Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là gì? Cấu thành tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy? Hình phạt của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy?
Trên thực tế hiện nay, còn tồn tại và xuất hiện này một nhiều các văn hóa phẩm đồi trụy mang tư tưởng lệch lạc, không phù hợp với thuần phong mĩ tục,…và các tội phạm liên quan đến văn hóa phẩm đồi trụy này cũng rất nhiều.
Mục lục bài viết
1. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là gì?
Truyền bá được hiểu là giới thiệu, phổ biến tới nhiều người về thông tin, hoặc các vật,… chưa có tính thông dụng trong cuộc sống.
Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là phổ biến cho người khác biết các vật phẩm có tính chất ăn chơi đàng điếm, dâm ô hoặc khêu gợi những ý định thúc đẩy con người thỏa mãn lối sống ăn chơi đàng điếm, dâm ô bằng các thủ đoạn như: làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến hoặc có hành vi khác truyền bá những vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy.
Như vậy, có thể thấy tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi mà pháp luật bảo vệ, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ.
2. Cấu thành tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy:
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội phạm này như sau:
“Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;
d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;
đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;
e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Văn hóa phẩm là gì?
Hiện nay trong quy định pháp luật Việt Nam hiện nay không quy định về khái niệm của văn hóa phẩm, tuy nhiên căn cứ vào quy định của Nghị định số 32/2012/NĐ- CP thì có thể hiểu văn hóa phẩm như sau:
+ Các bản ghi âm, ghi hình; các loại phim, băng từ, đĩa mềm, đĩa cứng, đĩa quang đã ghi nội dung; các sản phẩm công nghệ nghe nhìn khác đã ghi thông tin ở dạng chữ viết, âm thanh hoặc hình ảnh;
+ Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tranh, nhiếp ảnh
+ Di sản văn hóa vật thể và các sản phẩm liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể.
Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này đạt đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Tức họ là người có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thì Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.
Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Do tội phạm này được quy định tại chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nên nó xâm phạm đến truyền thống văn hóa của dân tộc, những giá trị vật chất và tinh thần của loài người, xâm phạm đến sự quản lý của Nhà nước về việc duy trì, phát triển nếp văn hóa văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc.
Đối tượng tác động của tội phạm này là sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy.
Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan: Người phạm tội thực hiện duy nhất một hành vi, đó là truyền bá (phổ biến) cho người khác biết các vật phẩm có tính chất đồi trụy nhưng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến hoặc có hành vi khác.
Làm ra vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là tạo ra các vật phẩm có tính chất ăn chơi đàng điếm, dâm ô hoặc khêu gợi như: vẽ tranh, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, sáng tác nhạc, viết truyện, làm thơ, viết kịch v.v… Sao chép vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là từ một vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy đầu tiên (bản gốc, bản chính) tạo ra nhiều vật phẩm khác giống như vật phẩm ban đầu có tính chất đồi trụy. Việc sao chép có thể sao chép toàn bộ hoặc chỉ sao chép một phần. Hình thức sao chép cũng đa dạng như: chụp lại, viết lại, ghi âm lại, ghi hình lại hoặc các hình thức sao chép khác.
Lưu hành vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là cho người khác xem, mượn, thuê các vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy. Vận chuyển vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là chuyên chở các vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy từ nơi này đến nơi khác. Mua bán vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là dùng tiền hoặc tài sản để trao đổi lấy vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy hoặc dùng vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy để trao đổi lấy tiền hoặc hoặc tài sản. Tàng trữ vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là cất giữ các vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy ở một địa điểm nhất định như: ở cơ quan, phòng làm việc, nhà ở, trong người, trên phương tiện giao thông…
Các hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là ngoài các hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến, thì người phạm tội còn có những hành vi khác phổ biến cho người khác biết các vật phẩm có tính chất ăn chơi đàng điếm, dâm ô hoặc khêu gợi những ý định thúc đẩy con người thỏa mãn lối sống ăn chơi đàng điếm, dâm ô. Việc nhà làm luật quy định các hành vi khác là nhằm tránh lọt tội.
Đối với tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.
Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thực hiện hành vi của mình là do cố ý.
Mục đích của người phạm tội là nhằm phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy cho người khác với nhiều động cơ khác nhau. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu một người có các hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ hoặc có hành vi khác nhưng không nhằm phổ biến cho người khác thì cũng không cấu thành tội phạm này.
3. Hình phạt của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy:
– Hình phạt cơ bản của tội phạm được quy định tại Khoản 1 thì: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy mà dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB); ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh; sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị; phổ biến cho từ 10 người đến 20 người hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Hình phạt tăng nặng tại Khoản 2 của Điều luật này đó là phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đó chính là phạm tội có tổ chức; dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB); ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh; sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị; phổ biến cho từ 21 người đến 100 người; phổ biến cho người dưới 18 tuổi; sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội; tái phạm nguy hiểm.
– Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với trường hợp phạm tội mà dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên; ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên; sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên; phổ biến cho 101 người trở lên.
– Hình phạt bổ sung đó là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.