Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội phạm nghiêm trọng.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư,em muốn hỏi Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội phạm nghiêm trọng không chỉ là Tòa án nhân dân cấp huyện phải không ạ? Em cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì Tòa án quân sự khu vực cũng có quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội phạm nghiêm trọng( khoản 1 Điều 170) và Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự quân khu cũng có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự nếu đó là những vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.( khoản 2 Điều 170)
Khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm sau đây:
“ a, Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b, Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
c, Các tội quy định tại các Điều 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322 và 323 của Bộ luật hình sự.”
Theo đó thì không chỉ có tòa án nhân dân cấp huyện mới có quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự theo quy định tai Khoản 1 Điều 170 mà luật còn quy định thẩm quyền xét xử những vu án hình sự tại khoản 1 Điều 170 còn thuộc thẩm quyền của tòa án quân sự khu vực.
Khoản 2 Điều 170 còn quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự quân khu có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án quân sự khu vực.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự quân khu còn có thể xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực mà mình lấy lên để giải quyết.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Do luật không có quy định cụ thể những vụ án nào thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện nhưng Tòa án cấp tỉnh lấy lên để xét xử. Do đó, Chánh án Tòa án, Viện trưởng viện kiểm sát và Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh cần căn cứ vào khả năng thực tế của các Thẩm phán, Kiểm sát viên và Điều tra viên ở cấp huyện mà xác định những loại vụ án nào cần lấy lên để điều tra, truy tố và xét xử ở cấp tỉnh.
Theo khoản 4 Mục II Thông tư số 02/TTLN ngày 12/01/1989 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp – Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp tỉnh cần lấy lên để điều tra, truy tố và xét xử các vụ án sau:
Thứ nhất, những vụ án phức tạp; đó là những vụ án có nhiều tình tiết khó đánh giá thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành;
Thứ hai, những vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, sĩ quan Công an, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
Do đó thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm nghiêm trọng không chỉ là Tòa án nhân dân cấp huyện.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Trần Thị Hằng