Trong những năm gần đây, tốc độ xây dựng công nghiệp, đô thị, đường giao thông, hạ tầng phát triển mạnh nên nhu cầu khai thác khoáng sản. Trách nhiệm chung bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được quy định như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là khoáng sản?
- 2 2. Trách nhiệm chung bảo vệ khoáng sản chưa khai thác:
- 3 3. Trách nhiệm cụ thể của cơ quan Nhà nước và cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác:
- 4 4. Phương án bảo vệ khai thác khoáng sản có nội dung chính là gì?
- 5 5. Một số giải pháp bảo vệ khoáng sản chưa được khai thác:
1. Thế nào là khoáng sản?
Căn cứu khoản 1 Điều 2 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH 2018 Luật khoáng sản quy định khoáng sản được hiểu là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.
Nhà nước luôn đặt ra các chính sách về khoáng sản như sau:
– Luôn bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.
– Nhằm mục đích phát triển bền vững kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ, Nhà nước luôn có những chiến lược, quy hoạch khoáng sản.
– Đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo chiến lược, quy hoạch khoáng sản.
– Có chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản.
– Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hợp tác với các tổ chức chuyên ngành địa chất của Nhà nước để điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
– Đầu tư thăm dò, khai thác một số loại khoáng sản quan trọng nhằm mục đích phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.
– Khuyến khích dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế – xã hội.
– Trong từng thời kỳ luôn có những chính sách xuất khẩu khoáng sản để nhằm phát triển bền vững kinh tế – xã hội trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
2. Trách nhiệm chung bảo vệ khoáng sản chưa khai thác:
Căn cứ Điều 16 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH 2018 Luật khoáng sản, việc bảo vệ khoảng sản chưa khai thác là trách nhiệm chung cụ thể như sau:
Thứ nhất, thực hiện bảo vệ loại khoáng sản chưa khai thác, bao gồm cả khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa.
Thứ hai, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân các cấp phải có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Thứ ba, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
3. Trách nhiệm cụ thể của cơ quan Nhà nước và cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác:
3.1. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước:
– Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ:
+ Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Thực hiện chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định.
+ Trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng:
Chỉ đạo thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực biên giới, hải đảo hoặc khu vực cấm hoạt động khoáng sản vì lý do quốc phòng, an ninh.
+ Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ còn lại:
Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
– Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
+ Tổ chức bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi người thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
+ Ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm thi hành pháp luật về khoáng sản tại địa phương hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Nhằm giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép tại địa phương thì phải thực hiện huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn.
– Đối với Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
+ Trên cơ sở các quy định của pháp luật về khoáng sản tại địa phương phải tổ chức thực hiện.
+ Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép.
+ Thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
+ Để nhằm giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép phải huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn.
– Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã:
+ Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép.
+ Tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
3.2. Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức:
– Đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong khi thực hiện thăm dò khoáng sản.
– Áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản khi thực hiện khai thác khoáng sản để nhằm thu hồi được tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác.
– Tiến hành báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khi phát hiện ra khoáng sản mới.
– Có trách nhiệm phải bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng.
– Không được phép tự ý khai thác khoáng sản.
4. Phương án bảo vệ khai thác khoáng sản có nội dung chính là gì?
– Nêu được thực trạng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản (cụ thể công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn địa phương tại thời điểm lập Phương án; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân).
– Nêu được đầy đủ các số lượng, diện tích, tọa độ các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản đang hoạt động của các tổ chức, cá nhân được cấp phép.
– Với những thông tin quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của tỉnh/thành phố đã được điều chỉnh, bổ sung phải được cập nhật trong nội dung phương án.
– Nêu rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền như:
+ Sở Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
+ Lực lượng công an, quân đội trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
+ Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình địa phương trong việc đăng tải thông tin quản lý nhà nước về khoáng sản, về khai thác trái phép.
– Nêu rõ trách nhiệm của các cấp Ủy ban nhân dân (tỉnh, huyện, xã).
– Đối với tập thể, cá nhân là người đứng đầu chính quyền huyện, xã để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không giải tỏa dứt điểm, để tái diễn, kéo dài phải nêu rõ hình thức xử lý.
– Quy định trách nhiệm của cơ quan, người tiếp nhận thông tin.
– Quy định các cơ chế xử lý thông tin được tiếp nhận.
– Lên được kế hoạch, các giải pháp tổ chức thực hiện; dự toán chi phí thực hiện.
(căn cứ Điều 18
5. Một số giải pháp bảo vệ khoáng sản chưa được khai thác:
Thứ nhất, thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác đến người dân.
Thứ hai, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền từng cấp nhằm mục đích để kịp thời đưa ra hướng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Theo đó phải nêu rõ trách nhiệm của các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong công tác bảo vệ khoáng sản; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong công tác bảo vệ khoáng sản.
Thứ ba, tổ chức lập, bổ sung kế hoạch, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, phổ biến cách làm hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, chỉ đạo, phối hợp kịp thời, chặt chẽ, có hiệu quả các lực lượng trên địa bàn để thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với hoạt động khoáng sản trái phép.
Thứ năm, cắm mốc các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản và các khu vực đã thăm dò đánh giá trữ lượng khoáng sản trên địa bàn mỗi địa phương.
Thứ sáu, trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường phải làm đầu mối để thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Phương án này, tổng hợp, báo cáo hàng năm kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Việc phối hợp kịp thời giữa tổ chức, cá nhân và chính quyền địa phương trong phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép có ý nghĩa quan trọng đến hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH 2018 Luật khoáng sản.