Ngộ sát là cách nói mà nhiều người sử dụng khi nhắc về tội vô ý làm chết người. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp hành vi này bị hiểu lầm với các hành vi phạm tội khác.
Mục lục bài viết
1. Ngộ sát là gì?
Pháp luật hình sự Việt Nam quy định chế tài rất nghiêm khắc với những nhóm hành vi gây chết người. Một trong những tội phạm gây cái chết cho người khác khá đặc biệt vì tính chất, mục đích của hành vi cần được xem xét cụ thể phải nhắc đến Tội vô ý làm chết người, trong ngôn ngữ hàng ngày thường được gọi là Tội ngộ sát.
Tội ngộ sát là cách gọi thực tế của nhiều người về tội vô ý làm chết người, là một thuật ngữ pháp lý hình sự để chỉ hành vi giết người nhưng mục đích của hành vi được xem xét trên yếu tố lỗi vô ý.
Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc người phạm tội thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.
2. Phân tích cấu thành tội vô ý làm chết người:
Khách thể của tội vô ý làm chết người:
Mặt khách quan của tội vô ý làm chết người:
– Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy chính hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra còn có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Hành vi vô ý làm chết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.
– Tội vô ý làm chết người là tội phạm có cấu thành vật chất, vì vậy hậu quả chết người xảy ra là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.
– Đối với tội vô ý làm chết người cần có mối quan hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người. Hậu quả của hành vi là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra.
Mặt chủ quan của tội vô ý làm chết người:
– Ý thức của người phạm tội là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người và tội giết người. Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin.
– Làm chết người do lỗi vô ý vì cẩu thả là trường hợp thiếu cẩn trọng khi thực hiện hành vi mà người phạm tội không thành trước khả năng gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.
– Làm chết người do vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra và có thể ngăn ngừa được nhưng cuối cùng hậu quả đó vẫn xảy ra.
Chủ thể của tộ vô ý làm chết người:
Chủ thể của tội vô ý làm chết người là chủ thể thường. Nghĩa là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đểu có thể là chủ thể của tội vô ý làm chết người. Căn cứ theo các quy định của pháp luật thì chủ thể của tội vô ý làm chết người phải có độ tuổi từ đủ 16 trở lên.
3. Vô ý làm chết người phải chịu hình phạt như thế nào?
Hình phạt đối với tội vô ý làm chết người
Tại Điều 128, Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 quy định về tội vô ý làm chết người như sau:
” Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”
Theo đó, khi đủ các yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người thì người phạm tội có thể phải chịu các mức hình phạt như sau:
– Khung cơ bản, người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến tối đa là 03 năm hoặc phạt tù trong thời gian tối thiểu là 01 năm và tối đa là 05 năm.
– Khung tăng nặng, áp dụng đối với trường hợp phạm tội làm chết 02 người trở lên, sẽ bị phạt tù tối thiểu 03 năm và tối đa 10 năm.
” Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Cũng là hành vi vô ý làm chết người nhưng trong trường hợp này nhấn mạnh về nguyên nhân là xuất phát từ việc vi phạm các quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính gây nên. Khi đó, người phạm tội sẽ phải chịu hình phạt như sau:
– Khung cơ bản, phạt tù trong khoảng thời gian tối thiểu là 01 năm và tối đa là 05 năm
– Khung tăng nặng đối với trường hợp làm chết 02 người trở lên thì sẽ bị phạt tù từ 0 năm đến 12 năm.
4. Phân biệt tội vô ý làm chết người và một số tội khác có cùng hậu quả:
Tội giết người | Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác | Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ | Tội giết người trong trạng thái tịnh thần bị kích động mạnh | Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội | Tội vô ý làm chết người | |
Đặc điểm của người thực hiện hành vi (gồm: tuổi, khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi, đặc điểm khác) | Người thực hiện hành vi từ đủ 14 tuổi trở lên và không đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi | Người thực hiện hành vi từ đủ 14 tuổi trở lên (với hành vi thuộc khoản 3, 4, 5) hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên (với hành vi thuộc khoản 1, 2, 6) và không đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi | Người mẹ từ đủ 16 tuổi trở lên, không đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi và chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt | Người thực hiện hành vi từ đủ 16 tuổi trở lên và không đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi | Người thực hiện hành vi từ đủ 16 tuổi trở lên và không đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi | Người thực hiện hành vi từ đủ 16 tuổi trở lên và không đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi |
Hành vi nguy hiểm | Hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác | Hành vi nguy hiểm đến sức khỏe người khác | Giống tội giết người | Giống tội giết người | Giống tội giết người | Giống tội giết người |
Hoàn cảnh, điều kiện thực hiện hành vi | Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào | Giống tội giết người | Giống tội giết người | Người thực hiện hành vi trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc người thân thích của người đó | Người thực hiện hành vi trong hoàn cảnh phòng vệ hoặc đang bắt giữ người phạm tội | Giống tội giết người |
Động cơ, mục đích thực hiện hành vi | Mục đích làm chết người hoặc có mục đích khác nhưng biết hậu quả chết người có thể xảy ra mà vẫn thực hiện hành vi với ý thức chấp nhận hậu quả đó | Mục đích làm người khác bị thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc có mục đích khác nhưng biết hậu quả có thể xảy ra mà vẫn thực hiện hành vi với ý thức chấp nhận hậu quả đó | Mục đích làm chết đứa trẻ hoặc có mục đích khác nhưng biết hậu quả có thể xảy ra mà vẫn thực hiện hành vi với ý thức chấp nhận hậu quả đó | Mục đích làm chết người hoặc có mục đích khác nhưng biết hậu quả có thể xảy ra mà vẫn thực hiện hành vi với ý thức chấp nhận hậu quả đó | Thực hiện hành vi để phòng vệ hoặc bắt giữ người phạm tội | Do quá tự tin cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; hoặc do cẩu thả nên không thấy trước hành vi có thể gây hậu quả mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước |
Nạn nhân | Người khác (bất kỳ người nào) | Giống tội giết người | Con do người thực hiện hành vi đẻ ra trong vòng 07 ngày tuổi | Người có hành vi trái pháp luật gây ra trạng thái tinh thần kích động cho người thực hiện hành vi | Người đang tấn công người thực hiện hành vi hoặc là người phạm tội đang cần bắt giữ | Giống tội giết người |
Hậu quả do hành vi gây ra | Nạn nhân chết hoặc bị thương tích (trường hợp tội phạm chưa đạt) | Nạn nhân bị thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc tử vong (thương tích nặng dẫn đến tử vong) | Giống tội giết người | Giống tội giết người | Giống tội giết người | Nạn nhân chết |
Tội vô ý làm chết người với đặc trong là hành vi vi phạm quy tắc an toàn trong điều kiện sinh hoạt thông thường, bắt nguồn từ đời sống sinh hoạt nên hệ thống các quy tắc này rất đa dạng, phong phú. Theo đó, công cụ phương tiện phạm tội vô ý làm chết người cũng rất đa dạng, phong phú. Đời sống càng hiện đại thì lại càng phát sinh thêm nhiều nguy cơ tiềm tàng chứa đựng mối nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người cần được chúng ta có những cảnh báo để từng bước ngăn chặn việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người.