Cấu thành tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên? Quy định về hình phạt đối với tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên?
Tài nguyên thiên nhiên là những của cải vật chất có sẵn trong tự nhiên mà con người có thể khai thác, chế biến, sử dụng, phục vụ cuộc sống của con người. Tài nguyên thiên nhiên là một bộ phận thiết yếu của môi trường, có quan hệ chặt chẽ với môi trường. Tài nguyên được ví như tài sản quốc gia, vì vậy, việc khai thác tài nguyên cần vô cùng thận trọng, phải có những chiến lược dài hạn trong khai thác, kết hợp giữa khai thác và bảo vệ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường.
Bất cứ cá nhân, tổ chức nào có những hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên sẽ đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tìm hiểu quy định pháp luật đối với tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên là vô cùng cần thiết giúp cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này tránh được những rủi ro pháp lý không mong muốn. Kiến thức pháp luật về tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên sẽ được Luật Dương Gia gửi đến bạn đọc trong bài viết dưới đây:
Căn cứ pháp lý:
–
– Nghị định 36/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
– Luật hình sự năm 2015
Mục lục bài viết
1. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên là gì?
Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được quy định tại Điều 227
Điều 227. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Gây sự cố môi trường;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
e) Làm chết người.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy có thể hiểu: Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên là hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép.
2. Cấu thành tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên:
Khách thể của tội phạm:
Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên xâm phạm chế độ quản lý của nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được thể hiện qua các quy định pháp luật.
Đối tượng tác động của tội phạm là tài nguyên nước, dầu khí hoặc các loại khoáng sản khác như: than, cát, quặng kim loại…
Tài Nguyên có thể ở trong đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Mặt khách quan của tội phạm:
Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được thực hiện bằng hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam.
Hành vi vi phạm đó có thể là hoạt động thăm dò, khai thác (đá quý, vàng cao lanh; pyrit sắt…) không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc tuy có giấy phép nhưng không đúng với nội dung đã ghi trong giấy phép.
Các hành vi nêu trên chỉ cấu thành tội phạm này nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Thu lợi bất chính từ việc nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Chú ý: Để xác định các hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác khoáng sản cần căn cứ vào các quy định trong Luật khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên.
Chủ thể của tội phạm:
Người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 BLHS.
So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm khi quy định về tội phạm này. Cụ thể, theo BLHS năm 1999, chủ thể của tội phạm chỉ có thể là cá nhân, còn theo BLHS năm 2015, chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại
3. Hình phạt đối với tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên:
Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 quy định về hình phạt đổi với tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên với các khung hình phạt cụ thể là:
Đối với cá nhân:
– Khung 1: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Áp dụng đối với trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
– Khung 2: Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Gây sự cố môi trường;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
e) Làm chết người.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
Mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm theo quy định Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 so với Bộ luật Hình sự 1999 đã thay đổi theo hướng quy định nghiêm khắc hơn.
Đối với pháp nhân:
– Khung 1:
Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
– Khung 2:
Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm
Hình phạt bổ sung: Pháp nhân còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Với việc quy định rõ ranh giới giữa xử lí hành chính và xử lí hình sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng luật được chính xác.
Đối với những trường hợp hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng đủ điều kiện để áp dụng biện pháp hành chính xử phạt thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với các trường hợp đó.