Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Quy định về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Quy định về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu.
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty A kí kết hợp đồng với công ty B. Tên Hàng hóa: đèn thoát hiểm âm trần, 2500 sản phẩm, đơn giá 590.000VND/sản phẩm. Tổng giá trị 1.475.000.000d. Địa điểm giao hàng tại kho của B. Thời hạn: 5/6/N – 15/6/N. Mọi tranh chấp phát sinh được giải quyết tại trọng tài do bên bị vi phạm chọn. 15/6/N B không chuẩn bị được kho đã thông báo cho A. 18/6/N, kho của A cháy hỏng gồm cả hàng bán cho B. Do không thỏa thuận được B kiện A ra tòa. Xử lý vụ việc trên?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật trọng tài thương mại 2010
2. Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, do A và B đã có thỏa thuận nếu có tranh chấp phát sinh sẽ giải quyết tại cơ quan trọng tài thương mại, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010:
"Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh."
Khi 2 bên đã có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án sẽ từ chối đơn kiện của B theo quy định tại Điều 6 Luật trọng tài thương mại 2010:
"Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được"
Khi đó A và B phải đưa vụ việc sang cơ quan Trọng tài thương mại để giải quyết.
Thứ hai, địa điểm giao hàng đã được thỏa thuận là tại kho của B.
Điều 56 Luật thương mại 2005 về nhận hàng: "Bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thoả thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng''
Tuy nhiên khi đến hạn giao hàng vào ngày 15/6, B không chuẩn bị được kho, dẫn đến A không thể giao hàng. Như vậy, công ty B đã vi phạm hợp đồng được quy định tại Khoản 12, Điều 3 Luật thương mại 2005: "Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này."
Tuy nhiên việc công ty B không chuẩn bị được kho chứa hàng hóa đã thông báo cho Công ty A, hai bên có thỏa thuận gì về việc bảo quản hàng hóa hay không? Nếu có thỏa thuận thì thực hiện theo thỏa thuận hai bên.
Nếu không có thỏa thuận, thì xem xét việc cháy kho hàng của công ty A có phải là sự kiện bất khả kháng hay không?
Khoản 1 Điều 161 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép."
>>> Luật sư tư vấn pháp
Điều 294 Luật thương mại 2005 quy định các trường hợp miễn trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm sau:
– Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
– Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
– Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
– Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Như vậy, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Tức là dù hợp đồng giữa 2 bên có thỏa thuận hay không thì khi sự kiện bất khả kháng xảy ra, bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, Điều 294 Luật thương mại 2005 không quy định rõ điều kiện áp dụng sự kiện bất khả kháng ra sao. Công ty A phải chứng minh:
– Sự việc xảy ra ngoài ý muốn, họ không thể kiểm soát và ngăn ngừa được;
– Sự việc này không thể dự trù để biết trước và ngăn chặn;
Có thể hiểu sự kiện bất khả kháng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn. Như vậy, trong trường hợp này, công ty A sẽ được miễn trách nhiệm vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng xảy ra.
Nếu không chứng minh được việc cháy kho hàng là sự kiện bất khả kháng thì công ty A có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này bởi hàng hóa vẫn do bên A sở hữu, chưa chuyển giao quyền sở hữu sang cho bên B.