Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là gì? Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tiếng Anh là gì? Cấu thành của Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác? Hình phạt của Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác? Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% tương ứng là bao nhiêu?
Bên cạnh các quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ,… thì
1. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là gì?
Gây thương tích cho người khác được hiểu việc tác động lên thân thể của con người, làm cho con người có những thương tích nhất định lên các bộ phận cơ thể, để lại trạng thái bất thường. Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tức là tác động lên thân thể của con người làm cho sức khỏe của nạn nhân yếu đi không còn nguyên vẹn như trước mặc dù không để lại dấu vết trên thân thể họ hoặc làm mất chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của nạn nhân nhưng nó làm giảm chức năng hoạt động của bộ phận đó.
Như vậy, có thể hiểu Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là việc một người vô ý gây thương tích nhất định lên các bộ phận cơ thể, để lại trạng thái bất thường hoặc làm giảm chức năng hoạt động của bộ phận trên cơ thể người khác, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định thực hiện
2. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tiếng Anh là gì?
Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tiếng Anh là “Involuntary infliction of bodily harm upon others”.
3. Cấu thành Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
“Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”
Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội vô ý gây thương tích hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác xâm phạm quyền được bảo vệ sức khỏe của con người thông qua sự tác động làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, cụ thể nó gây ra tổn hại về sức khỏe của con người ở một dạng nhất định.
Đối tượng tác động chính của tội phạm này là sức khỏe con người.
Mặt khách quan của tội phạm
Có hành vi vi phạm dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác. Hành vi vi phạm ở đây chính là vi phạm quy tắc an toàn cho sức khỏe của người khác. Cũng như tắc an toàn cho tính mạng, quy tắc an toàn cho sức khỏe cũng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có những quy tắc có thể đã được quy phạm hóa hoặc cũng có những quy tắc chỉ là những quy tắc xử sự xã hội thông thương, mọi người đều biết và thừa nhận. Một số hành vi vi phạm quy tắc an toàn thuộc một số lĩnh vực có thể được quy định là tội phạm ở những điều luật riêng khác.
Trong trường hợp như vậy, hành vi vi phạm quy tắc an toàn không còn là hành vi khách quan của tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoe của người khác mà là hành vi khách quan của những tội phạm khác đó. Vi dụ: Hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông , hành vi vi phạm quy tắc an toàn lao động …
Hậu quả của hành vi khách quan nêu trên mà cấu thành tội phạm đòi hỏi phải là thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 31% trở lên.
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này đó chính là những người có năng lực trách nhiệm hình sự, không bị mất khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi, đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội phạm tội với lỗi vô ý vì quá tự tin, đó chính là họ trước hành vi của mình có thể gây ra tổn hại đến sức khỏe hoặc có thể gây thương tích cho người khác nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được
4. Hình phạt của Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
– Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm khi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%,.
– Phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
– Phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm khi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.
5. Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% tương ứng là bao nhiêu?
Căn cứ vào thông tư số 22/2019/TT- BYT để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể thì:
– Tổng tỷ lệ % TTCT của một người phải nhỏ hơn 100%.
– Mỗi bộ phận cơ thể bị tổn thương chỉ được tính tỷ lệ % TTCT một lần. Trường hợp bộ phận này bị tổn thương nhưng gây biến chứng, di chứng sang bộ phận thứ hai đã được xác định thì tính thêm tỷ lệ % TTCT do biến chứng, di chứng tổn thương ở bộ phận thứ hai.
– Nếu nhiều TTCT là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được ghi trong các Bảng tỷ lệ % TTCT thì tỷ lệ % TTCT được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó.
– Khi tính tỷ lệ % TTCT chỉ lấy đến hai chữ số hàng thập phân, ở kết quả cuối cùng thì làm tròn để có tổng tỷ lệ % TTCT là số nguyên (nếu số hàng thập phân bằng hoặc lớn hơn 0,5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị).
– Khi tính tỷ lệ % TTCT của một bộ phận cơ thể có tính chất đối xứng, hiệp đồng chức năng mà một bên bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đã được xác định, thì tính cả tỷ lệ % TTCT đối với bộ phận bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đó.
Ví dụ: Một người đã bị cắt thận phải trước đó, nếu lần này bị chấn thương phải cắt thận trái thì tỷ lệ % TTCT được tính là mất cả hai thận.
– Khi giám định, căn cứ tổn thương thực tế và mức độ ảnh hưởng của tổn thương đến cuộc sống, nghề nghiệp của người cần giám định, giám định viên đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT trong khung tỷ lệ tương ứng với Bảng tỷ lệ % TTCT.
– Đối với các bộ phận cơ thể đã bị mất chức năng, nay bị tổn thương thì tỷ lệ % TTCT được tính bằng 30% tỷ lệ % TTCT của bộ phận đó.
– Trường hợp trên cùng một người cần giám định mà vừa phải giám định pháp y lại vừa phải giám định pháp y tâm thần (theo quyết định trưng cầu/yêu cầu), thì tổ chức giám định thực hiện giám định sau tổng hợp (cộng) tỷ lệ % TTCT của người cần giám định theo phương pháp xác định tỷ lệ % TTCT.
Đối với tổn thương hệ thần kinh, thì tỷ lệ tổn thương từ 31% trở lên gồm:
– Khuyết xương sọ mà đường kính ổ khuyết từ lớn hơn 6cm đến 10cm, đáy phập phồng tổn thương 31-35%
– Khuyết xương sọ mà đường kính ổ khuyết từ 10cm trở lên, đáy phập phồng tổn thương 41-45%
Tổn thương não gây di chứng sống kiểu thực vật tổn thương 99%
– Liệt tứ chi , Liệt nửa người , Liệt hai tay hoặc hai chân, Liệt một tay hoặc một chân mức độ vừa, nặng, hoàn toàn thì tỷ lệ tổn thương đều trên 31%
– Mất vận động ngôn ngữ kiểu Broca mức độ nặng, rất nặng, hoàn toàn
– Mất hiểu lời kiểu Wernicke mức độ vừa, nặng, rất nặng, hoàn toàn
-Mất đọc, mất viết, Quên (không chú ý) sử dụng nửa người
– Tổn thương ngoại tháp mức độ vừa, nặng, rất nặng, hoàn toàn
-Tổn thương nón tủy không hoàn toàn; Tổn thương nón tủy toàn bộ (mất cảm giác vùng đáy chậu, rối loạn cơ tròn, không liệt hai chi dưới); Tổn thương tủy thắt lưng toàn bộ kiểu khoanh đoạn; Tổn thương tủy ngực toàn bộ kiểu khoanh đoạn; Tổn thương tủy cổ toàn bộ kiểu khoanh đoạn; Tổn thương nửa tủy toàn bộ (hội chứng Brown – Sequard, tủy cổ C4)
– Tổn thương tủy gây mất hoàn toàn cảm giác (nông hoặc sâu) một bên từ ngực trở xuống (dưới khoanh đoạn ngực T5); Tổn thương tủy gây giảm cảm giác (nông hoặc sâu) nửa người; Tổn thương tủy gây mất hoàn toàn cảm giác (nông hoặc sâu) nửa người
– Tổn thương rễ thần kinh: Tổn thương không hoàn toàn đuôi ngựa (có rối loạn cơ tròn); Tổn thương hoàn toàn đuôi ngựa
– Tổn thương đám rối thần kinh một bên: Tổn thương không hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay – tổn thương thân nhất dưới; Tổn thương không hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay – tổn thương thân nhất trên; Tổn thương không hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay – tổn thương thân nhì trước trong; Tổn thương không hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay – tổn thương thân nhì trước ngoài; Tổn thương không hoàn toàn dám rối thần kinh cánh tay – tổn thương thân nhì sau; Tổn thương hoàn toàn đám rối thần kinh cánh tay không tổn thương ngành bên;….