Để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt cần thiết phải có trách nhiệm, sự phối hợp giữa nhiều cơ quan nhà nước, cụ thể:
* Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên ngành đường sắt để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
2. Quy định tiêu chuẩn của các cơ sở thiết kế, đóng mới, sửa chữa, đăng kiểm thiết bị và phương tiện giao thông đường sắt; quy định và tổ chức việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt.
3. Quy định nội dung, chương trình đào tạo và điều kiện đối với cơ sở đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; tổ chức quản lý việc đào tạo, cấp giấy phép lái tàu.
4. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đường sắt theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp với Ủy ban nhân dân địa phương và các bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về đường sắt và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; giải quyết, khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.
6. Phối hợp với Bộ Công an theo dõi, phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đề ra biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tai nạn giao thông đường sắt.
* Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Tổ chức chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt.
2. Kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm về an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt.
3. Chủ trì điều tra, xử phạt các vụ tai nạn giao thông đường sắt; thống kê, theo dõi, phân tích và kết luận nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường sắt; cung cấp dữ liệu về tai nạn giao thông đường sắt.
4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định và kiến nghị với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường sắt.
5. Chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, công an các địa phương trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho các đoàn tàu chở lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế, tàu chở hàng đặc biệt.
* Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Bảo đảm kinh phí cho quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
2. Bảo đảm kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt theo mức Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an.
* Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
Chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp với ngành đường sắt, lực lượng công an để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường sắt trong việc vận tải quân, phương tiện, khí tài trên đường sắt.
* Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông
1. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường sắt thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân.
2. Chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường sắt, động viên nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt.
3. Hướng dẫn việc cấp giấy phép quảng cáo không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường sắt.
* Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an tổ chức chọn lọc những nội dung cần thiết về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt để phổ biến, giáo dục cho học sinh, sinh viên phù hợp với ngành học, cấp học.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
* Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt; tiến hành mọi biện pháp cần thiết để thiết lập kỷ cương trật tự, an toàn giao thông đường sắt; giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình đường sắt chịu trách nhiệm bảo vệ các công trình đường sắt tại địa phương.
2. Có kế hoạch và tổ chức chỉ đạo việc giải tỏa công trình xây dựng trái phép trên phạm vi đất dành cho đường sắt.
3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới nơi có đường sắt bị hư hỏng do tai nạn giao thông hoặc thiên tai phối hợp với ngành đường sắt kịp thời giải quyết hậu quả, khôi phục giao thông đường sắt.
* Trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng
Cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương có kế hoạch, chương trình, chuyên mục tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt.