Các quy định về thu giữ tài liệu, đồ vật, phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử? Trách nhiệm bảo quản phương tiện, tài liệu bị thu giữ, tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015?
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, phương tiện, tài liệu là điều cơ quan điều tra có thể thực hiện khi có các căn cứ nhất định. Nếu phương tiện, tài liệu thấy cần thiết phải thu giữ thì cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ và phải được Viện kiểm sát phê duyệt trước khi thi hành. Việc thu giữ phương tiện, tài liệu làm phát sinh nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo quản một cách nghiêm ngặt, cẩn thận, tránh sự tác động từ bên ngoài. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm bảo quản này, Luật Dương Gia sẽ đem đến cho người đọc câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây.
Phương tiện, tài liệu trong bài viết được hiểu một cách đầy đủ theo luật định bao gồm: phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong
Luật sư
1. Bảo quản phương tiện, tài liệu là gì?
Trước hết, đối tượng được bảo quản ở đây là phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong, đây là những vật chứng hoặc tài liệu có liên quan trực tiếp đến giải quyết vụ án, có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố và xét xử.
Bảo quản được xem xét theo từ điển Tiếng Việt là hoạt động trông coi, giữ gìn, tránh tình trạng hư hỏng. Thuật ngữ bảo quản cũng được áp dụng trong quy định của pháp luật như bảo quản tài liệu lưu trữ,…
Có thể hiểu Bảo quan phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong là quá trình áp dụng các biện pháp cần thiết, khoa học nhằm tránh tình trạng hư hỏng, đảm bảo được tình trạng ban đầu của đối tượng bảo quản, ngăn cản hành vi phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm.
2. Các quy định về thu giữ tài liệu, đồ vật, phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử?
Theo quy định của
2.1. Thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử
Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự quy định như sau:
“1. Việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn liên quan tham gia. Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng.
2. Khi thu giữ các phương tiện điện tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan.”
– Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.
– Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.
– Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.
Thông thường, việc thu giữ phương tiện, dữ liệu điện tử diễn ra khá khó khăn, đòi hỏi sự trợ giúp của người có chuyên môn, người có thẩm quyền tiến hành thường sao lưu vào phương tiện lưu trữ và tiến hành bảo quản nó như vật chứng.
2.2. Thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông
Quy định về thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông được quy định tại Điều 197 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:
“1. Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để xét phê chuẩn.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh thu giữ phải trả lại ngay cho cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, đồng thời thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết.
3. Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người quản lý cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan phải tạo điều kiện để người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.
Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản.
Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Nếu việc thông báo cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay.”
– Thư tín là văn bản chứa đựng những thông tin mà một người muốn báo cho một (hoặc nhiều) người khác biết.
– Bưu kiện, bưu phẩm là những kiện hàng được các cơ sở bưu chính vận chuyển từ người này đến người khác.
Việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm của cá nhân, tổ chức có thể ảnh hưởng đến quyền bí mật thông tin của họ, do vậy việc thu giữ phải được quy định một cách cụ thể, chỉ được thực hiện khi có căn cứ và đúng trình tự, thủ tục.
2.3 Tạm giữ tài liệu, đồ vật khi khám xét
Đây là trường hợp tạm giữ diễn ra nhiều nhất, dễ thực hiện và thiết thực nhất. Tạm giữ tài liệu, đồ vật khi khám xét được quy định tại Điều 198 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:
“1. Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ sở hữu đồ vật, người quản lý đồ vật, người chứng kiến, đại diện gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét.
2. Việc tạm giữ tài liệu, đồ vật khi tiến hành khám xét được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản, trong đó một bản giao cho người chủ tài liệu, đồ vật hoặc người quản lý tài liệu, đồ vật, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản giao cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý tài liệu, đồ vật bị tạm giữ.”
Theo quy định trên, đồ vật, tài liệu được tạm giữ là vật chứng hoặc tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đây phải là những tài liệu, đồ vật có giá trị chứng minh, giải quyết vụ án và liên quan đến người phạm tội (có thể người phạm tội là chủ sở hữu hoặc không)
3. Trách nhiệm bảo quản phương tiện, tài liệu bị thu giữ, tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015?
Quy định trách nhiệm bảo quản phương tiện, tài liệu bị thu giữ, tạm giữ là điều hoàn toàn cần thiết nhằm thiết lập một trạng thái “toàn vẹn” cho những tài sản không thuộc sở hữu của cơ quan tiến hành tố tụng. Điều 199 quy định:
“1. Phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong phải được bảo quản nguyên vẹn.
2. Người nào phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.”
Như vậy, có thể thấy, việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, phương tiện, đồ vật, bưu kiện,…làm phát sinh nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo quản các “đối tượng” này.
Người nào phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 385
Điều 385. Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản
1. Người nào được giao giữ, quản lý tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong, tài khoản bị phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phá hủy niêm phong, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền;
b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;
b) Dẫn đến bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.