Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, sự phát triển của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ngày càng tinh vi, mạnh mẽ hơn, nguy cơ đe dọa đến trật tự quản lý kinh tế, sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Mục lục bài viết
1. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 2009:
Trước những năm 1985, kinh tế nước ta đang trong thời kỳ kinh tế bao cấp, các hành vi phạm tội liên quan đến hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước chưa xuất hiện. Sau những năm 1986, đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều hành vi phạm tội mới bắt đầu xuất hiện, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, trong đó có các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế. Đáp ứng nhu cầu thiết yếu về việc xử lý vấn đề này, các nhà lập pháp đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành quy định về lĩnh vực thuế, tài chính, kế toán,... Có thể kể đến như:
Chỉ thị số 292–CT, ngày 17/11/1988 quyết định về việc lập chứng từ mua, bán hàng và cung ứng dịch vụ thu tiền của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhằm mục đích tăng cường quản lý kinh tế – tài chính, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo hộ các hoạt động kinh doanh và hợp pháp và lợi ích của người
tiêu dùng, chống những hành vi kinh doanh phi pháp. Thông tư liên bộ số 58 TT/LB ngày 31/12/1988, Thông tư liên bộ hướng dẫn thi hành quyết định số 292–CT ngày 17/11/1988 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng về việc lập chứng từ mua bán hàng và cung ứng dịch vụ thu tiền. Tại Thông tư này đã quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi lập chứng từ thu tiền, thẩm quyền ban hành, việc quản lý và sử dụng chứng từ thu tiền của các cơ quan nhà nước.
Thông tư số 61–TCTCT ngày 22/7/1993 Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc lập hoá đơn chứng từ khi mua bán và cung ứng dịch vụ thu tiền, nhằm chấn chỉnh việc lập hoá đơn chứng từ khi mua bán hàng và cung ứng dịch vụ thu tiền.
Luật số 57/1997/L–CTN, luật Thuế giá trị gia tăng ban hành ngày 10/5/1997 để góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa và dịch vụ, khuyến khích phát triển nền kinh tế quốc dân, động viên một phần thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách nhà nước.
Nghị định số 28/1998/NĐ–CP, ngày 11/5/1998 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Thuế giá trị gia tăng. Thông tư số 89/1998/TT–BTC, ngày 27/6/1998 Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành nghị định số 28/1998/NĐ–CP ngày 11/5/1998 của chính phủ quy định chi tiết thi hành luật thuế giá trị gia tăng. Quyết định số 885/1998/QĐ–BTC, ngày 16/7/1998 của Bộ Tài chính quyết định về việc ban hành chế độ phát hành, quản lý sử dụng hoá đơn bán hàng.
Quyết định số 30/2001/QĐ–BTC, ngày 13/04/2001 của Bộ Tài chính quyết định về việc ban hành chế độ in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế. Quyết định số 1126/2001/TCTĐC, ngày 12/7/2001 Quyết định của Tổng cục trưởng tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình nghiệp vụ phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn.
Nghị định số 89/2002/NĐ–CP, ngày 07/11/2002 Nghị định của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn.
Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT–BCA–TANDTC–VKSNDTC–BTP ngày 13/11/2004 hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đúng và thống nhất đối với các hành vi mua, bán, sử dụng trái phép hoá đơn giá trị gia tăng giữa Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, VKSND tối cao, bộ Tư pháp được thống nhất (Thông tư liên tịch số 21/2004). Đây có thể coi là văn bản PLHS đầu tiên quy định riêng về các tội phạm có liên quan đến hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT–BTC–BTM–BCA, ngày 28/02/2007 hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường, nhằm khuyến khích và thúc đẩy mở rộng lưu thông hàng hoá theo pháp luật; góp phần đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, liên Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Công an hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Thông tư của số 21/2007/TT–BTC ngày 21/03/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp tính toán các chỉ tiêu nợ nước ngoài.
Luật số 13/2008/QH12, ngày 03/06/2008 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, Luật Thuế giá trị gia tăng.
Giai đoạn này, tuy nhà nước và các cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực thuế, tài chính, kế toán và đặc biệt điều chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hóa đơn, chứng từ nhất là hóa đơn về thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tuy nhiên đứng trước cám dỗ và lợi nhuận to lớn từ việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT để hoàn thuế, “móc tiền” từ ngân sách nhà nước, rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã tham gia vào hoạt động trái với quy định của pháp luật này.
Trong giai đoạn này, các Nghị định, Thông tư đã phần nào kịp thời đáp ứng được yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến hóa đơn, chứng từ, đặc biệt là hóa đơn GTGT. Tuy nhiên, các Nghị định, Thông tư còn mang tính “chắp vá”, “chữa cháy” chưa có sự đồng bộ thống nhất do những hành vi phạm tội mới phát sinh khi xuất hiện nền kinh tế thị trường khiến cơ quan nhà nước còn lúng túng, xuất hiện những sai sót trong quản lý kinh tế của Nhà nước. Từ đó tạo ra các kẽ hở để tội phạm có thể sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Mặt khác, trong quy định của BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 đều chưa có quy định cụ thể về việc xử lý các hành vi phạm tội này. Các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi xử lý các vụ án liên quan đến hoạt động in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ gặp rất nhiều khó khăn khi lựa chọn quy phạm để áp dụng. Khi định tội danh và quyết định hình phạt theo quy định của các BLHS này còn tỏ ra miễn cưỡng, chưa phản ánh đúng bản chất của từng hành vi phạm tội.
2. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay:
Trước nhu cầu cấp bách từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về in, phát hành, mua bán hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, tại Luật số 37/2009/QH12 ngày 19/06/2009 sửa đổi bổ sung một số Điều BLHS năm 1999 quy định hai Điều mới liên quan đến vấn đề này bao gồm: Điều 164a (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước) và
Điều 164b (Tội vi phạm các quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước). Như vậy, sau hơn 20 năm kể từ khi pháp điển hóa PLHS lần thứ nhất (năm 1985) lần đầu tiên, BLHS quy định về hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Theo đó tại khoản 1
Điều này quy định: “Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nướcvới số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Như vậy, BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã mở rộng phạm vi đối tượng tác động của tội phạm có liên quan đến hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc định tội danh và quyết định hình phạt của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được dễ dàng hơn, không phải viện dẫn và phụ thuộc vào đường lối xử lý các tội phạm khác như nội dung của Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT–BCA– TANDTC–VKSNDTC–BTP nữa.
Bên cạnh việc tội phạm hóa hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước vào BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, các nhà làm luật còn ban hành thêm các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể chi tiết về việc mua bán, phát hành, quản lý, sử dụng,... hóa đơn, chứng từ có thể kể đến như:
Thông tư số 225/2009/TT–BTC, ngày 26/11/2009 Thông tư Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hóa đơn bán tài sản nhà nước và hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước.
Nghị định số 51/2010/NĐ–CP, ngày 14/05/2010 Nghị định Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Thông tư số 32/2011/TT–BTC, ngày 14/3/2011 Thông tư Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Thông tư số 16/2012/TT–BTC, ngày 08/02/2012 Thông tư Bộ Tài chính quy định in, phát hành, quản lý và sử dụng hoá đơn bán hàng dự trữ quốc gia.
Nghị định số 04/2014/NĐ–CP, ngày 17/01/2014 Nghị định Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 51/2010/NĐ–CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Thông tư số 39/2014/TT–BTC, ngày 31/3/2014 Thông tư Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành nghị định số 51/2010/NĐ–CP ngày 14/5/2010 và nghị định số 04/2014/NĐ–CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Việc quy định cụ thể trong BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 và các văn bản pháp lý chuyên ngành khác giúp việc áp dụng các quy định của pháp luật về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước vào thực tiễn được hiệu quả và dễ dàng hơn.
Kế thừa và phát huy những ưu điểm của BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, BLHS năm 2015 đã có những thay đổi, phát triển quy định về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước(Điều 203). Theo đó tại khoản 1 Điều 203 BLHS 2015 quy định: “Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Như vậy, BLHS năm 2015 đã sử dụng các yếu tố định lượng cụ thể để định tội danh và quyết định hình phạt, cụ thể hóa cụm từ “số lượng lớn” để các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng hơn trong việc áp dụng pháp luật.
Ngoài BLHS năm 2015 ra, còn các Nghị định, Thông tư khác quy định và hướng dẫn cụ thể các quy định về hóa đơn, chứng từ như:
Nghị định số 119/2018/NĐ–CP, ngày 12/9/2018 Nghị định Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Thông tư số 68/2014/TT-BTC, ngày 30/9/2019 Thông tư Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ–CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Nghị định số 123/2020/NĐ–CP, ngày 19/10/2020 Nghị định Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Có thể thấy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, sự phát triển của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước cũng ngày càng mạnh mẽ, đe dọa đến trật tự quản lý kinh tế, sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu về công tác đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này, các quy định PLHS về loại tội phạm này ngày càng hoàn thiện, đầy đủ, chi tiết và rõ ràng, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cũng như trật tự quản lý kinh tế , xây dựng và bảo đảm cho môi trường kinh doanh được trong sạch, công bằng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nước nhà.