Nghiên cứu các các ưu điểm và hạn chế về quy định tội trộm cắp trong Bộ luật Hình sự Việt Nam so với quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga và Đức giúp chúng ta có cơ sở để hoàn thiện hơn quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội trộm cắp tài sản.
Mục lục bài viết
1. Tội trộm cắp tài sản quy định trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga:
Trong Bộ luật hình sự Liên bang Nga, tội trộm cắp tài sản được quy định như sau: Điều 158: Tội trộm cắp tài sản
1. Trộm cắp tài sản là bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt tiền đến tám mươi nghìn rúp hoặc bằng lương hay bằng thu nhập khác của người bị kết án đến sáu tháng, hoặc bị phạt lao động bắt buộc đến một trăm tám mười giờ, hoặc bị phạt lao động cải tạo từ sáu tháng đến một năm, hoặc bị hạn chế tự do đến hai năm, hoặc bị phạt giam đến bốn tháng, hoặc bị phạt tù đến hai năm.
2. Hành vi trộm cắp tài sản được thực hiện:
a) bởi nhóm người có bàn bạc từ trước;
b) kèm theo hành vi đột nhập trái pháp luật vào nhà hoặc kho khác;
c) kèm theo việc gây thiệt hại đáng kể cho công dân;
d) từ quần áo, túi xách hoặc đồ xách tay khác trên người bị hại thì bị phạt tiền đến hai trăm nghìn ráp hoặc bằng lương hay bằng thu nhập khác của người bị kết án đến mười tám tháng, hoặc bị phạt lao động bắt buộc từ một trăm tám mươi giờ đến hai trăm bốn mươi giờ, hoặc bị lao động cải tạo từ một năm đến hai năm, hoặc bị phạt tù đến năm năm có hoặc không kèm theo hạn chế tự do đến một năm.
3. Hành vi trộm cắp được thực hiện:
a) Kèm theo hành vi đột nhập trái pháp luật vào nhà ở;
b) Từ ống dẫn dầu mỏ, ống dẫn các sản phẩm dầu mỏ, ống dẫn ga;
c) Ở mức độ nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ một trăm nghìn đến năm trăm nghìn rúp hoặc bằng lương hay bằng thu nhập khác của người bị kết án đến mười tám tháng hoặc bị phạt lao động bắt buộc từ một trăm tám mươi giờ đến hai trăm bốn mươi giờ, hoặc bị phạt lao động cải tạo từ một năm đến hai năm, hoặc bị phạt tù đến năm năm có hoặc không kèm theo bị hạn chế tự do đến một năm.
4. Hành vi trộm cắp được thực hiện: a) Bởi nhóm có tổ chức; b) Ở mức độ đặc biệt lớn thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm có hoặc không kèm theo phạt tiền đến một triệu rúp hoặc bằng lương hay bằng thu nhập khác của người bị kết án đến năm năm có hoặc không kèm theo bị hạn chế tự do đến hai năm.
So sánh với quy định về tội trộm cắp tài sản tại Điều 173
* Những điểm giống nhau:
Thứ nhất, tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga và Bộ luật Hình sự Việt Nam đều giống nhau ở những dấu hiệu định tội cơ bản: đều xâm phạm sở hữu của người khác, đều có hành vi khách quan là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản người khác, thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
Thứ hai, tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga và Bộ luật Hình sự Việt Nam đều sử dụng trị giá tài sản làm cơ sở để xây dựng các cấu thành định khung tăng nặng (nhưng Bộ luật Hình sự Liên Bang Nga không quy định trị giá tài sản bị trộm cắp làm dấu hiệu định tội như Bộ luật Hình sự Việt Nam).
* Những điểm khác nhau:
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga đã làm rõ ngay hành vi trộm cắp tài sản trong quy định của cấu thành cơ bản, còn Bộ luật Hình sự Việt Nam không làm rõ hành vi trộm cắp tài sản quy định giản đơn). Chúng tôi cho rằng đây là một ưu điểm của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga mà chúng ta nên tiếp thu và hoàn thiện Bộ luật Hình sự Việt Nam theo hướng quy định mô tả về hành vi trộm cắp tài sản ngay trong luật, đảm bảo việc hiểu và áp dụng PLHS được thống nhất.
Thứ hai, trong cấu thành cơ bản của tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật Hình sự Liên Bang Nga không quy định dấu hiệu định lượng (tài sản bị trộm cắp tài sản trị giá bao nhiêu) thì bị xử lý hình sự; còn Bộ luật Hình sự Việt Nam có quy định dấu hiệu định lượng tài sản là chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo các dấu hiệu định tội khác (đã bị xử lý hành chính, đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích).
Theo tác giả, điểm khác biệt này trong chừng mực nào đó thể hiện ưu điểm của Bộ luật Hình sự Việt Nam trong việc quy định tội trộm cắp tài sản trong luật hình sự đảm bảo phân biệt giữa tội phạm và vi phạm pháp luật hành chính, giữa tội phạm và không phải là tội phạm.
Thứ ba, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga không quy định các trường hợp xử lý hình sự đối với các trường hợp xâm phạm sở hữu mà có những điểm xấu về nhân thân hoặc các dấu hiệu khác không liên quan đến trị giá về tài sản bị chiếm đoạt như trong Bộ luật Hình sự Việt Nam: “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm”, “đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”, “tài sản là di vật, cổ vật”.
Theo tác giả, đây là điểm mà chúng ta cần tiếp thu bởi lẽ chúng ta quy định tội trộm cắp tài sản và xử lý hình sự vì người phạm tội có hành vi nguy hiểm cho xã hội do xâm phạm sở hữu của người khác chứ không phải do người đó có điểm xấu về nhân thân hoặc những yếu tố mà theo ý chí chủ quan của người phạm tội không thể nào biết được phản ánh sự phủ định chủ quan của họ đối với xã hội như: “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”, “tài sản là di vật, cổ vật”.
Nghiên cứu các các ưu điểm và hạn chế nêu trên về quy định tội trộm cắp trong Bộ luật Hình sự Việt Nam với quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga giúp chúng ta có cơ sở để hoàn thiện hơn quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội trộm cắp tài sản
2. Tội trộm cắp tài sản quy định trong Bộ luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức:
Khác với Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam chỉ quy định tội trộm cắp tài sản ở một điều luật (Điều 173) còn Bộ luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức dành hẳn một chương riêng (Chương 19) quy định hành vi trộm cắp tài sản thành nhiều tội danh khác nhau. Cụ thể là: Điều 242: Tội trộm cắp tài sản; Điều 243: Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của tội trộm cắp; Điều 244: Trộm cắp có vũ khí, trộm cắp có băng nhóm, trộm cắp có đột nhập nhà ở; Điều 244a: Trộm cắp có băng nhóm nghiêm trọng; Điều 247: Trộm cắp trong nhà và trộm cắp trong gia đình; Điều 248a: Trộm cắp và chiếm đoạt những đồ vật có giá trị nhỏ; Điều 248c: Lấy trộm năng lượng điện .
So sánh với quy định về tội trộm cắp tài sản tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, chúng ta thấy tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức có những điểm giống và khác nhau như sau:
* Những điểm giống nhau:
Các tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức và tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật Hình sự Việt Nam đều giống nhau ở những dấu hiệu định tội cơ bản: đều xâm phạm sở hữu của người khác, đều có hành vi khách quan là hành vi chiếm đoạt tài sản người khác, thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
* Những điểm khác nhau:
Thứ nhất, khác với Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam chỉ quy định tội trộm cắp tài sản ở một điều luật (Điều 173) thì Bộ luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức dành hẳn một chương riêng (Chương 19) quy định hành vi trộm cắp tài sản thành nhiều tội danh khác nhau. Như vậy, Bộ luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức đã thể hiện sự phân hóa TNHS của các trường hợp trộm cắp tài sản thành nhiều tội danh khác nhau và mỗi tội danh đều có các khung hình phạt. So với quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam thì Bộ luật Hình sự Đức cho thấy thể hiện sự phân hóa TNHS chi tiết hơn Bộ luật Hình sự Việt Nam. Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, việc phân hóa TNHS đối với các trường hợp trộm cắp tài sản chỉ bằng một tội danh với cấu thành tội phạm cơ bản và các cấu thành tội phạm tăng nặng. Ở điểm khác này, chúng ta có thể tiếp thu ưu điểm của Bộ luật Hình sự Liên bang Đức bằng cách nếu không phân hóa tội trộm cắp tài sản trong luật hình sự Việt Nam thành các tội danh (do truyền thống lập pháp từ trước đến nay) thì cũng nên nghiên cứu bổ sung vào dấu hiệu định khung của tội trộm cắp các dấu hiệu định khung như: trộm cắp có băng nhóm, trộm cắp có đột nhập nhà ở, trộm cắp điện... để phân hóa TNHS tốt hơn đối với các trường hợp phạm tội trộm cắp tài sản.
Thứ hai, Bộ luật Hình sựCộng hòa Liên Bang Đức không quy định trị giá tài sản trộm cắp tối thiểu để coi là tội phạm (tương tự như quy định của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga) như Bộ luật Hình sự Việt Nam. Chúng tôi cho rằng đây cũng là một ưu điểm của Bộ luật Hình sự Việt Nam, việc quy định như vậy đảm bảo phân biệt tội trộm cắp tài sản với trường hợp không phải là tội phạm và đây là ưu điểm mà chúng ta cần tiếp tục phát huy.
Thứ ba, trong tất cả các tội danh trộm cắp tài sản của Bộ luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức đều không quy định là dấu hiệu định tội đối với các trường hợp trộm cắp tài sản mà có những điểm xấu về nhân thân hoặc các dấu hiệu khác không liên quan đến trị giá về tài sản bị chiếm đoạt như trong Bộ luật Hình sự Việt Nam: “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm”, “đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”, “tài sản là di vật, cổ vật”.