Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015? Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu?
Quân nhân Việt Nam là một khái niệm gọi chung cho những người phục vụ trong lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung và trong một đơn vị quân đội của Nhà nước nói riêng. Quân nhân có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng và hoạt động quản lý của Nhà nước đối với mọi mặt đời sống xã hội.
Để xây dựng lực lượng quân nhân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, việc bảo đảm các nguyên tắc và tăng cường chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ đối với quân nhân là vấn đề hết sức trọng yếu, là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh chiến đấu của toàn dân, toàn quân ta. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về quy định của Bộ luật hình sự 2015 về tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
1. Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 :
Nhận thấy vai trò quan trọng của lực lượng quân nhân Việt Nam, Nhà nước ta đã ban hành một chương riêng để quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật quân đội, vi phạm nghĩa vụ trách nhiệm của quân nhân trong Bộ luật hình sự 2015. Các quy định này bao gồm những quy phạm pháp luật quy định về tội phạm và hình phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân. Đây là công cụ pháp lý quan trọng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm kỷ luật trong quân đội được vững mạnh và đạt được hiệu quả cao nhất.
Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân cũng bao gồm các những dấu hiệu chung của khái niệm tội phạm nói chung. Qua đó, ta nhận thấy các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong chương XXV Bộ luật hình sự 2015 do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi và phải chịu hình phạt theo các quy định của pháp luật.
1.1. Chủ thể:
Đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân theo bộ luật hình sự năm 2015. Theo quy định tại Điều 392 Bộ Luật hình sự 2015 có quy định các đối tượng sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân bao gồm:
Chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân bao gồm quân nhân và những người không phải là quân nhân (như dân quân, tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội) thực hiện. Cụ thể là:
– Thứ nhất: Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng.
– Thứ hai: Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện.
– Thứ ba: Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
– Thứ tư: Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.
Khái niệm quân nhân tại ngũ: Quân nhân tại ngũ là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phục vụ trực tiếp trong quân đội. Quân nhân bao gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và quân nhân chuyên nghiệp được quy định trong Luật nghĩa vụ quân sự và
Khái niệm quân nhân dự bị: Quân nhân dự bị là công dân được đăng ký vào ngạch dự bị động viên theo Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên. Quân nhân dự bị phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong thời gian người đó được tập trung huấn luyện.
Trong đó, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện được xác định trong các trường hợp sau đây:
+ Tập trung huấn luyện chính trị, quân sự thường kỳ hàng năm.
+ Tập trung diễn tập.
+ Tập trung kiểm tra tình trạng sẵn sàng động viên.
+ Tập trung kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Khái niệm công nhân, viên chức quốc phòng: Công nhân, viên chức quốc phòng là những người được ký hợp đồng lao động hoặc tuyển dụng vào phục vụ trong quân đội. Những người này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong thời gian họ tham gia chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu.
Khái niệm dân quân, tự vệ phối thuộc với quân đội: Dân quân, tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu là người thuộc một bộ phận dân quân, tự vệ được giao cho đơn vị quân đội khi có nhu cầu chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu để tăng khả năng hoàn thành nhiệm vụ tác chiến của đơn vị quân đội. Dân quân, tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong thời gian phối thuộc được quy định trong quyết định của cấp có thẩm quyền.
1.2. Khách thể:
Khách thể loại về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân theo bộ luật hình sự năm 2015 cụ thể khách thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là các quan hệ xã hội tồn tại trong quân đội hoặc khi có hoạt động quân sự.
1.3. Mặt khách quan:
Mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là những hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ có thể xảy ra trong các hoạt động quân sự.
Những hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ có thể xảy ra trong các hoạt động quân sự không chỉ bao gồm các hành vi xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân mà còn cả những hành vi: vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của những người không phải là quân nhân như dân quân tự vệ, công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội; vi phạm pháp luật quốc tế về chiến tranh như hành vi ngược đãi tù binh, hàng binh, hành vi tàn sát, chiếm đoạt hoặc hủy hoại tài sản của nhân dân trong khu vực có chiến sự.
2. Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu:
2.1. Quy định của pháp luật về tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu:
Theo Điều 401 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu có nội dung như sau:
“1. Người nào tự ý rời bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật công tác quân sự;
c) Lôi kéo người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”
Ta có thể hiểu việc bỏ vị trí chiến đấu là hành vi rời bỏ nơi được phân công chiến đấu mà không được phép của người chỉ huy hoặc cấp trên hoặc không có mặt tại nơi được phân công chiến đấu mà các cá nhân không đưa ra được lý do chính đáng hoặc không được phép của người chỉ huy hoặc cấp trên.
Không làm nhiệm vụ trong chiến đấu cũng được coi là bỏ vị trí chiến đấu trong trường hợp quân nhân không làm nhiệm vụ được giao theo quy định và theo lệnh của cấp trên.
2.2. Các yếu tố cấu thành tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu:
– Các chủ thể:
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ quân nhân nào. Bao gồm các đối tượng quân nhân sau đây:
+ Thứ nhất: Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng.
+ Thứ hai: Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện.
+ Thứ ba: Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
+ Thứ tư: Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.
– Mặt khách quan:
Các chủ thể quân nhân có hành vi bỏ vị trí chiến đấu (hành vi hành động). Đây là hành vi tự ý rời bỏ vị trí trong chiến đấu mà không được phép của người chỉ huy.
Các chủ thể quân nhân có hành vi không làm nhiệm vụ trong chiến đấu (không hành động). Ta có thể hiểu là hành vi của quân nhân tuy có mặt ở vị trí chiến đấu nhưng đã không thực hiện nhiệm vụ được giao trong trường hợp có đủ điều kiện thực hiện như không vào vị trí chiến đấu, không nổ súng trong khi có chiến sự xảy ra giữa ta và địch. Người phạm tội có mặt trong đội hình chiến đấu cảu đơn vị và có đủ điều kiện nhưng không thực hiện nhiệm vụ của mình đã được phân công hoặc không thực hiện theo chức trách.
– Khách thể:
Hành vi phạm tội xâm phạm đến chế độ kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tội bỏ vị trí chiến đấu xâm phạm sức mạnh chiến đấu, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ và xâm phạm kỷ luật quân đội được pháp luật hình sự bảo vệ.
– Mặt chủ quan:
Các chủ thể quân nhân phạm tội thực hiện tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu với lỗi cố ý.
– Về hình phạt:
Người có hành vi vi phạm tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu sẽ áp dụng ba khung hình phạt cụ thể như sau:
+ Khung 1 (khoản 1 Điều 401 Bộ luật hình sự 2015 )
Người có hành vi vi phạm tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu sẽ bị áp dụng hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Được áp dụng trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan.
+ Khung 2 (khoản 2 Điều 401 Bộ luật hình sự 2015 )
Người có hành vi vi phạm tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm tù
– Là chỉ huy hoặc sĩ quan.
– Bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật công tác quân sự.
– Lôi kéo người khác phạm tội.
– Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
+ Khung 3 (khoản 3 Điều 401 Bộ luật hình sự 2015 )
Người có hành vi vi phạm tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.