Dấu hiệu pháp lý của tội cưỡng dâm? Cấu thành tội cưỡng dâm? Hình phạt của tội cưỡng dâm? Tội cưỡng dâm theo Điều 143 của Bộ luật hình sự năm 2015?
Cưỡng dâm là hành vi phạm tội của người vi phạm thực hiện với người lệ thuộc họ. Trong đó, các thủ đoạn được thực hiện để ép người phụ thuộc, người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu. Do đó, tội phạm này đang xâm phạm đến các quyền cơ bản được bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Đây là tội phạm được quy định trong
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Tội cưỡng dâm theo Điều 143 Bộ luật hình sự năm 2015:
Các quy định pháp luật:
Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự về tội cưỡng dâm như sau:
“Điều 143: Tội cưỡng dâm
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Có tính chất loạn luân;
đ) Làm nạn nhân có thai;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Phân tích các quy định pháp luật:
Các hành vi của người phạm tội được luật quy định cụ thể để cấu thành tội Cưỡng dâm. Trong đó, tính chất nghiêm trọng, mức độ tổn hại cũng như hậu quả của hành vi được xem xét để xác định yếu tố định khung hình phạt.
Các hành vi được mở rộng có thể là giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác. Do đó căn cứ trên hành vi thực tế thực hiện để xác định đó có phải là miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục hay không. Các hành vi tội phạm thực hiện có thể rất đa dạng mà pháp luật không thể liệt kê hết được. Do đó để không bỏ lọt tội phạm thì các hành vi quan hệ tình dục khác là thuật ngữ được sử dụng.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội cưỡng dâm:
Các thủ đoạn được người phạm tội thực hiện:
Người phạm tội cưỡng dâm dùng rất nhiều thủ đoạn khác nhau để đạt được mục đích giao cấu của mình. Thủ đoạn tức là các tiếp cận không chính đáng trong quyền, lợi ích đương nhiên. Trong đó, có thể mở rộng như: lừa phỉnh, mua chuộc, dụ dỗ, đe doạ hoặc bằng tình cảm, bằng tiền bạc, có khi chỉ là một lời hứa đối với người bị hại,… Từ đó mà người bị phụ thuộc, người đang quẫn bách phải “miễn cưỡng” mà không tự nguyện giao cấu. Nếu dùng thủ đoạn để lừa dối, khiến các đối tượng này tự nguyện giao cấu sẽ cấu thành tội phạm khác.
Người phạm tội không từ một thủ đoạn nào, miễn là thực hiện được ý đồ giao cấu với người bị hại. Phải xem xét đủ các yếu tố cùng đặc điểm thể hiện của hành vi phạm tội này để tránh nhầm lẫn trên thực tế.
Hành vi cưỡng dâm là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm:
Hành vi giao cấu với nạn nhân là dấu hiệu khách quan, cũng là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội phạm.
Nếu việc giao cấu chưa xảy ra, thì chưa cấu thành tội phạm. Bởi đây là yếu tố cần và đủ bên cạnh các mô tả thực hiện hành vi phạm tội khác. Như vậy đối với tội cưỡng dâm, không có giai đoạn phạm tội chưa đạt. Bởi chỉ có ranh giới của phạm tội và không cấu thành tội phạm như đã phân tích.
3. Cấu thành tội phạm tội cưỡng dâm:
3.1. Khách thể của tội cưỡng dâm:
Nạn nhân là người đang lệ thuộc vào người phạm tội hoặc đang ở trong tình trạng quẫn bách. Họ không được đảm bảo các quyền lợi, được tự do lựa chọn khi chịu tác động tâm lý từ phía người phạm tội. Hành vi cưỡng dâm nêu trên xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự và sức khoẻ của người khác.
Tội xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tình dục của con người. Trong thực tế, chủ yếu nạn nhân của tội phạm này là phụ nữ. Do đó cũng xâm phạm danh dự, phẩm giá của phụ nữ,… rất được coi trọng và đề cao.
3.2. Mặt khách quan của tội cưỡng dâm:
– Về hành vi.
– Không sử dụng vũ lực. Cần phân biệt tội cưỡng dâm với tội Hiếp dâm. Hành vi uy hiếp tinh thần, đe dọa đánh đạp hoặc dọa giết nạn nhân để thực hiện hành vi giao cấu khác với dấu hiệu cấu thành của tội phạm nàu. Khi đó, nạn nhân ý thức được rằng nếu mình không đồng ý cho giao cấu thì hành vi đó sẽ lập tức diễn ra, trong trường hợp này người đó phạm tội hiếp dâm. Đối với tội hiếp dâm, nạn nhân sẽ có chống cự, chống trả bằng sức.
– Thực hiện bằng các thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc cụ thể trong từng hoàn cảnh. Khi đó, người bị hại đang lệ thuộc về quyền, lợi ích hoặc trong tình trạng quẫn bách. Họ không được tự do, đảm bảo về mặt tư tưởng và suy nghĩ. Họ phải miễn cưỡng chấp nhận giao cấu với người phạm tội. Họ không hoàn toàn tự nguyện giao cấu mà đang bị khống chế, bị tác động về mặt tư tưởng.
– Có hành vi giao cấu được thực hiện.
– Dấu hiệu khác.
+ Người bị hại lệ thuộc với người phạm tội.
Người bị hại có thể bị lệ thuộc về nhiều mặt từ vật chất đến tinh thần. Khi đó, người phạm tội phải có uy thế nhất định để khống chế tư tưởng của người phạm tội như:
+ Về vật chất (được nuôi dưỡng, được trợ giúp về điều kiện sinh sống..)
+ Về xã hội (giữa giáo viên với học sinh, giữa bác sĩ với bệnh nhân).
+ Về tín ngưỡng (giữa tín đồ với người có chức sắc tôn giáo).
+ Về quan hệ gia đình (như giữa anh chị em cùng cha khác mẹ…).
+ Về công tác (giữa thủ trưởng với nhân viên thuộc quyền…).
+ Người bị hại đang ở trong tình trạng quẫn bách:
Người bị hại đang gặp những khó khăn rất lớn về kinh tế, đứng giữa ranh giới sự sống cái chết trong bệnh tật,… Do đó họ cần có ngay sự giúp đỡ. Họ cũng không thể nhờ cậy ai khác, chỉ có thể phụ thuộc vào người phạm tội.
Ví dụ: Bác sĩ đặt điều kiện với bệnh nhân đang bị bệnh hiểm nghèo là cho giao cấu mới chữa trị cho người đó và nạn nhân (bệnh nhân) đã chấp nhận điều kiện đó đế được chữa trị.
+ Miễn cưỡng giao cấu:
Người bị hại vẫn còn khả năng kháng cự, tuy nhiên họ đã không kháng cự. Họ tự nguyện cho giao cấu một cách miễn cưỡng theo điều kiện mà người phạm tội đã đưa ra. Tội phạm hoàn thành từ lúc người bị hại giao cấu với người phạm tội.
+ Người bị hại là người từ đủ mười sáu tuổi trở lên.
Quy định này nhằm thể hiện người bị hại đã có khả năng suy nghĩ độc lập. Họ thực sự bị phụ thuộc, hoặc rơi vào tình trạng túng quẫn.
Đối với người chưa đủ 16 tuổi, chia ra làm hai trường hợp phạm tội:
+ Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 144.
+ Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142.
3.3. Mặt chủ quan của tội cưỡng dâm:
Xác định với lỗi cố ý trực tiếp. Đồng thời còn xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng của người khác.
3.4. Chủ thể của tội cưỡng dâm:
Chủ thể của tội cưỡng dâm là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Ở đây không phân biệt người phạm tội là trai hay gái. Tuy nhiên các vụ việc phạm tội trên thực tế thì người phạm tội chủ yếu là nam giới.
4. Hình phạt của tội cưỡng dâm:
Hình phạt của tội này được chia thành bốn khung, cụ thể như sau:
4.1. Mức khung hình phạt tù từ sáu tháng đến năm năm:
Áp dụng đối với trường hợp phạm tội không có tình tiết định khung tăng nặng. Nói cách khác là các trường hợp còn lại sau khi xác định mức độ, hậu quả của hành vi theo khoản 2 và khoản 3.
4.2. Mức khung hình phạt tù từ ba năm đến mười năm:
Áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau:
+ Nhiều người cưỡng dâm một người. Có từ 2 người trở lên cưỡng dâm một người;
+ Cưỡng dâm nhiều lần, số lượng từ hai lần trở lên;
+ Cưỡng dâm nhiều người. Nạn nhân từ hai người trở lên;
+ Có tính chất loạn luân. Cưỡng dâm người có quan hệ cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cung cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;
+ Làm nạn nhân có thai: Bắt buộc phải căn cứ vào kết quả giám định của cơ quan y tế chuyên môn.
+ Gây tổn hại nặng cho sức khỏe của nạn nhân, với tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%. Đánh giá mức độ thương tật căn cứ vào bản giám định pháp y;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%. Đây là nội dung mới được ghi nhận trong bộ luật sửa đổi. Bởi trên thực tế, tâm lý của nạn nhân có thể chịu tác động và ảnh hưởng rất lớn sau khi bị Cưỡng dâm.
+ Tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cưỡng dâm hoặc đã tái phạm.
4.3. Mức khung hình phạt tù từ bảy năm đến mười tám năm:
Áp dụng đối với một trong các trường hợp sau:
+ Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên. Đánh giá mức độ thương tật căn cứ vào bản giám định của Hội đồng giám định pháp y;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
+ Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội: Người phạm tội biết rõ mình nhiễm vi rút này (đã xét nghiêm và có kết luận của bệnh viện là đã bị nhiễm HIV) mà vẫn phạm tội;
+ Làm nạn nhân chết hoặc tự sát: Phải làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa cái chết của nạn nhân và hành vi của người phạm tội. Tội phạm thực hiện trực tiếp là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân. Khác với mục đích cưỡng dâm xong, người phạm tội cố ý giết nạn nhân để bịp miệng thì tội danh phải nhận là tội Giết người.
4.4. Mức khung hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
Trong trường hợp phạm tội đối với người chưa thành niên tử đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Cần căn cứ vào giấy khai sinh của nạn nhân để xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh.
Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản tương ứng đó.
4.5. Hình phạt bổ sung:
Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.