Người nào đánh tháo người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 90 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Điều 312 Bộ luật hình sự quy định:
Điều 312. Tội đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử
1. Người nào đánh tháo người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 90 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải;
d) Đánh tháo người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc người bị kết án tử hình;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Tội đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử có những dấu hiệu cơ bản sau:
– Chủ thể: chủ thể của tội đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử không phải là chủ thể đặc biệt. Tuy nhiên, phạm tội theo khoản 1 hay khoản 2 đều thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng nên chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu hình sự về tội này.
– Hành vi khách quan: hành vi khách quan của tội này là hành vi đánh tháo. Đánh tháo người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác đối với người canh giữ, người dẫn giải nhằm giải thoát cho người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử. Hành vi đánh tháo có thể được thực hiện bằng một trong các hình thức:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+) Dùng vũ lực đánh tháo người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử là dùng sức mạnh vật chất tấn công người canh giữ hoặc người dẫn giải làm cho người canh giữ hoặc người dẫn giải mất khả năng kháng cự để giải thoát cho người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử.
+) Đe doạ dùng vũ lực để đánh tháo người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử là bằng hành động, lời nói hoặc bằng các thủ đoạn khác đối với người canh giữ hoặc người dẫn giải làm cho những người này sợ không làm hoặc làm không đầy đủ trách nhiệm canh giữ hoặc dẫn giải người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử để người phạm tội giải thoát cho người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử.
+) Dùng thủ đoạn khác để đánh tháo người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử là không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực nhưng vẫn đánh tháo được người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử như: gian dối, lén lút làm cho người canh giữ hoặc dẫn giải mất cảnh giác để người phạm tội giải thoát được người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử.
– Hậu quả: Hậu quả của hành vi đánh tháo người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành ngay từ khi người phạm tội thực hiện hành vi đánh tháo.
– Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là lỗi cố ý. Người phạm tội có thể vì động cơ khác nhau và cũng có thể có mục đích khác nhau. Tuy nhiên nếu người phạm tội đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải nhằm chống chính quyền nhân dân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống phá trại giam theo Điều 90 Bộ luật hình sự.