Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ là gì? Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ? Dấu hiệu pháp lý? Hình phạt?
Bác Hồ đã từng nói Quân đội là “trường học lớn” để lớp lớp thế hệ thanh niên phấn đấu rèn luyện, trưởng thành. Được phục vụ trong môi trường quân đội, cống hiến sức trẻ bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của mỗi công dân. Để mỗi thanh niên phấn đấu, rèn luyện, không ngừng hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện thì có thể nói môi trường quân ngũ là điều kiện, là môi trường tốt bởi đặc tính thống nhất, kỷ luật nghiêm minh, tinh thần tập thể và tình đồng chí, đồng đội,… Chính vì vậy mà nhập ngũ trở thành nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người. Việc né tránh, không tuân theo lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ có thể bị xử lý hình sự. Bài viết tìm hiểu về tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ và những quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm này.
Cơ sở pháp lý:
–
Mục lục bài viết
1. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ là gì?
Nhập ngũ là việc công dân vào phục vụ có thời hạn trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển. Theo quy định tại Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 về nghĩa vụ quân sự:
“1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.
3. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
4. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:
a) Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực;
b) Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;
c) Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;
d) Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế – quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
đ) Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.”
Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước đối với việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân.
2. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ tiếng Anh là gì?
Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ trong tiếng Anh là “Defying order for enlistment of military reserve force members”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ
Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ được quy định tại Điều 333 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 333. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ
1. Người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;
b) Lôi kéo người khác phạm tội”.
4. Dấu hiệu pháp lý
4.1. Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý của Nhà nước đối với việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân.
4.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi của quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Tổng động viên là biện pháp huy động mọi nguồn lực của đất nước để chống chiến tranh xâm lược.
Động viên cục bộ là biện pháp huy động mọi nguồn lực của một hoặc một số địa phương trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ khi quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh tông động viên hoặc động viên cục bộ.
– Tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố từ khi Tổ quốc bị xâm lược cho đến khi hành vi xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế.
– Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành vi xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh.
Lệnh tổng động viên được ban bố công khai trên phạm vi cả nước; thực hiện toàn bộ kế hoạch động viên quốc phòng, hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đáp ứng các nhu cầu quốc phòng trong tình trạng chiến tranh.
Lệnh động viên cục bộ được ban bố công khai ở một hoặc một số địa phương và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế – xã hội của địa phương thuộc diện động viên được chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và nhu cầu quốc phòng.
Hành vi của quân nhân dự bị không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là hành vi của quân nhân dự bị không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
Hậu quả của tội phạm là hậu quả phi vật chất làm ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển quân, đến chính sách thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với người đã đủ điều kiện nhập ngũ. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
4.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội thực hiện một trong số các hành vi trên khi nhận thức được rằng mình đang không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và mong muốn mình không bị nhập ngũ hoặc có ý thức để mặc cho việc không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ diễn ra.
Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên xác định động cơ, mục đích có ý nghĩa quan trọng trong quyết định hình phạt.
4.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là công dân Việt Nam, có năng lực trách nhiệm hình sự, đang là quân nhân dự bị. Quân nhân dự bị là công dân đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam.
5. Hình phạt
Khung hình phạt tại khoản 1
Người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khung hình phạt tại khoản 2
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
– Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình: Điều này có nghĩa là người phạm tội thực hiện hành vi tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của chính mình để cơ quan có thẩm quyền tin rằng mình không đủ điều kiện về sức khỏe để nhập ngũ hoặc có dấu hiệu lôi kéo người khác phạm tội. Việc này đồng thời cũng vi phạm Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 là “gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”.
Người giúp quân nhân dự bị gây thương tích theo yêu cầu của chính nạn nhân để người đó không đủ điều kiện nhập ngũ mà đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Nhân viên y tế cố tình khám sai sức khỏe theo yêu cầu của quân nhân dự bị để người đó không đủ điều kiện nhập ngũ bị coi là đồng phạm trong tội này với vai trò là người giúp sức.
– Lôi kéo người khác phạm tội: Nếu người phạm tội lôi kéo người khác phạm một tội khác, không phải tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ thì không thuộc trường hợp khung tăng nặng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 333.
Kết luận
Bảo vệ Tổ quốc có thể nói là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý nhất. Vì vậy mà lên đường làm nghĩa vụ quân sự không chỉ là nghĩa vụ, là trách nhiệm mà cao hơn cả đó còn là niềm tự hào của mỗi thanh niên Việt Nam để qua đó góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc thành lũy đất nước, giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, tự tin hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Niềm tin vào các thế hệ thanh niên Việt Nam khi tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục đem sức trẻ của mình để ra sức rèn luyện, tu dưỡng, học tập, công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao để tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước và xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhân dân dành cho các thế hệ thanh niên Việt Nam.