Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình, do người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý.
Mục lục bài viết
1. Tội trộm cắp tài sản là gì:
Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về khái niệm tội phạm là: “hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”. Tội trộm cắp tài sản là một loại tội phạm cụ thể, do đó cũng có đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm chung nêu trên. Có thể nói khái quát: tội trộm cắp tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến quyền sở hữu mà theo quy định của BLHS phải bị xử lý về hình sự.
Bên cạnh những dấu hiệu chung đó, tội trộm cắp tài sản có những dấu hiệu riêng để nhận diện. Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm tội trộm cắp tài sản. Theo giáo trình của Trường Đại học Luật Hà Nội: “Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ” . Theo từ điển bách khoa của Công an nhân dân: “trộm cắp tài sản được hiểu là hành vi lén lút bí mật đối với người quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản” . Theo Từ điển pháp luật hình sự: “Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người khác quản lý” . Theo Từ điển tiếng Việt, “trộm cắp” là “trộm và lấy cắp của cải nói chung”; trong đó “trộm” là “lấy của người khác một cách lén lút, nhân lúc không ai để ý” và “cắp” là “lấy của người khác một cách lén lút, vụng trộm” .
Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng thì cho rằng: “Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của người khác với mục đích chiếm đoạt, do người có năng lực TNHS và tuổi chịu TNHS thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, xâm phạm các quyền sở hữu được Nhà nước bảo vệ bằng pháp luật” .
Từ các định nghĩa nêu trên, có thể thấy đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội có hành vi lén lút, bí mật chuyển dịch bất hợp pháp tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản đó. Điều này đã làm rõ thêm các đặc điểm về lỗi của tội trộm cắp tài sản là lỗi cố ý, người phạm tội phải đủ tuổi chịu TNHS và có năng lực TNHS. Những hành vi lấy tài sản của người khác khi chưa đủ tuổi chịu TNHS hoặc ở tình trạng không có năng lực TNHS thì không phải là tội phạm.
Trên các cơ sở tham khảo và tìm hiểu, tổng kết các quan điểm khác nhau về tội trộm cắp tài sản, từ đó tác giả đưa ra khái niệm về tội trộm cắp tài sản như sau: “Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình, do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản của cơ quan, tổ chức và cá nhân”.
2. Đặc điểm của tội trộm cắp tài sản:
Tội trộm cắp tài sản ngoài những dấu hiệu pháp lý hình sự nói chung thì còn có những đặc điểm riêng biệt như sau:
Thứ nhất, hành vi chiếm đoạt tài sản được thực hiện một cách lén lút.
Đặc điểm riêng biệt có tính đặc thù của tội trộm cắp tài sản là hành vi “lén lút”, không có việc lén lút thì không phải trộm cắp. Nếu một hành vi chiếm đoạt tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu tài sản, người quản lý hợp pháp tài sản thì không thể coi đó là hành vi trộm cắp, mà hành vi trộm cắp phải được thực hiện một cách lén lút, vụng trộm đối với chủ sở hữu tài sản, người quản lý hợp pháp tài sản. Trong tội trộm cắp tài sản, hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người cố ý thực hiện một việc làm bất minh, vụng trộm, giấu giếm không để lộ cho người khác biết, nhằm mục đích chiếm đoạt trái phép tài sản của họ .
Hành vi “lén lút” ở đây không nhất thiết là việc làm mà không ai biết, nó có thể được thực hiện một cách giấu giếm, vụng trộm nhưng cũng có thể được thực hiện một cách công khai, giữa nơi đông người. Tuy nhiên, hành vi trộm cắp tài sản phải có một đặc điểm chung, đó là bắt buộc phải lén lút đối với chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản hợp pháp. Bởi nếu không lén lút đối với chủ sở hữu tài sản, người quản lý hợp pháp tài sản thì hành vi của họ sẽ không cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Thứ hai, đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi trộm cắp.
Đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi trộm cắp là chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản hợp pháp .
– Chủ sở hữu tài sản: theo quy định tại Điều 158 BLDS thì “quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật” . Chủ sở hữu là người có quyền tự nắm giữ, quản lý, chi phối tài sản theo ý mình mà không bị hạn chế, gián đoạn về thời gian; có quyền khai thác các công dụng, lợi ích, giá trị của tài sản và quyết định về số phận của tài sản đó.
– Người quản lý tài sản: là người đang nắm giữ hoặc trông coi tài sản, họ không phải là chủ sở hữu tài sản nên họ không có được đầy đủ ba quyền năng của chủ sở hữu. Vì vậy, người quản lý tài sản không được định đoạt tài sản. Họ có thể được định đoạt tài sản trong phạm vi ủy quyền của chủ sở hữu. Xét dưới góc độ pháp lý thì người quản lý tài sản được chia ra hai trường hợp là quản lý tài sản hợp pháp và quản lý tài sản bất hợp pháp.
+ Người quản lý tài sản hợp pháp: là trường hợp người được chủ sở hữu giao cho quản lý tài sản một cách hợp pháp; hoặc tuy không phải do chủ sở hữu giao cho những việc sử dụng, quản lý tài sản được coi là hợp pháp, người được người quản lý hợp pháp tài sản, giao tài sản cho để trông giữ; hoặc người phát hiện và thu giữ các tài sản vô chủ, tài sản bị bỏ quên, chôn giấu, bị chìm đắm...phù hợp với các điều kiện pháp luật quy định; hay các trường hợp quản lý tài sản theo quyết định, mệnh lệnh của cơ quan Nhà nước .
+ Người quản lý tài sản không hợp pháp: xét về góc độ quyền sở hữu thì đây là trường hợp chiếm hữu bất hợp pháp trong quyền chiếm hữu tài sản. Một số trường hợp sau đây được coi là người quản lý tài sản không hợp pháp:
Người có được tài sản do phạm tội mà có; Người cố ý mua được tài sản do người khác phạm tội mà có;
Người có được tài sản do hành vi gian dối, do vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức là tội phạm hình sự...
Đây chỉ là một số những trường hợp điển hình, còn trong thực tế thì có vô số sự biến tướng của dạng người này. Tuy nhiên, chúng có một đặc điểm chung nhất, để nhận biết nhất là: việc chiếm hữu, quản lý tài sản không hợp pháp và không được pháp luật thừa nhận. Nhưng trong PLHS, mà cụ thể là trong tội trộm cắp tài sản thì những người này trở thành đối tượng mà tội phạm hướng tới để thực hiện hành vi lén lút, bởi tại thời điểm đó, họ là người đang nắm giữ tài sản .
Thứ ba, vào thời điểm mất tài sản, chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản không biết.
Tại thời điểm mất tài sản, chủ tài sản không biết mình đã bị mất tài sản. Việc không biết bị mất tài sản có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, như:
+ Không có mặt tại nơi để tài sản;
+ Thủ đoạn và phương pháp tinh vi của người phạm tội làm cho chủ tài sản không biết được việc mình bị mất tài sản;
+ Do lâm vào tình trạng không có khả năng biết, như: bị tai nạn ngất, bị chết...
Việc xác định “tại thời điểm mất tài sản, chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản có biết hay không” là vấn đề cần thiết phải làm rõ, bởi nó liên quan đến bản chất của hành vi chiếm đoạt. Nếu tại thời điểm mất tài sản, chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản biết việc tài sản của mình bị người khác chiếm đoạt, thì rất có khả năng là người chiếm đoạt không có ý định che giấu hành vi phạm tội của mình. Và như vậy, vấn đề có hay không có dấu hiệu “lén lút” cần phải đặt ra trong trường hợp này khi định tội danh .
Thứ tư, đặc điểm tài sản bị trộm cắp.
Theo quy định tại Điều 105 BLDS thì “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” .
Tuy nhiên, không phải loại tài sản nào cũng là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản, mà chỉ những tài sản thuộc các trường hợp sau mới là đối tượng tác động của loại tội phạm này. Trước hết, về mặt vật lý, tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải là một dạng vật chất cụ thể và tồn tại dưới dạng là một động sản; Tài sản phải đang trong vòng kiểm soát của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản; Tài sản có giá trị hoặc giá trị sử dụng: Tài sản do chiếm hữu không hợp pháp .