Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản, mức hình phạt được sắp xếp từ nhẹ đến nặng, tùy theo tính chất nguy hiểm của hành vi và được chia thành 4 mức, tương ứng với 4 khung hình phạt chính.
Trong PLHS hiện hành, tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các dấu hiệu pháp lý của tội trộm cắp tài sản được thể hiện qua các dấu hiệu sau đây:
Mục lục bài viết
- 1 1. Dấu hiệu khách thể của tội trộm cắp tài sản:
- 2 2. Dấu hiệu mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản:
- 3 3. Dấu hiệu chủ thể của tội trộm cắp tài sản:
- 4 4. Dấu hiệu mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản:
- 5 5. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản theo quy định của Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015:
- 5.1 5.1. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015:
- 5.2 5.2. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015:
- 5.3 5.3. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 3 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015:
- 5.4 5.4. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015:
1. Dấu hiệu khách thể của tội trộm cắp tài sản:
Khách thể trực tiếp của tội trộm cắp tài sản là quyền sở hữu tài sản. Quyền sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu .
Để gây thiệt hại đến các quyền sở hữu về tài sản, người phạm tội trộm cắp tài sản phải tác động đến đối tượng là tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản.
Theo Điều 105 BLDS năm 2015: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” .
– Vật chỉ có thể là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản khi nó là một bộ phận của thế giới vật chất, là sản phẩm lao động của con người, con người chiếm hữu được, mang lại lợi ích cho chủ thể, có thể đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai; đồng thời, chưa bị chủ tài sản hủy bỏ, từ bỏ quyền sở hữu.
– Tiền là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản phải có giá trị đang được lưu hành trên thực tế, tức là được pháp luật thừa nhận. Do vậy, tiền giả không phải là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản. Trường hợp, tiền cũ (tiền đồng qua các thời kỳ lịch sử trước đây) có giá trị văn hóa lịch sử khi bị trộm cắp thì không được coi là tiền theo nghĩa này mà cần được xác định là vật.
– Giấy tờ có giá được hiểu là giấy tờ trị giá được bằng tiền và chuyển giao được trong giao dịch dân sự. Giấy tờ có giá chia làm 02 loại là giấy tờ có giá ghi danh và giấy tờ có giá vô danh và chỉ có giấy tờ có giá vô danh mới có thể là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản bởi vì giấy tờ có giá vô danh thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ.
– Quyền tài sản tuy được coi là tài sản nhưng có tính đặc thù, chỉ là một quyền năng mang tính pháp lý được Nhà nước bảo hộ, để chuyển dịch được phải thông qua các thủ tục pháp lý do Nhà nước quy định. Các quyền này thường gắn liền với nhân thân con người hoặc được thể hiện qua các giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Việc chiếm giữ được giấy tờ chứng nhận quyền tài sản không đồng nghĩa với việc được thực hiện quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản . Do vậy, theo chúng tôi quyền tài sản không phải là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản.
– Ngoài ra, một số tài sản sau không phải là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản:
+ Một số tài sản thuộc loại bất động sản” có tính chất vật lý cố định, ví dụ như: đất đai, nhà cửa, ao hồ... Những loại tài sản này không thể là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản, vì không dịch chuyển được. Tuy nhiên, có một số động sản mà pháp luật dân sự quy định là bất động sản do công dụng của nó như: cánh cửa gắn với ngôi nhà, cây cối trồng trên vườn... thì vẫn là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản.
+ Tài sản vô chủ; tài sản bị rơi, bị bỏ quên, thất lạc; tài sản mà chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản đó.
+ Tài sản thuộc các loại có tính chất và công dụng đặc biệt.
2. Dấu hiệu mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản:
Theo khoa học luật hình sự, “mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan” . Đó còn là “mặt bên ngoài của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng PLHS, tức là sự thể hiện cách xử sự có tính chất tội phạm trong thực thể khách quan” .
Mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản bao gồm: Hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội như: công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội... Tìm hiểu mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản tức là tìm hiểu từng yếu tố cấu thành một khách quan của tội phạm trong Bộ luật Hình sự.
* Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản Hành vi khách quan đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Lén lút được coi là đặc điểm riêng biệt có tính đặc thù của tội trộm cắp tài sản, không có việc lén lút thì không phải là trộm cắp. Các nhà nghiên cứu đều coi lén lút là thủ đoạt chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản và đã lén lút nghĩa là bí mật, không công khai. Lén lút chiếm đoạt tức là có ý thức che dấu hành vi chiếm đoạt đối với người quản lý tài sản.
Nói cách khác, hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản trong tội trộm cắp tài sản là hành vi cố ý thực hiện một việc làm của mình khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội luôn có ý thức che giấu hành vi chiếm đoạt. Ý thức che giấu hành vi phạm pháp có thể đối với tất cả mọi người nhưng cũng có thể chỉ đối với chủ tài sản .
Ví dụ: Nguyễn Văn A đến nhà chị Lê Thị T để ăn cơm. Sau khi ăn cơm xong, A đi bộ ra ngoài đường trước cổng nhà chị T thì nhìn thấy 01 chiếc mô tô dựng ở tường rào của chị T. Thấy vậy, A nảy sinh ý định mở cốp xe xem có gì bên trong không để lấy trộm. Sau khi quan sát xung quanh không có ai thì A liền nhặt một đoạn dây thép rồi đi đến cạnh chiếc xe mô tô, A bẻ cong một đầu của sợi dây thép và chọc vào nút bấm mở cốp thì cốp xe bật ra. A thấy bên trong cốp xe có một chiếc túi xách, A liền lấy chiếc túi xách rồi đi về nhà. Tài sản mà A trộm cắp được gồm: 01 chiếc điện thoại di động Samsung, 02 sợi dây chuyền bằng vàng. Tổng trị giá tài sản A đã chiếm đoạt là 61.000.000 đồng.
Với các tình tiết nêu trên cho thấy Nguyễn Văn A đã lợi dụng lúc vắng người, lén lút thực hiện hành vi mở cốp xe mô tô của chị Lê Thị T để trộm cắp chiếc túi xách bên trong có tài sản của chị T.
Trong thực tế, có những hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản được thực hiện một cách giấu giếm, vụng trộm, người phạm tội tìm cách che giấu toàn bộ hành vi của mình, ví dụ: người phạm tội lợi dụng lúc chủ nhà ngủ say để bí mật đột nhập vào nhà lấy đi tài sản nhưng cũng có những hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản được thực hiện một cách công khai với những người xung quanh và chỉ lén lút với chủ tài sản, ví dụ: người phạm tội rút điện thoại trong túi quần của người khác ngay sự chứng kiến của những người xung quanh. Tính chất lén lút của hành vi cũng có thể được thực hiện qua việc che giấu tính chất bất hợp pháp của hành vi chứ không che giấu toàn bộ hành vi, ví dụ: A bí mật lấy chìa khóa nhà của anh B đi đánh chìa khóa khác, chờ dịp gia đình B đi nghỉ dưỡng A đã dùng chìa khóa đánh thêm để mở khóa và chuyển một số tài sản đi giả là chuyển nhà giúp B.
Nếu người phạm tội mong muốn che giấu hành vi phạm tội của mình nhưng trong thực tế lại không che giấu được thì vẫn bị coi là phạm tội trộm cắp tài sản, ví dụ: A lợi dụng lúc B không có nhà để đột nhập vào lấy trộm máy vi tính, khi A mang máy tính ra đến sân thì B về và bắt quả tang hành vi phạm pháp của A. Chiếc máy vi tính này có trị giá là 7.000.000 đồng. Trong trường hợp này, mặc dù A chưa chiếm đoạt được tài sản vì lý do khách quan (do chủ sở hữu phát hiện kịp thời) những hành vi của A đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản. Do đó, A vẫn phạm tội trộm cắp tài sản (phạm tội chưa đạt).
* Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội trộm cắp tài sản
Tính nguy hiểm khách quan của tội phạm là ở chỗ tội phạm đã gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. “Tội phạm nào cũng có thể gây ra hậu quả nhất định, có thể gây ra sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động nhất định. Nhưng không phải tất cả các cấu thành tội phạm đều có dấu hiệu phản ánh của nội dung này mà chỉ có một số cấu thành tội phạm nhất định. Những cấu thành tội phạm này được gọi là cấu thành tội phạm vật chất” .
Tội trộm cắp tài sản là tội có cấu thành tội phạm vật chất cho nên dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản. Dấu hiệu này được phản ánh thông qua đặc điểm và mức độ biến đổi tình trạng của đối tượng tác động là tài sản bị chiếm đoạt.
– Theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự thì hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác chỉ cấu thành tội trộm cắp tài sản khi tài sản bị chiếm đoạt có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên. Trường hợp tài sản bị chiếm đoạt có trị giá dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo một trong bốn điều kiện sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 111, 112, 114, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự thì có sáu trường hợp phạm tội trộm cắp tài sản sau đây:
+ Trường hợp thứ nhất, phạm tội trộm cắp tài sản do chiếm đoạt tài sản có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên là trường hợp người phạm tội một lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên. Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì trường hợp trộm cắp tài sản có trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng chỉ bị truy cứu TNHS theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật này.
Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi trộm cắp tài sản nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới 2.000.000 đồng và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu TNHS (quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự) đồng thời trong các hành vi trộm cắp tài sản đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính thì người thực hiện nhiều lần hành vi trộm cắp tài sản phải bị truy cứu TNHS về tội trộm cắp tài sản theo tổng số giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Các hành vi trộm cắp tài sản được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian; việc thực hiện các hành vi trộm cắp tài sản có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu làm nguồn sống chính; với mục đích trộm cắp tài sản nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc trộm cắp tài sản phải thực hiện trong nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới 2.000.000 đồng. Trong các trường hợp nêu trên nếu chỉ căn cứ vào các hành vi vi phạm nhiều lần thì không áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS (phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; phạm tội nhiều lần) quy định tại các điểm b và g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.
+ Trường hợp thứ hai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm là trường hợp đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, nay lại có hành vi trộm cắp tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng.
+ Trường hợp thứ ba, đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 112, 114, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, là trường hợp một người sau khi bị kết án về một trong các tội phạm sau đây, chưa được xóa án tích nay lại thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng: Tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản: tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; tội trộm cắp tài sản; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
+ Trường hợp thứ tư, phạm tội trộm cắp tài sản gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là trường hợp thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng gây ra ảnh hưởng xấu (rất xấu hoặc đặc biệt xấu) đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
+ Trường hợp thứ năm, phạm tội trộm cắp tài sản mà tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ là trường hợp trộm cắp tài sản (có giá trị đặc biệt) nêu trên có trị giá dưới 2.000.000 đồng. Khi áp dụng tình tiết này cần phải đánh giá ý nghĩa của đối tượng tác động của tội phạm đối với người bị hại và gia đình người bị hại trên phương diện giá trị kiếm sống của đối tượng tác động của tội phạm đối với người bị hại và gia đình họ.
+ Trường hợp thứ sáu, phạm tội trộm cắp tài sản mà tài sản là di vật, cổ vật. Trong đó, di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt về lịch sử,
* Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội trộm cắp tài sản
Nếu như hành vi khách quan là yếu tố thứ nhất và hậu quả nguy hiểm cho xã hội là yếu tố thứ hai thì yếu tố thứ ba trong mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
Tội trộm cắp tài sản là tội có cấu thành vật chất, nên khi định tội cần phải chứng minh hậu quả gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu là kết quả của hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Bởi lẽ, con người chỉ phải chịu trách nhiệm về hậu quả nguy hiểm cho xã hội nếu hậu quả đó do chính hành vi khách quan của họ gây ra.
Có thể nói: Trong mối quan hệ nhân quả của mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản thì hành vi phạm tội được coi là nguyên nhân và thiệt hại gây ra cho người chủ sở hữu tài sản được coi là hậu quả của tội phạm.
Trong tội trộm cắp tài sản các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội như: công cụ, phương tiện, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội...không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
3. Dấu hiệu chủ thể của tội trộm cắp tài sản:
Chủ thể của tội trộm cắp tài sản được xác định là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi theo luật định. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định thế nào là người có năng lực TNHS mà chỉ quy định độ tuổi chịu TNHS tại Điều 12 và tình trạng không có năng lực TNHS tại 21 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trên cơ sở các quy định đó, khoa học luật hình sự đưa ra định nghĩa về người có năng lực TNHS là người đã đạt độ tuổi chịu TNHS và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực TNHS.
Năng lực TNHS chỉ hình thành khi con người đạt độ tuổi nhất định. Chỉ người có năng lực TNHS mới có thể là chủ thể của tội phạm. “Người có năng lực TNHS là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi ấy“.
Tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tuổi chịu TNHS: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. 2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này“.
Bên cạnh tuổi chịu TNHS được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự thì tình trạng không có năng lực TNHS được quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 với nội dung: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu TNHS“. Theo các quy định nêu trên thì chủ thể của tội trộm cắp tài sản phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và không ở trong tình trạng không có năng lực TNHS được quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015; người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội trộm cắp tài sản phải chịu TNHS đối với tội này trong trường hợp phạm tội theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì chủ thể của tội trộm cắp tài sản là chủ thể thường, bất kỳ người nào có năng lực TNHS, đạt độ tuổi luật định có hành vi trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
4. Dấu hiệu mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản:
Tội phạm là thể thống nhất của hai mặt khách quan và chủ quan. Nếu mặt khách quan là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm thì mặt chủ quan là những hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội bao gồm: Lỗi, mục đích và động cơ phạm tội, trong đó lỗi được phản ánh trong tất cả cấu thành tội phạm và là dấu hiệu bắt buộc của tội trộm cắp tài sản.
* Dấu hiệu lỗi của tội trộm cắp tài sản
“Lỗi là thái độ chủ quan của người phạm tội đối với hành vi và đối với hậu quả thiệt hại cho xã hội do mình gây ra, được thực hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý” .
Mặc dù tội trộm cắp tài sản không được nhà làm luật mô tả trực tiếp dấu hiệu lỗi trong cấu thành tội phạm; tuy nhiên tính chất của hành vi chiếm đoạt tài sản đã phản ánh dấu hiệu lỗi của tội trộm cắp tài sản là lỗi cố ý trực tiếp.
Về mặt lý trí: Người phạm tội trộm cắp tài sản khi thực hiện hành vi trộm cắp nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội; xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác.
Về mặt ý chí: Người phạm tội trộm cắp tài sản mong muốn cho hậu quả xảy ra, vì có như vậy người phạm tội mới có thể chiếm đoạt được tài sản của người khác, biến tài sản của người khác thành của mình.
* Động cơ, mục đích của người phạm tội trộm cắp tài sản
Ngoài dấu hiệu về lỗi, mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản còn được xác định bởi động cơ, mục đích phạm tội.
“Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội”.
“Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội”.
Trong tội trộm cắp tài sản, động cơ phạm tội là vì vụ lợi, còn mục đích phạm tội là chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc xác định động cơ, mục đích phạm tội không có ý nghĩa trong việc định tội nhưng có ý nghĩa trong việc xem xét
mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi khi quyết định hình phạt.
5. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản theo quy định của Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015:
Tại Điều 173 Bộ luật Hình sự có quy định về hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản, mức hình phạt được sắp xếp từ nhẹ đến nặng, tùy theo tính chất nguy hiểm của hành vi và được chia thành 4 mức, tương ứng với 4 khung hình phạt chính. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung quy định tại khoản 5 của Điều luật. Cụ thể như sau:
5.1. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 :
– Khung 1 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm áp dụng đối với người phạm tội không có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.
5.2. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 :
– Khung 2 quy định phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát; Tài sản là bảo vật quốc gia; tái phạm nguy hiểm. Trong đó:
+ Phạm tội trộm cắp tài sản có tổ chức: là trường hợp có từ 02 người trở lên cố ý tham gia phạm tội và có sự thống nhất với nhau về ý chí, có sự cấu kết chặt chẽ với nhau trong quá trình phạm tội. Trong đó có một hoặc một số người thực hiện và có thể có người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức.
+ Có tính chất chuyên nghiệp: là trường hợp cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu TNHS hay chưa bị truy cứu TNHS, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xóa án tích; người phạm tội đều coi trộm cắp tài sản là một nghề và lấy kết quả của việc phạm tội là nguồn sống chính.
+ Phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt: là việc sử dụng phương pháp thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có tính chất tinh vi, gian dối cao làm cho mọi người dễ nhầm và không cho rằng đó là hành vi trộm cắp tài sản. Ví dụ: sau khi phạm tội trộm cắp tài sản xong, người phạm tội đã đốt nhà để phi tang.
+ Hành hung để tẩu thoát: là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây hoặc bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ nhằm tẩu thoát.
+ Tài sản là bảo vật quốc gia: là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.
+ Tái phạm nguy hiểm: là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích
mà lại thực hiện hành vi trộm cắp tài sản theo khoản 3, khoản 4 (tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
5.3. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 3 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015:
– Khung 3 quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh: là trường hợp người phạm tội lợi dụng vào hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Mức độ của hành vi phạm tội trong trường hợp này phụ thuộc vào phạm vi, mức độ của thiên tai, dịch bệnh hoặc tính chất, mức độ của những khó khăn khác của xã hội trong tình trạng thiên tai, dịch bệnh. Nhưng dù phạm vi, mức độ của thiên tai, dịch bệnh hoặc tính chất, mức độ của những khó khăn khác của xã hội trong tình trạng nào đi chăng nữa, thì người phạm tội trộm cắp tài sản cũng chỉ bị truy cứu TNHS quy định tại điểm b khoản 3 nếu không thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự.
5.4. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015:
– Khung 4 quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Đây là những tình tiết mới được quy định ở tội trộm cắp tài sản. Trong đó, tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố trong thời gian từ khi nước nhà bị xâm lược cho tới khi hành động xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động vũ trang xâm lược hoặc bạo loạn nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội trộm cắp tài sản là trường hợp người phạm tội dựa vào hoàn cảnh nêu trên để thực hiện tội phạm. Mức độ nguy hiểm của hành vi trộm cắp tài sản trong trường hợp này phụ thuộc vào tính chất của hoàn cảnh chiến tranh, tính chất, mức độ của tình trạng khẩn cấp.
– Hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.