Vấn nạn buôn bán người vẫn còn tồn tại và công tác trong việc phòng, chống buôn người được pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ. Vậy tội buôn người là gì? Buôn người Campuchia bị xử lý thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tội buôn người là gì?
Trong Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của liên hợp quốc quy định về khái niệm buôn bán người như sau:
Buôn bán người được hiểu là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể
Trong đó, bóc lột tình dục là việc ép buộc người khác bán dâm, làm đối tượng để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm hoặc làm nô lệ tình dục. Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ.
Có thể thấy, việc mua bán người hành tội ác rất man rợ được pháp luật quy định chế tài xử lý rất nghiêm minh. Hành vi buôn người (mua bán người) là việc giao dịch trao đổi mua bán, vận chuyển, chứa chấp hoặc nhận người với mục đích nhằm thu lợi nhuận bất chính từ việc bóc lột tình dục nạn nhân, cưỡng bức lao động nạn nhân, lấy bộ phận cơ thể để buôn bán nội tạng,…
2. Quy định về tội buôn người theo quy định tại Bộ luật Hình sự:
Theo quy định tại Điều 150
– Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác
+ Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác
+ Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 150
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
+ Có tổ chức
+ Vì động cơ đê hèn
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150
+ Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
+ Đối với từ 02 người đến 05 người
+ Phạm tội 02 lần trở lên
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Có tính chất chuyên nghiệp
+ Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
+ Làm nạn nhân chết hoặc tự sát
+ Đối với 06 người trở lên
+ Tái phạm nguy hiểm
Các yếu tố cấu thành tội mua bán người:
Về mặt khách quan của tội phạm:
– Hành vi khách quan:
+ Hành vi trao đổi mua bán người: hành vi này thể hiện dưới hình thức có dùng tiền, tài sản hoặc các phương tiện thanh toán khác để đổi lấy người (nhằm đem bán) hoặc ngược lại để thu lợi bất chính
+ Người bị hại phải là người đạt từ đủ mười sáu tuổi trở lên. Trường hợp người bị hại dưới mười sáu tuổi thì cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi
Về khách thể:
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm của con người
Về mặt chủ quan:
– Lỗi: người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó
– Động cơ, mục đích phạm tội: vì vụ lợi (để thu lợi bất chính)
Về mặt chủ thể:
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
* Trong trường hợp mua bán người mà độ tuổi dưới 16 tuổi thì sẽ bị truy cứu về Tội mua bán người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể là:
– Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo
+ Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác
+ Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi trên
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
+ Đối với từ 02 người đến 05 người
+ Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng
+ Phạm tội 02 lần trở lên
+ Vì động cơ đê hèn
+ Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
+ Nếu gây ra hậu quả làm cho người đó bị rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên
– Phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Có tính chất chuyên nghiệp
+ Có tổ chức
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên
+ Làm nạn nhân chết hoặc tự sát
+ Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân
+ Đối với 06 người trở lên
+ Tái phạm nguy hiểm
– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản
3. Buôn người Campuchia bị xử lý thế nào?
Vừa rồi, mạng xã hội dấy lên vụ việc 42 người Việt tháo chạy khỏi một casino ở Campuchia, bơi qua sông Bình Di về Việt Nam, Công an tỉnh An Giang cũng đã mở rộng điều tra và bước đầu xác định có 04 đường dây mua bán người liên quan
Tìm hiểu sâu xa, những người trốn chạy về Việt Nam có khai nhận thông qua không gian mạng và người quen, họ bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc với lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”. Tức là những đường dây mua bán người, những “tú bà”, “tú ông” lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, không có học thức để lừa lọc người dân với mục đích đưa sang biên giới để mang sang Campuchia bóc lột sức lao động hay bóc lột tình dục. Và khi được đi đến casino, người dân mới nhận ra công việc họ làm không như những gì được cam kết. Họ bị phía casino ép lên mạng lừa đảo người khác nạp tiền, đánh bài qua mạng. Sau đó, nếu không làm họ sẽ bị đánh đập, tra tấn bằng những biện pháp dã man đến khi làm việc thì thôi. Và đương nhiên lương lậu không có, hoặc nếu có thì rất thấp, không như mức lương đã được thỏa thuận từ trước. Chính vì lý do đó, họ đã lên kế hoạch bàn bạc tìm cách tháo chạy bằng được để về nước.
Công an Việt Nam đã và đang vào cuộc điều tra, xem xét có dấu hiệu của hành vi mua bán người, làm rõ và phát hiện ra 4 đường dây mua bán người móc nối ở nhiều tỉnh thành trong nước và đưa người xuất cảnh trái phép.
Và sự việc trên xem xét nếu đủ dấu hiệu của hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán người quy định tại Điều 150 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 theo mức xử phạt như trên mục 2 đã phân tích. Cụ thể:
– Khung 1: xử phạt từ 5 năm đến 10 năm
– Khung 2: xử phạt từ 8 năm đến 15 năm
– Khung 3: xử phạt từ 12 năm đến 20 năm
– Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản
4. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người:
Hiện nay pháp luật quy định chính sách về phòng, chống mua bán người tại Điều 5 Luật phòng, chống mua bán người năm 2011 như sau:
– Phòng, chống mua bán người là nội dung của chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế – xã hội
– Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định, đồng thời hỗ trợ nguồn lực cho cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân
– Tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao môi trường
– Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.