Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng là gì? Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.
Sự phát triển của công nghệ số, con người dần tiến tới lưu trữ, sử dụng tiền thông qua các tài khoản ngân hàng, điều đó khiến cho nhiều đối tượng xem đây là “mảnh đất màu mỡ” để thực hiện các tội phạm, đặc biệt là tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Để hiểu rõ hơn về tội phạm này cũng như biết được hình phạt áp dụng đối với nó, tác giả sẽ đưa ra bài viết dưới đây.
1. Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng là gì?
Tài khoản ngân hàng là tài khoản do ngân hàng thương mại mở cho khác hàng của mình với mục đích thành toán hoặc tiết kiệm. Như vậy, tài khoản ngân hàng bao gồm tài khoản thanh toán- là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng; và tài khoản tiết kiệm- là khoản tiền gửi có kỳ hạn của khách hàng mở tại các ngân hàng với mục đích tiết kiệm và đầu tư cho tương lai.
Thông tin về tài khoản ngân hàng là các thông tin cá nhân, gắn liền với chủ sở hữu tài khoản, đặc biệt là các thông tin về số tài khoản, tên tài khoản, mật khẩu tài khoản, số tiền có trong tài khoản,…
Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện các hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép các thông tin về tài khoản ngân hàng để nhằm đạt được một mục đích nhất định.
Thông thường chủ thể thực hiện tội này là người có trình độ, có khả năng sử dụng máy tính chuyên nghiệp, và có thể thường xuyên thực hiện hành vi phạm tội.
Địa điểm thực hiện tội phạm là địa điểm ảo, người thực hiện tội phạm và nạn nhân thường không quen biết từ trước.
2. Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng trong Tiếng anh là gì?
Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng trong Tiếng anh là “Illegal collection, storage, exchanging, trading, publishing of information about bank accounts”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng?
Điều 291 Bộ luật hình sự quy định như sau:
“1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Dấu hiệu khách thể của tội phạm.
Khách thể của tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng là an toàn công cộng, trật tự công cộng, cụ thể là trật tự quản lý hành chính về tài chính, ngân hàng, mạng máy tính, mạng viễn thông.
Dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm là: thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
Trong đó, thu thập được hiểu là hoạt động tìm kiếm, lưu trữ thông tin về tài khoản ngân hàng; tàng trữ cũng là hoạt động tìm kiếm và lưu trữ nhưng với số lượng lớn thông tin; trao đổi là hoạt động của hai bên “đưa qua -đưa lại” để nhận một lợi ích tương đương; mua bán là hoạt động là hoạt động nhận thông tin về tài khoản ngân hàng và trả cho người khác một lợi ích vật chất- tiền hoặc đưa một thông tin về tài khoản ngân hàng và nhận lại một lợi ích vật chất; công khai hóa trái phép là hoạt động đưa thông tin về tài khoản ngân hàng công khai với nhiều người mà không được chủ sở hữu tài khoản cho phép.
Dấu hiệu bắt buộc khác: Số lượng tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản ngân hàng hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
Dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng là lỗi cố ý. Mục đích có thể là thu lợi bất chính hoặc nhằm các mục đích khác, động cơ thúc đẩy có thể là trả thù hoặc vì lợi ích vật chấ,…
Dấu hiệu chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng là chủ thể bình thường, có đủ tuổi và có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội này thường là người có trình độ, và thường xem đó là “nghề” kiếm sống.
Hình phạt áp dụng:
– Khung hình phạt cơ bản: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:
+ Có tổ chức: Là trường hợp có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm và đòi hỏi phải có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Khi đã xác định được trường hợp cụ thể đó là phạm tội có tổ chức, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với tất cả những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức). Mức độ tăng nặng phụ thuộc vào quy mô tổ chức, vai trò của từng người trong việc tham gia vụ án.
+ Có tính chất chuyên nghiệp: Là cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án, đồng thời người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng: Hành vi thu lợi tiền từ hành vi khách quan mà số tiền thu được từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
+ Tái phạm nguy hiểm: Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ hai: bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, khi thực hiện một trong các tình tiết tăng nặng sau:
+ Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên:
+ Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên: Là việc thực hiện các hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác mà số tiền thu được là 200 triệu đồng.
Thực tế tội phạm này rất khó phát hiện và xử lý, từ trước đến nay rất ít vụ án bị truy tố về tội này, cho đến khi Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ, khởi tố vụ án của 3 người nguyên là cán bộ ngân hàng về hành vi này: Các đối tượng bị khởi tố gồm: Đoàn Lê Trí Viễn (SN 1992, HKTT tại xã Tam Hòa, Núi Thành, Quảng Nam); Lê Thái Nhân (SN 1994, HKTT phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) và Nguyễn Thái Thịnh (SN 1994, HKTT tại Đống Đa, Quy Nhơn, Bình Định) và Lê Thanh Tú bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong quá trình điều tra, Tú đưa ra lời khai như sau: Để lấy được thông tin về công ty, Tú đã liên hệ với Viễn. Thông qua trao đổi, Tú cho Viễn biết Tú đang cho các công ty vay lãi, đảo nợ ngân hàng do vậy cần Viễn cung cấp các thông tin của các công ty. Nội dung thông tin gồm: Số tài khoản, thông tin cá nhân, số điện thoại, CMND, chữ ký của chủ tài khoản, kế toán trưởng, sao kê tài khoản ở các lần giao dịch gần nhất, Tú sẽ trả cho Viễn số tiền từ 13 đến 15 triệu đồng, tùy vào số lượng công ty cung cấp từng lần, Viễn và Tú thường xuyên liên hệ, trao đổi và gửi các thông tin về công ty qua mạng xã hội.
Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có một phiên tòa xét xử cho vụ án này, tuy nhiên, việc khởi tố vụ án cho thấy những động thái tích cực của cơ quan có thẩm quyền trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này.