Thông thường, theo pháp luật nước ngoài, các hành vi in, phát hành hay mua bán hóa đơn trái phép được gọi chung là hành vi “gian lận hóa đơn” và hóa đơn, chứng từ thường được gọi chung là “tài liệu kế toán”, “các tài liệu hỗ trợ” hay “các tài liệu có ý nghĩa đối với thuế".
Khác với Việt Nam, nhiều nước trên thế giới không quy định cụ thể về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN vào trong BLHS quốc gia họ. Ở các quốc gia này, các hành vi in, phát hành hay mua bán hóa đơn trái phép được gọi chung là hành vi “gian lận hóa đơn” và hóa đơn, chứng từ thường được gọi chung là “tài liệu kế toán”, “các tài liệu hỗ trợ” hay “các tài liệu có ý nghĩa đối với thuế”. Chúng được điều chỉnh trong luật chuyên ngành của các quốc gia này. Tuy vậy, những hành vi đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến trật tự quản lý thuế của quốc gia vẫn được BLHS điều chỉnh.
Mục lục bài viết
1. Cộng hòa Pháp:
Trong pháp luật Cộng hòa Pháp không quy định cụ thể, làm rõ hành vi | in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN nhưng trong Luật Thương mại của nước này lại có các quy định để điều chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hóa đơn. Cụ thể:
Tại Điều L441–3 Luật Thương mại Cộng hòa Pháp đã quy định cụ thể trường hợp cần xuất hóa đơn và yêu cầu hóa đơn. Theo đó, “Tất cả các giao dịch mua sản phẩm hoặc tất cả các quy định của dịch vụ cho hoạt động nghề nghiệp đều phải có hóa đơn...” Ngoài ra, trong Điều này còn quy định về việc ghi nội dung trên hóa đơn như: “Hóa đơn phải ghi rõ tên của các bên và địa chỉ của họ, ngày bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ, số lượng, mô tả chính xác và đơn giá chưa bao gồm VAT của sản phẩm bán ra và dịch vụ được cung cấp và bất kỳ giảm giá áp dụng vào ngày bán hoặc cung cấp dịch vụ và liên quan trực tiếp đến việc bán hoặc dịch vụ này cung cấp...”
Mặt khác, cũng trong Luật này, nhà làm luật Cộng hòa Pháp cũng quy định hình phạt cho các hành vi vi phạm những quy định trên. Theo đó Điều L441–4 quy định: “Mọi hành vi vi phạm các quy định của Điều L.441–3 sẽ bị phạt 75.000 Euro. Tiền phạt có thể tăng lên 50% số tiền được lập hóa đơn hoặc số tiền lẽ ra phải được lập hóa đơn.”
Ngoài quy định hình phạt đối với thể nhân, pháp luật Cộng hòa Pháp cũng quy định riêng hình phạt đối với pháp nhân vi phạm quy định về hóa đơn, theo đó tại Điều 441–5 Luật Thương mại Cộng hòa Pháp quy định: “Pháp nhân có thể bị tuyên bố chịu trách nhiệm hình sự theo các điều kiện quy định tại Điều 121–2 của BLHS đối với hành vi vi phạm được quy định tại Điều L.441–4. Các hình phạt mà pháp nhân phải chịu sẽ là: Phạt tiền theo các điều khoản quy định tại Điều 131–38 BLHS; Hình phạt loại trừ khỏi thị trường công cộng trong thời gian tối đa là năm năm, theo quy định tại khoản 5 Điều 131–39 BLHS.”
BLHS Cộng hòa Pháp năm 1990 chỉ quy định hình phạt áp dụng đối với các trường hợp vi phạm lĩnh vực này mà không trực tiếp có các quy phạm trực tiếp điều chỉnh hành vi phạm tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN.
2. Cộng hòa Liên bang Đức:
Một điều đặc biệt của pháp luật Cộng hòa liên bang Đức so với pháp luật Việt Nam là trong luật chuyên ngành của Cộng hòa liên bang Đức cũng có quy định riêng về tội phạm và hình phạt cụ thể. Tuy pháp luật Cộng hòa liên bang Đức không có các quy định cụ thể trực tiếp điều chỉnh hành vi phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN nhưng Bộ luật Tài chính của nước này đã có các quy định về tội phạm và hình phạt đối với hành vi trốn thuế của các cá nhân để điều chỉnh các hành vi phạm tội này, theo đó tại Điều 369 Bộ luật Tài chính Cộng hòa liên bang Đức quy định tội phạm về thuế như sau: “Những điều sau đây sẽ là tội phạm về thuế (tội phạm về hải quan):
1. Các hành vi bị trừng phạt theo luật thuế,
2. Nhập khẩu, xuất khẩu hoặc quá cảnh hàng hóa bất hợp pháp,
3. Giả mạo tem doanh thu hoặc các hành vi chuẩn bị cho việc đó, trong chừng mực hành vi đó liên quan đến tem thuế,
4. Hỗ trợ, tiếp tay cho người thực hiện hành vi từ số 1 đến số 3 ở trên.
Tại Điều 370 bộ luật này cũng quy định về hình phạt đối với tội phạm này theo đó:
“(1)Hình phạt tù đến năm năm hoặc phạt tiền sẽ được áp dụng đối với bất kỳ người
1. Cung cấp cho các cơ quan quản lý doanh thu hoặc các cơ quan chức năng khác không chính xác hoặc không đầy đủ chi tiết liên quan đến các vấn đề có liên quan đến mục đích thuế,
2. Không thông báo cho cơ quan quản lý doanh thu về các thông tin liên quan đến mục đích thuế khi bắt buộc phải làm như vậy, hoặc
3. Không sử dụng tem doanh thu hoặc máy đóng dấu doanh thu khi có nghĩa vụ và kết quả là giảm thuế hoặc thu được các lợi thế về thuế không chính đáng cho bản thân hoặc cho người khác.
(2) Cố gắng vi phạm sẽ bị trừng phạt
(3)Trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến mười năm....”
Có thể thấy pháp luật Cộng hòa liên bang Đức dù không có quy định cụ thể về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN nhưng vẫn có các quy định khác điều chỉnh các hành vi này như: Giả mạo tem doanh thu hoặc các hành vi chuẩn bị cho việc đó liên quan đến tem thuế; Không sử dụng tem doanh thu hoặc máy đóng dấu doanh thu khi có nghĩa vụ nhằm giảm thuế hoặc thu được các lợi thế về thuế không chính đáng cho bản thân hoặc cho người khác... Điều này giúp cơ quan quản lý dễ dàng quản lý hoạt động của doanh nghiệp nhất là hoạt động xuất, nhập hàng hóa từ đó có căn cứ đánh thuế đối với các doanh nghiệp này, hạn chế việc gian lận hóa đơn, trốn thuế của các doanh nghiệp.
3. Liên bang Nga:
Trong PLHS Liên Bang Nga cũng giống như PLHS của Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Pháp, đều không có quy định cụ thể về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN mà chỉ có các quy phạm chung chung điều chỉnh các hành vi phạm tội trốn thuế.
Khác với Cộng hòa Liên bang Đức, không áp dụng quy định về trốn thuế đối với pháp nhân, trong PLHS Liên Bang Nga có quy định về trách nhiệm hình sự đối với cả thể nhân và pháp nhân khi có hành vi phạm tội trốn thuế. Theo đó, tại Điều 198 BLHS Nga năm 1996 quy định một thể nhân trốn thuế và (hoặc) một khoản phí có nội dung như sau:
“1. Việc một thể nhân trốn nộp thuế và (hoặc) lệ phí bằng cách không nộp tờ khai thuế hoặc các tài liệu khác bắt buộc phải nộp theo luật của Liên bang Nga về thuế và phí hoặc bằng cách thể hiện trong tờ khai thuế hoặc dữ liệu tài liệu được biết là sai được thực hiện trên quy mô lớn –
Phạt tiền từ 100 nghìn đến 300 nghìn rúp hoặc bằng số tiền lương hoặc tiền lương, hoặc thu nhập khác của người bị kết án cho một thời hạn từ một đến hai năm, hoặc lao động bắt buộc có thời hạn đến một năm, hoặc bị bắt giữ trong thời hạn đến sáu tháng, hoặc tước tự do trong thời hạn đến một năm.
2. Hành động tương tự được thực hiện trên quy mô đặc biệt lớn – sẽ bị phạt tiền với số tiền từ 200 nghìn đến 500 nghìn rúp hoặc bằng số tiền lương/tiền công hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian mười tám tháng đến ba năm, hoặc lao động bắt buộc có thời hạn đến ba năm, hoặc tước tự do trong cùng một thời hạn....”
Còn quy định về trốn thuế áp dụng đối với pháp nhân được quy định tại Điều 199 Bộ luật này, theo đó:
1. Trốn nộp thuế và phí thu được từ các tổ chức do không thực hiện nộp tờ khai thuế hoặc các tài liệu khác bắt buộc phải nộp theo luật của Liên bang Nga về thuế và phí, hoặc bằng cách đưa vào tờ khai thuế hoặc những tài liệu như vậy là dữ liệu sai lệch, được thực hiện trên quy mô lớn –
Phạt tiền từ 100 nghìn đến 300 nghìn rúp, hoặc bằng số tiền lương hoặc tiền lương, hoặc bất kỳ thu nhập nào khác của người bị kết án cho thời hạn từ một đến hai năm hoặc lao động bắt buộc có thời hạn đến hai năm kèm theo tước quyền giữ các chức vụ cụ thể hoặc tham gia vào các hoạt động cụ thể trong thời hạn lên đến ba năm hoặc không có thời hạn, hoặc bằng cách bắt giữ có thời hạn lên đến sáu tháng, hoặc trước tự do có thời hạn đến hai năm, hoặc tước quyền nắm giữ văn phòng cụ thể hoặc tham gia vào các hoạt động cụ thể trong thời hạn lên đến ba năm.
2. Cùng hành động được thực hiện: a) bởi một nhóm người có bàn định từ trước; b) trên quy mô đặc biệt lớn –
Sẽ bị phạt tiền từ 200 nghìn đến 500 nghìn rúp hoặc bằng số tiền lương hoặc tiền công, hoặc bất kỳ khoản thu nhập nào khác của người bị kết án trong một khoảng thời gian từ một đến ba năm, hoặc lao động bắt buộc có thời hạn đến năm năm kèm theo tước quyền giữ các chức vụ cụ thể hoặc tham gia vào các hoạt động cụ thể trong thời hạn lên đến ba năm hoặc không có thời hạn, hoặc bằng cách tước quyền tự do trong thời hạn lên đến sáu năm, hoặc bị tước quyền nắm giữ các chức vụ cụ thể hoặc tham gia vào các hoạt động cụ thể cho một thời hạn lên đến ba năm.”
Có thể thấy dù pháp luật Liên bang Nga tuy không quy định cụ thể về hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ những pháp luật Nga có điểm nổi bật đó là đã có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể là pháp nhân. Mặt khác, PLHS Liên bang Nga có điểm đặc trưng khác với PLHS nước ta ở chỗ, các nhà làm luật Liên bang Nga có rất nhiều ghi chú, chú thích, giải thích về các hành vi, các yếu tố định tính có trong Bộ luật giúp cơ quan áp dụng pháp luật được dễ dàng hơn. Ví dụ: tại ghi chú trong Điều 198 BLHS Liên bang Nga năm 1996 có nội dung như sau: “Mức độ lớn tại Điều này được hiểu là tổng số thuế và (hoặc) các loại phí là ba năm tài chính mà lớn hơn 600,000 Rúp với điều kiện là phần tiền thuế và (hoặc) các thu nhập vượt quá 10% trong tổng số tiền thuế và (hoặc) các phí phải trả, hoặc vượt quá 1,800,000 Rúp còn đặc biệt lớn là tổng số thuế và (hoặc) các loại phí là ba năm tài chính mà lớn hơn 3,000,000 Ráp với điều kiện là phần tiền thuế và (hoặc) các loại phi vượt quá 20% trong tổng số tiền thuế và (hoặc) các thu nhập phải trả, hoặc vượt quá 10,000,000 Rúp...”
4. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa:
Trong BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1997, tội liên quan đến in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN được quy định rất cụ thể và rõ ràng. Các hành vi được bóc tách, phân hóa và được điều chỉnh bằng các Điều luật cụ thể.
Ví dụ như hành vi phát hành hóa đơn trái phép được quy định tại Điều 205 BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1997: “Phát hành sai hóa đơn thuế giá trị gia tăng độc quyền hoặc hóa đơn khác để lừa đảo hoàn thuế xuất khẩu hoặc giảm thuế sẽ bị phạt tù hoặc giam giữ hình sự dưới ba năm, với mức phạt trên 20.000 nhân dân tệ và dưới 200.000 nhân dân tệ; đối với các trường hợp liên quan đến số tiền thuế báo cáo sai, hoặc có tính chất nghiêm trọng, với mức phạt tù trên ba năm và dưới 10 năm, với mức phạt hơn 50.000 nhân dân tệ nhưng dưới 500.000 nhân dân tệ; đối với các trường hợp liên quan đến số tiền thuế được báo cáo sai, hoặc có tính chất nghiêm trọng hơn, với mức phạt tù hơn 10 năm hoặc tù chung thân, với mức phạt hơn 50.000 nhân dân tệ nhưng dưới 500.000 nhân dân tệ, hoặc bị tịch thu tài sản...
Hành vi bán hóa đơn trái phép được quy định tại Điều 206, Điều 207 bộ luật này, theo đó Điều 206 quy định: “Giả mạo hoặc bán giả mạo hóa đơn thuế giá trị gia tăng sẽ bị phạt tù hoặc giam giữ hình sự hoặc hạn chế dưới ba năm, với mức phạt hơn 20.000 nhân dân tệ nhưng dưới 200.000 nhân dân tệ; đối với các trường hợp liên quan đến số lượng tương đối lớn, hoặc có tính chất nghiêm trọng, với mức phạt tù hơn ba năm và dưới 10 năm, với mức phạt hơn 50.000 nhân dân tệ nhưng dưới 500.000 nhân dân tệ; đối với các trường hợp liên quan đến số lượng lớn hoặc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với án tù hơn mười năm hoặc tù chung thân, với mức phạt hơn 50.000 nhân dân tệ nhưng dưới 500.000 nhân dân tệ, hoặc bị tịch thu tài sản...
Hành vi mua trái phép hóa đơn được bộ luật này quy định tại Điều 208; “Mua bất hợp pháp hóa đơn thuế giá trị gia tăng độc quyền hoặc giả mạo hóa đơn thuế giá trị gia tăng sẽ bị phạt tù hoặc giam giữ hình sự dưới 5 năm, với mức phạt hoặc phạt riêng hơn 20.000 nhân dân tệ và dưới 200.000 nhân dân tê...”
Tại Điều 210 BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1997 quy định: “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN hóa đơn thuế giá trị gia tăng độc quyền hoặc hóa đơn khác có thể sử dụng để lừa đảo hoàn thuế xuất khẩu hoặc bù đắp thuế, sẽ bị kết án và trừng phạt theo Điều 264 của luật này....”
Có thể thấy, PLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã quy định vô cùng chi tiết về các hành vi phát hành, mua, bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN. Tuy nhiên, việc quy định quá cụ thể, rõ ràng, bóc tách từng hành vị ra như vậy khiến BLHS năm 1997 của nước này trở nên cồng kềnh, trùng lặp đặc biệt, trong nhóm hành vi này có mối quan hệ mật thiết với nhau, khó để bóc tách làm rõ từng hành vi nên khi áp dụng vào thực tiễn xét xử không những không dễ dàng hơn mà còn khiến hoạt động này gặp nhiều khó khăn hơn khi lựa chọn quy phạm áp dụng để định tội danh và quyết định hình phạt.