Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn.
1. Căn cứ pháp lý
Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999
2. Dấu hiệu pháp lý
2. 1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng là người đủ 16 tuổi trở lên ; vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng. Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tuy không phải là chủ thể đặc biệt nhưng có một đặc điểm khác với chủ thể của các tội phạm khác: người phạm tội phải là người đang có vợ hoặc có chồng hoặc một trong hai người phải là người đang có vợ hoặc đang có chồng.
2. 2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng chính là vi phạm chế độ một vợ, một chồng, là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình mà Luật hôn nhân và gia đình quy định; bảo vệ chế độ một vợ, một chồng khỏi bị xâm hại cũng chính là giữ vững nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình.
2. 3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan.
Người phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có thể có một trong các hành vi sau:
Đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.
Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn ( kể cả hôn nhân thực tế được pháp luật thừa nhận) và chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn; người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; người sống chung với người khác như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 và đang chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Hôn nhân thực tế là hôn nhân là hôn nhân có đủ điều kiện kết hôn về nội dung, chỉ vi phạm điều kiện về hình thức là không có đăng ký kết hôn. Các điều kiện về nội dung là: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; việc chung sống với nhau được gia đình ( một hoặc cả hai bên chấp nhận); việc chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Hành vi sống chung như vợ chồng với người khác là hành vi của nam và nữ không có đăng ký kết hôn nhưng về sống chung với nhau như vợ chồng, có thể có tổ chức lễ cưới hoặc không tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán; gia đình có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; họ sống với nhau như vợ chồng một cách công khai, mọi người xung quanh đều biết và cho rằng họ là vợ chồng.
Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ là trường hợp người chưa có vợ, chưa có chồng biết rõ người khác đã có chồng, đã có vợ nhưng vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người này.
Người chưa có vợ hoặc chưa có chồng là người chưa kết hôn lần nào hoặc đã kết hôn nhưng đã ly hôn hoặc một trong hai người (vợ hoặc chồng) đã chết hoặc được Toà án tuyên bố là đã chết. Khi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đã có chồng hoặc có vợ, người phạm tội phải biết rõ người mà mình kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng là người đang có chồng hoặc có vợ. Nếu không biết rõ thì không phải hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Thông thường, trường hợp này người chưa có vợ, chưa có chồng (nhất là người chưa có chồng) bị người đang có vợ hoặc đang có chồng lừa dối nên mới kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Các hành vi trên chỉ cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng khi người có hành vi đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm.
Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần vi phạm chế độ một vợ, một chồng, đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính nay lại có hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì cũng không cấu thành tội phạm này.
b. Hậu quả
Hậu quả của tội phạm này là hậu quả nghiêm trọng, nếu hậu quả gây ra chưa nghiêm trọng mà người phạm tội cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì cũng chưa cấu thành tội phạm này.
Hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây ra là những thiệt hại như: Người vợ hoặc người chồng hợp pháp phải bỏ việc, phải tốn kém tiền của để lo giải quyết hàn gắn quan hệ vợ chồng hoặc do quá uất ức với hành vi vi phạm của người chồng hoặc người vợ mà sinh ra bệnh tật, tự sát, con cái phải nheo nhóc bỏ học đi lang thang, hoặc do hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà dẫn đến hành vi phạm tội khác như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản…. Như vậy, hậu quả của tội phạm này vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc.
2. 4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng, thấy trước được hậu quả nghiêm trọng nhất định xảy ra hoặc có thể xảy ra, mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Đối với tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng người phạm tội thường bỏ mặc cho hậu quả nghiêm trọng xảy ra, miễn là được chung sống như vợ chồng với nhau.
3. Hình phạt
Khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự quy định hai trường hợp nhưng đều có chung một khung hình phạt là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm. Khi xác định trách nhiệm hình sự cũng như quyết định hình phạt cần phải phân biệt hai trường hợp phạm tội, nếu người phạm tội vừa bị xử phạt hành chính, vừa gây hậu quả nghiêm trọng thì phải áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp phạm tội quy định taị khoản 1 của điều luật.
Khoản 2 của điều luật vừa là cấu thành độc lập vừa là cấu thành tăng nặng của tội phạm này.
Là cấu thành độc lập trong trường hợp người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính, chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đã bị Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Là cấu thành tăng nặng của tội phạm này trong trường hợp người phạm tội đã bị xử phạt hành chính hoặc đã gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 147 Bộ luật hình sự thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm,là tội phạm ít nghiêm trọng.