Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp. Thủ tục xác nhận cha cho con.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp. Thủ tục xác nhận cha cho con.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật Sư: Trong trường mình có con khi chưa kết hôn nhưng cha của con mình không chịu nhận con mặc dù mình đã yêu cầu cha của con mình làm giám định ADN với con để con được mang họ bố nhưng anh ta không đồng ý giám định, ở trường hợp này mình phải làm mẫu đơn như thế nào và gửi đơn về Tòa án nhân dân thuộc nơi mình đang sống hay gửi về nơi của người mình yêu cầu làm giám định? Sau khi xác nhận được chính xác anh ta là cha của con mình thì mình có thể đề nghị trợ cấp nuôi con không và phải làm đơn với mẫu như thế nào ? Xin Luật Sư tư vấn cho tôi, cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật hôn nhân và gia đình 2014
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ Luật hộ tịch 2014 quy định cụ thể thủ tục đăng kí nhận cha mẹ cho con như sau:
"Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
Theo Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch 2014 .
Điều 11. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ cho con:
Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con
1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trường hợp có tranh chấp: Trường hợp mà một trong các bên không công nhận mối quan hệ huyết thống cha, mẹ, con thì người có yêu cầu xác định cha, mẹ, con buộc phải làm hồ sơ khởi kiện yêu cầu tòa án xác nhận cha, mẹ, con.
Theo quy định tại Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu tại tòa án nới cha của con bạn cư trú theo quy định tại Điều 39 thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ về giải quyết các tranh chấp hôn nhân gia đình, cụ thể là xác định cha mẹ cho con tại khoản 4 Điều 28 .
''Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;"
Hồ sơ bao gồm:
– Đơn khởi kiện yêu cầu xác định cha, mẹ con;
– Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của các bên;
– Giấy tờ chứng minh rằng giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu có quan hệ cha, mẹ, con;
Về giấy tờ chứng minh quan hệ giữa cha và con thì bạn cần tự mình thu thập để làm bằng chứng trước tòa, do người yêu bạn không đồng ý giám định AND nên sẽ rất khó trong việc xác định. Vì vậy, bạn cần chủ động thu thập chứng cứ chứng minh để chứng minh được là có quan hệ cha con để Tòa án có thêm căn cứ giải quyết vụ việc, có thể thông qua một số chứng cứ gián tiếp như:
– Giấy tờ hoặc thư do người bị kiện viết trong đó có thừa nhận đứa bé là con mình;
– Trong thời gian có thể thụ thai đứa bé, chị và người đàn ông kia chung sống với nhau như vợ chồng;
– Thông qua dư luận xã hội,…
Khi cơ quan có thẩm quyền công nhận mối quan hệ cha con thì người yêu bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, theo quy định tại Điều 110, Luật hôn và nhân gia đình 2014:
Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân qua tổng đài: 1900.6568
Và bạn có quyền yêu cầu Tòa án buộc người yêu bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định tại Điều 119, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.