Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật được quy định như thế nào? Dấu hiệu pháp lý để nhận biết theo luật hình sự?
Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật được quy định như thế nào? Dấu hiệu pháp lý để nhận biết theo luật hình sự?
Điều 128 Bộ luật hình sự có quy định về tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật như sau:
Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm
Theo đó, các dấu hiệu pháp lý của tội trên là:
1.Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong việc sử dụng lao động, sử dụng cán bộ, công chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Đó có thể là:
-Người sử dụng lao động là người đứng đầu trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, nếu là cá nhân thì ít nhất phải đủ 18 tuổi, có thuê mướn, sử dụng và trả công lao động.
-Người sử dụng cán bộ, công chức là người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị do được bầu cử hoặc do tuyển dụng, có quyền tiếp nhận, tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật hoặc buộc cán bộ, công chức thôi việc theo quy định của pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật là quyền lao động của con người.
Đối tượng tác động của tội phạm này là chính là việc làm của người lao động, cán bộ, công chức. 3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Hành vi khách quan ở đây là đuổi người lao động, cán bộ, công chức ra khỏi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị. Hành vi đuổi người lao động, cán bộ, công chức của người phạm tội nhất thiết phải bằng hành động, có thể đuổi bằng mồm, bằng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực…nhưng chủ yếu bằng văn bản trái pháp luật.
Hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật là trái với các quy định của pháp luật về việc buộc thôi việc đối với người lao động, cán bộ, công chức. Vì vậy khi xác định hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức có trái pháp luật hay không, phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về việc buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc, kể cả nội dung và thủ tục.
b. Hậu quả
Hậu quả của tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật là những thiệt hại nghiêm trọng do hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc gây ra.
Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội này. Nếu có gây ra thiệt hại nhưng thiệt hại đó chưa phải là hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc chưa cấu thành tội phạm.
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật được thực hiện do cố ý , người phạm tội nhận thức rõ hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Người phạm tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn người lao động, cán bộ, công chức phải thôi việc.