Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp là gì? Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp tiếng Anh là gì? Cấu thành tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp? Hình phạt tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp?
Trẻ em theo quy định của Công ước Quốc tế về trẻ em là người dưới 18 tuổi, đây là những đối tượng được bảo vệ vì sự phát triển của tương lai. Hiện nay, các tội phạm về trẻ em rất nhiều, bên cạnh các tội phạm như buôn bán trẻ em, hiếp dâm,… thì pháp luật hình sự còn quy định về Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giới thiệu về tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi.
1. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp là gì?
Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định thực hiện xâm hại đến các quan hệ xã hội mà pháp luật hình sự thực hiện.
2. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp tiếng Anh là gì?
Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp tiếng Anh là “Persuading, forcing a person under 18 to commit an offence, or harboring a person under 18 who committed a offence”.
3. Cấu thành Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp
“Điều 325. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;
b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;
c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi;
d) Chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”
Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Tội phạm này là tội xâm phạm đối với người chưa thành niên, xâm phạm đến chính sách của Nhà nước về việc bảo vệ sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ.
Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan: Người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hành vi sau:
– Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;
– Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa
– Chứa chấp người chưa đủ 18 tuổi là trường hợp cho ở trong nhà, cho ăn ngủ ở một nơi nhất định do mình quản lý hoặc có hành vi khác che giấu người chưa thành niên, để người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đọa.
Khi xác định hành vi khách quan của người phạm tội cần chú ý:
Nếu người chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi phạm pháp mà hành vi đó đã cấu thành tội phạm, thì người dụ dỗ, ép buộc là người đồng phạm với người chưa đủ 18 tuổi về tội phạm mà người chưa đủ 18 tuổi đã thực hiện chứ không thuộc trường hợp phạm tội dụ dỗ, ép buộc người chưa 18 tuổi phạm tội.
Nếu không hứa hẹn trước và biết rõ người đó đã phạm tội và tội phạm đó theo quy định của Bộ luật hình sự thì người có hành vi chứa chấp phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hình sự về tội che giấu tội phạm thì không thuộc trường hợp quy định tại Điều 325 Bộ luật hình sự.
Đối với Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Trong trường hợp nếu gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.
Người mà người phạm tội dụ dỗ, ép buộc phải là người chưa đủ 18 tuổi và người bị dụ dỗ ép buộc là người thực hiện hành vi phạm pháp. Phạm pháp là vi phạm pháp luật, trong đó có trường hợp cấu thành tội phạm, có trường hợp chưa cấu thành tội phạm. Để xác định độ tuổi của người bị dụ dỗ, thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh tuổi của người bị dụ dỗ, ép buộc thực hiện hành vi phạm pháp căn cứ vào quy định xác định độ tuổi theo Bộ luật Tố tụng hình sự được quy định tại Điều 417
“Điều 417. Xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:
a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
3. Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.”
Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Về yêu cầu chủ thể của tội phạm này, thì chủ thể của tội phạm cần đạt đến một độ tuổi nhất định và không mất năng lực trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 12 của Bộ luật Hình sự về xác định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của chủ thể của tội phạm:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy, những chủ thể từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về tội phạm này. Đồng thời, các chủ thể này không bị mất năng lực hành vi dân sự, tức đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi đáp ứng theo đòi hỏi của xã hội.
Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp, tức người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Cấu thành tăng nặng của tội phạm
Phạm tội có tổ chức: tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, Những người thực hiện tội phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. (Điều 17)
Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo từ 2 người trở lên: người phạm tội đã dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo từ 02 người chưa chưa đủ 18 tuổi phạm pháp, quy định này đã có sự thay đổi so với quy định tại Điều 252 của
Đối với trẻ em dưới 13 tuổi: người chưa đủ 18 tuổi bị dụ dỗ, ép buộc phạm pháp được chia làm độ tuổi: từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi và dưới 13 tuổi. Nếu người chưa thành niên bị dụ dỗ, ép buộc phạm pháp chưa đủ 13 tuổi thì thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật; việc pháp luật quy định như vậy vì người dưới 13 tuổi là những người chưa thực sự có nhiều hiểu biết về xã hội cũng như pháp luật, đồng thời nếu bị dụ dỗ, ép buộc thực hiện hành vi phạm pháp thì dẫn đến nhiều hệ lụy cho chính người dưới 13 tuổi. Trong trường hợp nếu có hai người trở lên bị dỗ, ép buộc phạm pháp đều chưa đủ 13 tuổi thì thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 của điều luật; nếu có một người dưới 13 tuổi và một người đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật.
Chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp này, cần xác định tội phạm mà người chưa đủ 18 tuổi thực hiện là tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. (Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp mà đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
4. Hình phạt của tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp
– Hình phạt cơ bản của tội phạm này là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Hình phạt tăng nặng của tội phạm theo quy định tại Khoản 2 là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
– Hình phạt bổ sung là 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.