Tội phạm xâm phạm sở hữu là hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm một cách cố ý hoặc vô ý đến các quan hệ sở hữu được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm của tội phạm.
Mục lục bài viết
1. Về quyền sở hữu và tội phạm xâm phạm sở hữu:
Sở hữu được hiểu theo nghĩa chung nhất đó là việc chiếm hữu, quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản. Theo từ điển Luật học thì sở hữu là “Quan hệ xã hội thông qua đó xác định tài sản thuộc về ai? Do ai chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản trong xã hội. Quyền sở hữu là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật của bất kỳ quốc gia nào cũng công nhận. Ở Việt Nam, quyền này cũng được ghi nhận trong hệ thống pháp luật. Điều 32 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: “1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. 2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ...”. Ngoài ra, quyền sở hữu cũng được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự 2015. Trong Bộ luật dân sự đã ghi nhận quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu đối với tài sản mà mình sở hữu hợp pháp. Như vậy, mỗi quyền năng là một yếu tố cấu thành quyền sở hữu, trong đó quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc người khác thực hiện quyền này khi được chủ sở hữu chuyển giao theo quy định của pháp luật; quyền sử dụng là quyền của chủ sở hữu khai thác công dụng, hưởng lợi (hoa lợi, lợi tức) từ tài sản hoặc người khác được chủ sở hữu giao cho quyền này theo quy định của pháp luật và quyền định đoạt là quyền của chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Ví dụ, chủ sở hữu có quyền tự mình bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác đối với tài sản.
Đặc điểm của quyền sở hữu thể hiện ở chỗ cả ba quyền năng đó cùng phát sinh đồng thời, dựa trên một căn cứ pháp lý nhất định như thông qua hợp đồng mua bán, tặng cho, ... Mặt khác, theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản theo ý chí của mình đối với tài sản, miễn là không làm thiệt hại và ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Trong khi đó, pháp luật cũng quy định rằng người không phải là chủ sở hữu, nếu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình thì hoặc là phải theo thỏa thuận với chủ sở hữu tài sản đó hoặc theo quy định của pháp luật. Các quy định của pháp luật về nội dung của quyền chủ sở hữu phụ thuộc vào chế độ kinh tế và cấu trúc giai cấp của xã hội.
Về việc bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu thì theo điều 165 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “1. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”. Như vậy, không ai có quyền xâm phạm quyền sở hữu của người khác một cách trái phép, mọi chủ thể đều phải có nghĩa vụ tôn trọng, không được có những hành vi có thể làm tổn hại đến quyền chủ sở hữu, có tính bắt buộc đối với tất cả các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Trừ những trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường. Do vậy, khi cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền sở hữu trái pháp luật của chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản hợp pháp sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật Hình sự Việt Nam và trở thành tội phạm xâm phạm sở hữu.
Theo thạc sĩ Đinh Văn Quế thì: “Các tội phạm sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến quan hệ sở hữu, của cơ quan, tổ chức và của công dân” [32]. Theo TS. Lê Đăng Doanh các tội xâm phạm sở hữu được hiểu là: “Về mặt khoa học các tội xâm phạm sở hữu được hiểu là hành vi có lỗi, gây thiệt hại cho các quan hệ sở hữu ở mức độ nhất định và phản ánh đầy đủ nhất bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự là tội phạm”. Ngoài ra, theo quan điểm của GS.TS Trần Minh Hưởng cho rằng: “các tội xâm phạm sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đủ độ tuổi theo luật định, thực hiện, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại ở mức độ nhất định cho quan hệ sở hữu...”.
Như vậy, có thể hiểu là tội phạm xâm phạm sở hữu cũng bao gồm những dấu hiệu chung của khái niệm tội phạm được quy định tại Khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015. Theo đó, các tội xâm phạm sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi Luật hình sự quy định thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến quan hệ sở hữu mà theo quy định của BLHS phải bị xử lý hình sự.
Tội phạm xâm phạm sở hữu là hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi nó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho các quan hệ sở hữu được pháp luật hình sự bảo vệ. Theo khoản 1 Điều 2 BLHS 2015 quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Theo nguyên tắc đó có thể hiểu rằng chỉ những hành vi xâm phạm sở hữu được quy định trong BLHS mới được coi là tội phạm xâm phạm sở hữu. Trong BLHS 2015, các tội xâm phạm sở hữu được quy định tại chương XVI gồm có 13 điều luật. Căn cứ vào đây để xác định những hành vi nào là hành vi xâm phạm sở hữu để buộc các chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm sở hữu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ thể thực hiện các hành vi phạm tội phải do người có năng lực TNHS thực hiện. BLHS không quy định cụ thể về năng lực TNHS mà chỉ quy định tình trạng không có năng lực TNHS và tuổi chịu TNHS. Từ các quy định này có thể hiểu rằng tội phạm xâm phạm sở hữu là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người đạt độ tuổi luật định và là người nhận thức được và có khả năng điều khiển được hành vi của mình. Cuối cùng, các tội xâm phạm sở hữu là hành vi có lội. Lỗi là thái độ tâm lý của người thực hiện tội phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện và đối với hậu quả cho xã hội do hành vi đó gây ra. Lỗi được thể hiện dưới hình thức cố ý (cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp) hoặc vô ý (vô ý do quá tự tin hay vô ý do cẩu thả). Đa số các tội xâm phạm sở hữu được thực hiện do lỗi cố ý. Chỉ có hai tội là thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là các tội được thực hiện do lỗi vô ý.
Từ các luận điểm trên có thể hiểu tội phạm xâm phạm sở hữu là hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm một cách cố ý hoặc vô ý đến các quan hệ sở hữu được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện mà việc xâm hại này thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm của tội phạm.
2. Thế nào là người dưới 18 tuổi phạm tội:
Ở nước ta, người được coi là có nhận thức đầy đủ là người từ 18 tuổi trở lên và người dưới 18 tuổi, hay còn gọi là người chưa thành niên là “người chưa đến tuổi được pháp luật công nhận với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ”.
Quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do (Quy tắc Havana) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 14/12/1990 ghi nhận cụ thể: “Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Giới hạn tuổi dưới mức này cần phải được pháp luật xác định và không được tước quyền tự do của người chưa thành niên”. Về quy tắc phòng ngừa người dưới 18 tuổi phạm tội được Liên Hợp Quốc thông qua ngày 14/12/1990 mặc dù không đưa ra khái niệm cụ thể về người chưa đủ 18 tuổi phạm tội, song thông qua các quy định cũng giúp chúng ta hiểu người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi.
Trong BLHS hiện hành, vấn đề TNHS của người dưới 18 tuổi phạm tội được nhà làm luật quy định trong một chương riêng thuộc Phần chung – Chương XII. Trong đó quy định các nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội; các biện pháp phi hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; vấn đề hình phạt, quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và các vấn đề khác có liên quan.
Từ đó, mặc dù không quy định trong BLHS nhưng thuật ngữ “Người dưới 18 tuổi phạm tội” được hiểu là người đã đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm thực hiện tội phạm. Tại điều 12 BLHS hiện hành quy định:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 29, 303 và 304 của Bộ luật này.
Như vậy, chỉ những người chưa đủ 18 tuổi thuộc trường hợp từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội, còn người dưới 14 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở quy định của Bộ luật hình sự, một số tác giả đã đưa ra khái niệm người chưa thành niên phạm tội tương đối đầy đủ trong khoa học pháp lý hình sự nhằm xác định tính chất phạm tội của hành vi cũng như tạo điều kiện cho việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên sao cho phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà họ đã thực hiện trên cơ sở những đặc điểm tâm lý, sinh lý của họ vào thời điểm họ phạm tội.
Theo TSKH.GS Lê Cảm và PGS.TS Đỗ Thị Phượng thì người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự chưa đầy đủ, do hạn chế bởi các đặc điểm về tâm sinh lý và có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm [3, tr. 9]. Do đó, năm dấu hiệu cơ bản về người chưa thành niên phạm tội dưới khía cạnh pháp lý hình sự là:
1) Từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi;
2) Có năng lực trách nhiệm hình sự chưa đầy đủ do sự hạn chế bởi các đặc điểm tâm sinh lý;
3) Đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội;
4) Hành vi mà người chưa thành niên thực hiện là hành vi bị pháp luật hình sự cấm;
5) Có lỗi (cố ý hoặc vô ý) khi thực hiện hành vi phạm tội.
Như vậy, theo tác giả người dưới 18 tuổi phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, cố ý hoặc vô ý thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm.
Trên cơ sở các lập luận trên, theo tác giả có thể đưa ra khái niệm về các tội xâm phạm sở hữu do người dưới 18 tuổi thực hiện như sau: “Các tội xâm phạm sở hữu do người dưới 18 tuổi thực hiện có chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi không ở trong tình trạng không có năng lực TNHS, cố ý hoặc vô ý thực hiện hành vi xâm hại đến quan hệ sở hữu mà BLHS quy định phải xử lý hình sự”.