B dùng chức vụ của mình tự ý ký hợp đồng với khách hàng và chiếm đoạt tiền của công ty, không chịu trả lại. Hỏi xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
A là giám đốc công ty tổ chức event. B là chị dâu của A. A một mình quán xuyến công ty nên có nhờ B làm phụ với vai trò maketing và lo một số công việc khác. Trong suốt quá trình làm việc, B không làm tốt công việc được giao, làm chậm trễ rất nhiều công việc. Thời gian gần đây B có giữ một số hóa đơn, chứng từ và một số tiền của công ty. A có ý muốn lấy lại nhưng B không giao trả. Việc căng thẳng hơn là vừa rồi B đã tự ý liên hệ với một khách hàng ( chuẩn bị tổ chức tiệc cưới) và ký hợp đồng với người khách đó. B yêu cầu người khách đặt cọc tiền thì khách cũng đặt cọc 10 triệu đồng cho B. Mấy hôm nay, A mới tá hỏa ra là không hề biết gì về hợp đồng đó. B đã giữ và tiêu hết số tiền này. Hiện tại A yêu cầu B hoàn lại tiền thì B không trả. Vì ảnh hưởng đến công việc và uy tính của công ty nên A muốn kiện B. Luật sư cho tôi hỏi:
1. Cơ hội thắng kiện của A là bao nhiêu phần dựa trên chứng chứ đang có: B thừa nhận việc mang hợp đồng cho khách ký và giữ tiền, không cung cấp hóa đơn hay chứng từ ghi nhận các phần chi trả cho phần Marketing và các công việc liên quan. A có thể kiện B với lý do gì?
2. Nếu thắng kiện, A có thể kiện B để chi trả cho chi phí kiện tụng và tổn thất khi theo đuổi vụ kiện này hay không?
3. Nếu B thua kiện và từ chối chi trả thì tiền sẽ được thu hồi như thế nào?
4. Chồng của B có liên lụy tới việc chi trả này không (nếu B thua kiện)?
5. B phải đối mặt với tội trạng gì và thời gian thi hành án là bao lâu?
6. Cơ hội để B bị buộc tội theo pháp luật như thế nào? Và thời gian phải lãnh án là bao lâu?
7. A có nên nói chuyện cới công an về vấn đề này? Nếu có thì A nên nói và xử lý như thế nào?
Xin Luật sư tư vấn giúp mình về vấn đề này trong thời gian sớm nhất. Xin chân thành cám ơn Luật sư rất nhiều.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ hội thắng kiện của A là bao nhiêu phần dựa trên chứng chứ đang có: B thừa nhận việc mang hợp đồng cho khách ký và giữ tiền, không cung cấp hóa đơn hay chứng từ ghi nhận các phần chi trả cho phần Marketing và các công việc liên quan. A có thể kiện B với lý do gì?
Nếu B thừa nhận việc mang hợp đồng cho khách ký và giữ tiền, không cung cấp hóa đơn hay chứng từ ghi nhận các phần chi trả cho phần Marketing và các công việc liên quan. A có thể tố cáo B tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140 Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
"1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
Như vậy, trong trường hợp này B đã có những dấu hiệu vi phạm vào điều luật này đó là :
– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
Do đó A có thể kiện B về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Nếu thắng kiện, A có thể kiện B để chi trả cho chi phí kiện tụng và tổn thất khi theo đuổi vụ kiện này hay không?
Nếu trong vụ án, B bị tòa tuyên phải trả lại số tiền chiếm đoạt cho A thì A cũng không thể kiện B để chi trả cho chi phí kiện tụng và tổn thất khi theo đuổi vụ kiện này. Chi phí kiện tụng như phí thuê luật sư, phí đi lại, phí photo các giấy tờ….. thì theo quy định tại Điều 144 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 quy định chi phí cho luật sư là khoản tiền phải trả cho luật sư theo thỏa thuận của đương sự với luật sư, trong phạm vi quy định của văn phòng luật sư và quy định của pháp luật. các khoản chi phí khác thì bên khởi kiện phải là bên chịu trách nhiệm, ở đây A là bên khởi kiện. Do đó A không thể kiện B để chi trả chi phí kiện tụng và tổn thất khi đeo đuổi vụ kiện này được.
3. Nếu B thua kiện và từ chối chi trả thì tiền sẽ được thu hồi như thế nào?
Theo quy định tại điều 28, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có quy định:
Điều 28. Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Như vậy, nếu B không chịu trả lại số tiền chiếm đoạt được thì A có quyền khởi kiện B để đòi trả lại số tiền mà B đã chiếm đoạt. Nếu B không trả số tiền đó, thì số tiền sẽ được thu hồi bằng chính tài sản cá nhân của B để trả.
4. Chồng của B có liên lụy tới việc chi trả này không (nếu B thua kiện)?
Theo như phân tích trên B sẽ phải dùng tài sản riêng của mình để trả nợ. Giả sử nếu Giấy chứng nhận nhà đất mang tên của cả 2 vợ chồng thì Tòa sẽ chỉ dùng 1 nửa số tài sản mang tên chị để trả nợ, số tài sản của chồng chị sẽ vẫn còn. Do đó, chồng B sẽ không liên lụy tới việc chi trả này.
5. B phải đối mặt với tội trạng gì và thời gian thi hành án là bao lâu?
Hành vi của B đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do đó B có thể bị tuyên án về tội đó theo quy định tại điều 4 Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Thời gian thi hành án là khi có bản tuyên án của Tòa về tội B.
6. Cơ hội để B bị buộc tội theo pháp luật như thế nào? Và thời gian phải lãnh án là bao lâu?
Dựa theo quy định tại điều 140, Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì B có những hành vi phạm tội như:” Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức”. Ở đây, B đã lợi dụng chức vụ của mình là vai trò maketting, lợi dụng sự tín nhiệm của khách hàng đối với công ty để tự ý ký hợp đồng, chiếm đoạt số tiền của công ty. Do đó, B có thế bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
7. A có nên nói chuyện cới công an về vấn đề này? Nếu có thì A nên nói và xử lý như thế nào?
A có thể trình báo với công an về vấn đề này, và đến trình báo với công an A nên trình bày đầy đủ sự việc, đồng thời mang theo các bằng chứng, chứng cứ có liên quan đến hành vi phạm tội của B.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Lê Thị Thủy