Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tổ chức, quyền hạn và mục tiêu hoạt động của SCIC.
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Tổ chức, quyền hạn và mục tiêu hoạt động của SCIC.
I. Cơ sở pháp lý:
– Nghị định số 151/2013/NĐ-CP;
II. Luật sư tư vấn:
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (sau đây gọi tắt là SCIC) là doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; được Nhà nước đầu tư vốn điều lệ và giao quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuyển giao. Phát triển SCIC trở thành Tập đoàn Tài chính có quy mô lớn trong khu vực, nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ trong và ngoài nước; tập trung đầu tư có hiệu quả theo nguyên tắc thị trường vào các ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu Nhà nước cần nắm giữ vốn.
1. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)
Với chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. SCIC là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nhằm tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc thị trường.
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2006, SCIC quản lý danh mục đầu tư gồm các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như: dịch vụ tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, vận tải, hàng tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin…
SCIC được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển sang mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo đó, Tổng công ty hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
2. Cơ cấu tổ chức của Tổng công ty
Căn cứ theo Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của SCIC gồm có:
– Hội đồng thành viên: Gồm những thành viên chịu trách nhiệm về phần vốn nhà nước tại Tổng công ty gồm đại diện các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư.
– Giúp việc cho Hội đồng thành viên có:
+ Các ủy ban chuyên môn
+ Hội đồng cố vấn (dự kiến).
– Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, bộ máy giúp việc:
– Gồm các thành viên điều hành các hoạt động kinh doanh thường kỳ của Tổng công ty.
– Giúp việc cho ban giám đốc gồm có:
+ Văn phòng điều hành
+ Ban quản lý vốn đầu tư I: Tài chính – Ngân hàng
+ Ban quản lý vốn đầu tư II: Năng lượng – Xây dựng – Giao thông vận tải
+ Ban quản lý vốn đầu tư III: Nông nghiệp – Dược
+ Ban quản lý vốn đầu tư IV: Thương mại – Dịch vụ
+ Ban Đầu tư kinh doanh: Dự án đầu tư mới
+ Ban Kế hoạch tổng hợp
+ Ban Tài chính Kế toán
+ Ban Quản lý rủi ro
+ Ban Pháp chế
+ Ban Công nghệ thông tin
+ Ban Tổ chức cán bộ và đào tạo
+ Văn phòng Đảng – Đoàn
+ Chi nhánh khu vực Phía Nam
+ Chi nhánh khu vực Miền Trung
+ Các công ty Thành viên
+ Các công ty Liên kết.
Hội đồng thành viên của Tổng công ty có 7 người. Chủ tịch Hội đồng thành viên và thành viên của Hội đồng thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách.
– Quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty:
+ Quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý.
+ Báo cáo Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước được giao quản lý.
+ Báo cáo Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm.
+ Lựa chọn và quyết định lĩnh vực, hình thức đầu tư và kinh doanh vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm hiệu quả, khả năng sinh lời và phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp thực hiện các nhiệm vụ đầu tư, kinh doanh vốn có mục tiêu chính trị – xã hội do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng công ty phải tổ chức theo dõi để xác định rõ kết quả việc thực hiện những nhiệm vụ này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý.
+ Góp vốn, tài sản với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để liên doanh, liên kết bằng các hình thức: Mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác, đầu tư thành lập doanh nghiệp mới, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
+ Được quyền chủ động quyết định đầu tư thêm vốn, bán vốn tại các doanh nghiệp nhận chuyển giao từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành; chủ động lựa chọn các hình thức bán vốn mà Tổng công ty đã tiếp nhận hoặc đầu tư tại các doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này và Điều lệ của Tổng công ty; được thỏa thuận mua lại cổ phần, vốn góp đã bán cho nhà đầu tư để đảm bảo các quyền và lợi ích của Nhà nước.
+ Nhận ủy thác các nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.
+ Tổng công ty được thành lập, tham gia góp vốn thành lập công ty con, công ty liên kết (bao gồm cả các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư).
+ Quyết định thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị trực thuộc trong và ngoài nước sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Cử, ủy quyền và đánh giá hoạt động của Người đại diện; miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện; quyết định mức thù lao, thưởng và các lợi ích khác của Người đại diện tại các doanh nghiệp được giao quản lý.
+ Giao nhiệm vụ cho Người đại diện quyết định những nội dung quy định tại Nghị định này.
+ Tham gia lựa chọn Người đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao vốn về Tổng công ty.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
+ Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
3. Mục tiêu hoạt động và ngành, nghề kinh doanh:
* Mục tiêu hoạt động:
– Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại SCIC và vốn của SCIC đầu tư tại doanh nghiệp khác, hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao.
– Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
* Ngành, nghề kinh doanh:
– Ngành, nghề kinh doanh chính:
+ Đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao;
+ Tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ;
+ Quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
+ Tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.
– Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính:
+ Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật;
+ Cung cấp các dịch vụ tư vấn: Đầu tư, tài chính; chuyển đổi, quản trị, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật;
+ Các ngành, nghề khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
– Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều này, Hội đồng thành viên SCIC quyết định ban hành, sửa đổi phụ biểu ngành đăng ký kinh doanh khớp theo mã ngành kinh tế Việt Nam sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính để thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
4. Vốn điều lệ: Vốn điều lệ của SCIC được quy định tại Điều 5 Nghị định số 57/2014/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC:
– Vốn điều lệ của SCIC là 50.000 tỷ đồng (năm mươi ngàn tỷ đồng).
– Việc điều chỉnh vốn điều lệ của SCIC thực hiện theo quy định của pháp luật.
– Trong quá trình hoạt động, vốn điều lệ của SCIC, Điều lệ này có thể tăng lên do:
+ Vốn do Nhà nước cấp trực tiếp bằng tiền hoặc tài sản;
+ Vốn tiếp nhận theo giá trị sổ kế toán từ các công ty nhận chuyển giao;
+ Vốn tự bổ sung từ Quỹ đầu tư phát triển;
+ Các nguồn tài trợ không hoàn lại;
+ Các nguồn vốn khác có nguồn gốc từ Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh tăng vốn điều lệ của SCIC trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ này.
Trong trường hợp tăng vốn điều lệ, SCIC phải tiến hành điều chỉnh kịp thời trong bảng cân đối tài sản, công bố vốn điều lệ và làm các thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ trong Điều lệ này.
5. Chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với SCIC:
Theo Quyết định 2344/QĐ-TTg ngày 2/12/2013 đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến 2015 thì việc tái cơ cấu nhằm đưa Tổng công ty thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, độc quyền tự nhiên, cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Theo đó:
– Nhà nước là chủ sở hữu của SCIC. Chính phủ thống nhất quản lý thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với SCIC.
– Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ hoặc ủy quyền cho Bộ Tài chính.
– Bộ Tài chính thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ hoặc theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
– Hội đồng thành viên của SCIC là đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước đối với SCIC, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn góp do SCIC tiếp nhận và đầu tư.
Người đại diện theo pháp luật của SCIC là Tổng Giám đốc SCIC.