Quy định về các tội phạm tham nhũng đã được quy định tại Pháp lệnh chống tham nhũng 1998 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung năm 2000, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật phòng, chống tham nhũng năm 2012.
Mục lục bài viết
1. Giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến trước khi ban hành BLHS năm 1985:
Cách mạng Tháng Tám thành công nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời với muôn vàn khó khăn đặc biệt trong bối cảnh thù trong giặc ngoài. Công tác đối nội bắt đầu được quan tâm đúng mực, tuy nhiên do bối cảnh đất nước đặt nhiệm vụ giải phóng là trọng tâm, nền pháp lý của nước ta chưa thực sự được hệ thống hoà và đặc biệt có những văn bản mang tính pháp điển cao như BLHS năm 1985 sau này. Tội phạm tham nhũng nói chung được điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý đơn lẻ rời rạc, nổi bật như Sắc lệnh số 223/SL, ngày 27/11/1946 của chủ tịch chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sắc lệnh số 223/SL tập trung điều chỉnh nhóm đối tượng gồm công chức và “nhân viên Chính phủ, trong Ủy ban hành chính các cấp, các cơ quan do nhân dân bầu lên, trong bộ đội và tất cả những người phụ trách một công vụ” [3] và các hành vi gồm hối lộ, biển thủ công quỹ và đặc biệt là phù lạm – tiền thân của hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn sau này. Chế tài được quy định đề cao việc phục hồi tài sản cho nhà nước tuy nhiên vẫn hài hoà mục đích trừng trị của hình phạt cụ thể gồm: phạt khổ sai từ 5 năm đến 20 năm, phạt bạc gấp đôi tang vật, đồng thời người phạm tội còn có thể bị xử tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản.
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn sau đó được đề cập với 02 hành vi khách quan của tội lạm dụng chức quyền, để chiếm đoạt tài sản riêng của công dân tại Pháp lệnh số 150–LCT của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà về trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân với nội dung:
1. Kẻ nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản riêng của công dân thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của người bị thiệt hại hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.
Các quy định về tội phạm tham nhũng nói chung và hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đã thể hiện thái độ nghiêm khắc, kiên quyết đấu tranh các hành vi gây mất niềm tin của nhân dân với nhà nước.
2. Giai đoạn từ khi ban hành BLHS năm 1985 đến trước khi bạn hành BLHS Việt Nam năm 1999:
Ở giai đoạn này, điều kiện của đất nước tạo cơ sở ổn định tương đối cho nền lập pháp phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực hình sự. Ngày 27/06/1985.
BLHS đầu tiên của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành và là bước tiến lớn cho nền lập pháp nước nhà. Kế thừa kinh nghiệm đấu tranh và phòng chống tội phạm và các quy định giá trị ở thời kỳ trước cùng tinh thần ham học hỏi BLHS năm 1985 đã quy định một chương riêng về tội phạm chức (Chương 9) đồng thời xây dựng căn cứ về chủ thể mang dấu hiệu đặc biệt – Người có chức vụ với nội hàm “là người do bổ nhiệm, do dân cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ“.
Tuy nhiên với xuất phát điểm là nền kinh tế bao cấp hạn chế các thành phần kinh tế khác nhà nước và sự khác biệt về quan điểm. BLHS năm 1985 quy định hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại chương 6 – Các tội xâm phạm sở hữu công dân (Điều 156). Mặc dù vậy, khung và loại hình phạt đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vẫn được bảo toàn nguyên vẹn tính nghiêm khắc của thời kỳ trước. Các tình tiết định khung khoản 2 được bổ sung thêm các tình tiết về hậu quả (giá trị tài sản) và nhân thân (tái phạm nguy hiểm).
Về cơ bản, hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhằm chiếm đoạt tài sản ở thời kỳ này đã đặt nền móng giá trị về cơ sở xây dựng các tình tiết định khung đặc biệt về giá trị tài sản; đồng thời đã xây dựng nội hàm người có chức vụ. Tuy nhiên, vẫn chưa tạo sự liên kết chặt chẽ giữa lạm dụng chức vụ, quyền hạn và các hành vi tham nhũng khác kể cả sau các lần sửa đổi, bổ sung liên tiếp: ngày 28/12/1889 (lần 1); ngày 12/8/1991 (lần 2); ngày 22/12/1992 (lần 3). Chỉ đến khi pháp lệnh chống tham nhũng ra đời thì tội phạm này được coi là một trong những tội tham nhũng và được sửa đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 10–5–1997 có nội dung:
1– Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng hoặc dưới năm triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần hoặc đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Tài sản có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) Tài sản có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù chung thân hoặc tử hình:
a) Tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
3. Giai đoạn từ khi ban hành BLHS năm 1999 đến trước khi bạn hành BLHS Việt Nam năm 2015:
BLHS năm 1999 quy định tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản tại Điều 280 Chương các tội phạm về tham nhũng (Mục A chương XXI); đồng thời phân chia nhỏ khung hình phạt và đặt biệt quy định khung nặng nhất có phạt tù từ hai mươi năm hoặc chung thân (bỏ tử hình ở khung hình phạt khoản 4). Cũng theo đó, BLHS năm 1999 bổ sung đáng kể các tình tiết giá trị mang tính chất định khung và định tội đối với hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được kế thừa và phát triển từ lần sửa đổi thứ tư của BLHS năm 1985. Cụ thể: Ở khoản 1, bổ sung tình tiết về hậu quả “... có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng ...” và về nhân thân “... đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 4 Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm ...” giá trị tài sản bị chiếm đoạt quy định trong các khung hình phạt cũng được quy định lại theo hướng tăng nặng hơn so với Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 như: từ một trăm triệu đến dưới ba trăm triệu được thay bằng từ năm mươi triệu đến dưới hai trăm triệu (khoản 2); từ ba trăm triệu đến dưới năm trăm triệu được thay bằng từ hai trăm triệu đến dưới năm trăm triệu (khoản 3).
Điều 280 BLHS năm 1999 quy định 4 khung với mức phân hoá hình phạt cao:
– Khung cơ bản quy định mức phạt tù từ một năm đến sáu năm.
– Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm trong trường hợp: (1) có tổ chức; (2) dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; (3) phạm tội nhiều lần; (4) tái phạm nguy hiểm; (5) chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; (6) gây hậu quả nghiêm trọng khác.
– Khung tăng nặng ở khoản 3 có mức phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm áp dụng đối với các trường hợp: (1) chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; (2) gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
– Khung tăng nặng ở khoản 4 có mức phạt tù từ hai mươi năm hoặc tù chung thân, áp dụng trong các trường hợp: (1) chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; (2) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Quy định về các tội phạm tham nhũng trong đó có tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tạo nên sự thống nhất với các văn bản pháp lý trước đó như Pháp lệnh chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua ngày 26/2/1998 với 11 hành vi tham nhũng và sau đó là pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của pháp lệnh chống tham nhũng ngày 28/4/2000 quy định 07 hành vi được coi là tham nhũng, luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 và luật phòng, chống tham nhũng năm 2012.