháp cụ thể để giải quyết những thách thức lớn lao về môi trường đang đặt ra ngày hôm nay trên phạm vi toàn thế giới. Đánh giá tác động môi trường là một trong những cách thức được Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới ghi nhận trước khi thực hiện các hoạt động tác động tới môi trường có nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng xấu và sự đánh giá đó được thể hiện thông quá báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Dịch vụ Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về đánh giá tác động môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường?
Đánh giá môi trường là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các hoạt động phân tích, đánh giá những ảnh hưởng đến môi trường khi triển khai các hoạt động phát triển. Đánh giá môi trường bao gồm: Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cam kết bảo vệ môi trường (CBM), trong đó CBM có thể được hiểu là ĐTM ở dạng đơn giản.
1.1. Khái quát về đánh giá tác động môi trường?
Khái niệm đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được nhiều quốc gia hay tổ chức quốc tế nhắc đến, chẳng hạn, theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc, ĐTM là quá trình nghiên cứu nhằm dự báo các hậu quả môi trường của một dự án phát triển quan trọng. ĐTM xem xét việc thực hiện đề án sẽ gây ra những vấn đề gì với đời sống của con người tại khu vực sự án, tới kết quả của chính dự án và của các hoạt động khác tại vùng đó. Sau dự báo của ĐTM phải xác định các biện pháp làm giảm đến mức tối thiểu các tác động tiêu cực, làm cho dự án thích hợp với môi trường của nó.
Khoa học luật môi trường của Australia đưa ra định nghĩa về ĐTM là cách thức đánh giá một dự án phát triển mà theo đó những tác động có thể về môi trường được xác định và được giảm thiểu.
Khái niệm về đánh giá tác động môi trường được quy định tại Luật bảo vệ môi trường đã cân nhắc đến những tính pháp lý cơ bản của những khái niệm tương ứng được sử dụng rộng rãi trên thế giới như trên, cụ thể: “Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.”
Đánh giá tác động môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Quy trình đánh giá tác động môi trường có thể là cơ sở cho việc đàm phán, thương lượng giữa các chuyên gia phát triển với các tổ chức dân sự hữu quan và các nhà quản lý quy hoạch. Điều này giúp cân bằng giữa lợi ích môi trường và lợi ích phát triển.
Việc xác định trách nhiệm đánh giá môi trường đối với chủ thể được căn cứ vào tính chất của các dự án mà chủ thể đó tiến hành. Căn cứ để xác định trách nhiệm thực hiện việc đánh giá môi trường đối với một dự án cụ thể bao gồm:
– Mục đích, nội dung của dự án: Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới các thành phần môi trường. Thông thường, mục đích, nội dung của một dự án có ý nghĩa quyết định đối với mức độ tác động tới môi trường.
– Quy mô của dự án: Quy mô của dự án là yếu tố thể hiện rõ mức độ tác động, phạm vi tác động của nó đến môi trường.
– Địa điểm thực hiện dự án: Việc xác định địa điểm thực hiện dự án có ý nghĩa quan trọng. Các ảnh hưởng tới môi trường của một hoạt động phát triển phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm được lựa chọn. Ví dụ:các ảnh hưởng của dự án đầu tư vào khu vực nhạy cảm về môi trường, như các khu bảo tồn, vườn quốc gia,…sẽ được xem xét thận trọng hơn các khu vực khác.
1.2. Khái quát về báo cáo đánh giá tác động môi trường?
Đánh giá tác động môi trường được thực hiện dưới hình thức văn bản gọi là báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây là văn bản quan trọng và sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt sẽ có ý nghĩa rất lớn, cụ thể như sau:
– Là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép triển khai thực hiện dự án.
– Là cơ sở để xác định trách nhiệm của các chủ thể của dự án về những hậu quả gây ra đối với môi trường sau này
– Là căn cứ để xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với những hậu quả mà dự án gây ra đối với môi trường, đặc biệt là cơ quan trực tiếp thẩm định báo cáo này.
Chủ thể lập báo cáo: Chủ dự án có thể tự mình lập hoặc thuê tổ chức dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM cho dự án đầu tư của mình. Việc lập báo cáo ĐTM là một nghĩa vụ của chủ dự án chứ không phải là một lĩnh vực kinh doanh của chủ dự án và do đó không thể quy định về “điều kiện kinh doanh” cho chủ dự án như là Tổ chức dịch vụ lập báo cáo ĐTM – là một chủ thể kinh doanh lĩnh vực này.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải đảm bảo các nội dung được quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể:
– Xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án; phương pháp đánh giá tác động môi trường.
– Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
– Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội nơi thực hiện dự án, vùng lân cận và thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án.
– Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
– Đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
– Biện pháp xử lý chất thải.
– Các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
– Kết quả tham vấn.
– Chương trình quản lý và giám sát môi trường.
– Dự toán kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.
– Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là nội dung quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước về môi trường. Thông qua hoạt động này các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường với tư cách là cơ quan phản biệt các báo cáo đánh giá môi trường sẽ thay mặt Nhà nước để xem xét và cân đối một cách toàn diện mối liên hệ giữa lợi ích kinh tế mà các dự án đêm lại với lợi ích môi trường cần phải bảo vệ; giữa lợi ích của một số ngành, lĩnh vực với lợi ích tổng thể của toàn xã hội, giữa lợi ích trước mặt với lợi ích lâu dài, căn bản của đất nước.
2. Trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường?
Hoạt động sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được hiểu một cách tổng quát là hoạt động được thực hiện bởi chủ dự án, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp khác nhau và các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm bảo đảm thực hiện những nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, hoạt động sau thẩm định cũng có thể được hiểu một cách rộng hơn thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với hoạt động của các dự án, cơ sở. Trong trường hợp này, các văn bản phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là những cơ sở pháp lý hết sức quan trọng phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt được quy định như sau:
– Tiếp thu đầy đủ các nội dung, yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường vào dự án đầu tư, dự án đầu tư xây dựng.
– Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã lấy ý kiến trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường tổ chức niêm yết công khai quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp được miễn tham vấn (Phù hợp với quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; Thuộc danh mục bí mật nhà nước).
– Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu trách nhiệm của chủ đầu tư dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào vận hành theo quy định của Luật bảo vệ môi trường.
– Trong quá trình triển khai xây dựng dự án, chủ dự án có những thay đổi thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng chưa đến mức phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chỉ được thực hiện thay đổi sau khi có quyết định chấp thuận về môi trường của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các trường hợp sau:
+ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp có bổ sung ngành nghề đầu tư loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc nhóm III Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40
+ Tăng quy mô, công suất; thay đổi công nghệ của dự án thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này mà không thuộc trường hợp phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 40.
Việc quy định về trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo được thẩm định nhằm ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể này, nếu vi phạm thì chủ dự án sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.