Chỉ huy trưởng là chức danh của cá nhân được tổ chức thi công xây dựng giao các nhiệm vụ quản lý ối với một công trình. Vậy trách nhiệm của chỉ huy trưởng công trình trên công trường bao gồm những gì?
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm của chỉ huy trưởng công trình trên công trường:
1.1. Chỉ huy trưởng công trình là ai
Căn cứ khoản 16 Điều 3 Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng giải thích chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của nhà thầu (sau đây được gọi chung là chỉ huy trưởng) là chức danh của cá nhân được tổ chức thi công xây dựng giao các nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động thi công xây dựng đối với một công trình hoặc gói thầu cụ thể.
Chỉ huy trưởng công trường là người đứng đầu có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý, điều hành, giám sát, kiểm tra, đôn đốc những bộ phận thi công công trình xây dựng cũng như là đưa ra những phương thức, cách thức hoạt động thực hiện công việc, những phương án để xử lý đối với những tình huống có thể xảy ra tại công trường, làm việc với các bên mà có liên quan đến dự án đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý, bàn bạc về biện pháp thi công đặc biệt hoặc là chủ trương thanh toán với cán bộ kỹ thuật hiện trường và các cán bộ thanh toán… để từ đó đạt được một hiệu suất công việc cao nhất trong quá trình thi công công trình, dự án, gói thầu đã được nhận.
1.2. Quy định về trách nhiệm của chỉ huy trưởng công trình trên công trường:
Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể về trách nhiệm của chỉ huy trưởng công trình trên công trường, chỉ huy trưởng công trường cần phải căn cứ vào hợp đồng xây dựng đã ký kết và những yêu cầu kỹ thuật của dự án để tổ chức quản lý, điều hành công trường, tuân thủ đầy đủ những quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Nhìn chung, trách nhiệm của chỉ huy trưởng công trình trên công trường bao gồm có:
– Quản lý theo dõi tiến độ thi công những phần việc có liên quan trong phạm vi của mình;
– Đưa ra tiến độ thi công công trình theo định kỳ hàng tháng, hàng tuần cùng với đó là kiểm soát toàn bộ tiến độ của nhà thầu;
– Tiến hành kiểm tra và lập báo cáo tiến độ thi công công trình hàng tháng, hàng tuần đồng thời theo dõi báo cáo của nhân viên;
– Chỉ huy trưởng công trình xây dựng còn có nhiệm vụ khác như:
+ Tổ chức các cuộc họp đối với những đội trực tiếp thi công công trình và những cán bộ kỹ thuật giám sát và các vị trí khác để giải quyết những khúc mắc khi có sự cố xảy ra;
+ Tổ chức triển khai kế hoạch thi công và nghiệm thu công trình đạt chuẩn tiến độ cũng như là chất lượng khi ký kết hợp đồng hay thỏa thuận với chủ đầu tư;
+ Phân công nhiệm vụ và quản lý công nhân, cán bộ theo đúng quy định của pháp luật;
+ Một nhiệm vụ cũng rất quan trọng của chỉ huy trưởng công trình đó là đại diện cho công ty để giải quyết những vấn đề mà có liên quan đến quá trình thi công kể cả là những vấn đề phát sinh và nghiệm thu tại công trình theo như hợp đồng thiết kế;
+ Triển khai và kiểm tra công tác lập hồ sơ hoàn công, đánh giá kết quả của nhân viên và thực hiện báo cáo lại, kiểm tra bảo quản vật tư thiết bị trong phạm vi công trình;
+ Thường xuyên phải giám sát những hạng mục của công trình để đảm bảo việc đã đáp ứng được công tác vệ sinh an toàn lao động, hệ thống phòng cháy, chữa trán tại công trình đang thi công.
2. Điều kiện hành nghề đối với chỉ huy trưởng công trình:
Căn cứ Điều 74 Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định về Điều kiện hành nghề đối với chỉ huy trưởng công trường, điều này quy định cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đáp ứng được các điều kiện tương ứng với các hạng như sau:
– Hạng I: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng I hoặc là đã làm chỉ huy trưởng công trường phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình mà từ cấp I hoặc 02 công trình từ cấp II cùng lĩnh vực trở lên;
– Hạng II: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng II hoặc là đã làm chỉ huy trưởng công trường phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình mà từ cấp II hoặc 02 công trình từ cấp III cùng lĩnh vực trở lên;
– Hạng III: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng III hoặc là đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình mà từ cấp III hoặc 02 công trình từ cấp IV cùng lĩnh vực trở lên.
3. Phạm vi hoạt động của chỉ huy trưởng công trình:
Như đã nói ở mục trên, cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng I, II, III. Phạm vi hoạt động đối với chỉ huy trưởng công trường được quy định tại khoản 2 Điều 74 Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, theo đó phạm vi hoạt động của chỉ huy trưởng công trường tương ứng với các hạng như sau:
– Chỉ huy trưởng công trường hạng I: Được làm chỉ huy trưởng công trường đối với tất cả những công trình thuộc lĩnh vực được ghi ở trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc là thuộc lĩnh vực công trình đã làm chỉ huy trưởng công trường;
– Chỉ huy trưởng công trường hạng II: Được làm chỉ huy trưởng công trường đối với công trình mà từ cấp II trở xuống thuộc lĩnh vực được ghi ở trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc thuộc lĩnh vực công trình đã làm chỉ huy trưởng công trường;
– Chỉ huy trưởng công trường hạng III: Được làm chỉ huy trưởng công trường đối với các công trình cấp III, cấp IV thuộc lĩnh vực được ghi ở trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc là thuộc lĩnh vực công trình đã tham gia thi công xây dựng.
4. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng:
Như đã phân tích ở mục trên, có thể thấy điều kiện chung để cá nhân hành nghề đối với chỉ huy trưởng công trường đó chính là phải có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng. Theo quy định của pháp luật, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng như sau:
– Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng I:
+ Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Dân sự; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Về trình độ chuyên môn:
++ Đối với lĩnh vực giám sát công tác xây dựng: phải có trình độ đại học thuộc một trong các chuyên ngành như xây dựng công trình, kinh tế xây dựng, kiến trúc, chuyên ngành kỹ thuật xây dựng khác có liên quan đến lĩnh vực xây dựng công trình;
++ Đối với lĩnh vực giám sát công tác lắp đặt thiết bị vào công trình: phải có trình độ đại học thuộc một trong các chuyên ngành như điện, cơ khí, thông gió – cấp thoát nhiệt, cấp – thoát nước, chuyên ngành kỹ thuật khác mà có liên quan đến lắp đặt thiết bị công trình.
+ Về kinh nghiệm:
++ Có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc giám sát thi công xây dựng từ 07 năm trở lên;
++ Đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trường hoặc chủ trì về thiết kế xây dựng phần việc thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất là 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
+ Đạt yêu cầu sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng.
– Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng II:
+ Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Dân sự; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài;
+ Về trình độ chuyên môn:
++ Đối với lĩnh vực giám sát công tác xây dựng: phải có trình độ đại học thuộc một trong các chuyên ngành như xây dựng công trình, kinh tế xây dựng, kiến trúc, chuyên ngành kỹ thuật xây dựng khác có liên quan đến xây dựng công trình;
++ Đối với lĩnh vực giám sát công tác lắp đặt thiết bị vào công trình: phải có trình độ đại học thuộc một trong các chuyên ngành như điện, cơ khí, thông gió – cấp thoát nhiệt, cấp – thoát nước, chuyên ngành kỹ thuật khác mà có liên quan đến lắp đặt thiết bị công trình.
+ Về kinh nghiệm:
++ Có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc giám sát thi công xây dựng từ 04 năm trở lên;
++ Đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trường hoặc chủ trì về thiết kế xây dựng phần việc thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất là 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên mà cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
+ Đạt yêu cầu sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng.
– Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng III:
+ Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Dân sự; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Về trình độ chuyên môn:
++ Đối với lĩnh vực giám sát công tác xây dựng: phải có trình độ chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành như xây dựng công trình, kinh tế xây dựng, kiến trúc, chuyên ngành kỹ thuật xây dựng khác mà có liên quan đến xây dựng công trình;
++ Đối với lĩnh vực giám sát công tác lắp đặt thiết bị vào công trình: phải có trình độ chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành như điện, cơ khí, thông gió – cấp thoát nhiệt, cấp – thoát nước, chuyên ngành kỹ thuật khác mà có liên quan đến lắp đặt thiết bị công trình.
+ Về kinh nghiệm:
++ Có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc giám sát thi công xây dựng từ 02 năm trở lên đối với cá nhân đã có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp;
++ Đã tham gia giám sát thi công xây dựng hoặc tham gia thiết kế xây dựng hoặc thi công xây dựng các phần việc thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 01 công trình mà từ cấp III trở lên hoặc 02 công trình từ cấp IV trở lên cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
+ Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.