Trong các phiên tòa hình sự, rất ít trường hợp bị cáo không có mặt tại phiên tòa. Vậy Toà án có được xét xử vắng mặt bị cáo không?
Mục lục bài viết
1. Toà án có được xét xử vắng mặt bị cáo không?
Hoạt động xét xử là hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước của Tòa án, nhằm đưa ra phán quyết đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi phạm tội. Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, thì bị đơn có nghĩa vụ tham gia phiên tòa xét xử theo giấy triệu tập của Tòa án. Sự có mặt tại phiên tòa vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của bị cáo bởi họ là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu hình phạt trước pháp luật. Họ có quyền tham gia phiên xét xử để biết về hình phạt mà mình phải chịu và đảm bảo tham gia phiên tòa theo quy định pháp luật. Sự có mặt của bị cáo tại phiên toà là bắt buộc, nhằm đảm bảo nguyên tắc xét xử trực tiếp, khách quan và tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện quyền bào chữa tại phiên tòa theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Tòa án có quyền xét xử vắng mặt bị cáo khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
– Bị cáo trốn và đã bị truy nã nhưng việc truy nã không có kết quả;
– Bị cáo không thể triệu tập đến phiên tòa do đang ở nước ngoài;
– Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
– Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Trong đó:
+ Bị cáo trốn và đã bị truy nã nhưng việc truy nã không có kết quả: Là khi có đủ tài liệu, chứng cứ xác định bị cáo đang trốn và việc áp giải bị cáo không có kết quả, thì Hội đồng xét xử phải quyết định tạm đình chỉ xét xử và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Nhưng hết thời hạn chuẩn bị xét xử, không bắt được bị cáo, tức là việc truy nã cũng không mang lại có kết quả.
+ Bị cáo không thể triệu tập đến phiên tòa do đang ở nước ngoài: Khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng bị cáo không ở Việt Nam và kết thúc thời gian chuẩn bị xét xử vẫn không thể triệu tập được bị cáo đến phiên tòa do không rõ địa chỉ ở nước ngoài, nơi mà bị cáo sinh sống hoặc rõ địa chỉ của bị cáo ở nước ngoài nhưng không triệu tập được do chưa có hiệp định tương trợ tư pháp;
+ Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận: Trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt của bị cáo, đồng thời sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử thì sẽ được Hội đồng xét xử xem xét chấp thuận.
+ Sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử: lý do bất khả kháng là lý do khách quan, ngoài ý muốn của bản thân bị cáo và bị cáo không dự đoán trước được, không thể né tránh và khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, để nó không xảy ra. Ví dụ: tai nạn giao thông, đột quỵ, lũ lụt, cháy nổ,…
Như vậy, Tòa án hoàn toàn có quyền mở phiên tòa xét xử để quyết định hình phạt, ngay cả khi bị cáo không có mặt tại phiên tòa, nếu thuộc một trong những trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo theo quy định pháp luật.
2. Gửi bản án hình sự khi Tòa án xét xử vắng mặt bị cáo:
Bản án, quyết định của Tòa án là văn bản có hiệu lực pháp đối với việc xử lý hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Theo quy định tại Điều 262 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 việc giao, gửi bản án quyết định của Tòa án sau phiên tòa xét xử vụ án hình sự, trong trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt bị cáo, được thực hiện như sau:
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm giao bản án cho bị hại, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; và gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt về nơi cư trú của bị cáo.
– Bản án phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú cuối cùng hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập cuối cùng của bị cáo.
– Trong trường hợp bản án sơ thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự theo quy định pháp luật, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ gửi bản án cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Như vậy có thể thấy rằng, trong trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt bị cáo trong vụ án hình sự thì bản án sẽ được gửi cho bị cáo, bị hại, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa. Ngoài ra, trong trường hợp này bản án, quyết định của Tòa án còn phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú cuối cùng.
3. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo được quy định như thế nào?
Bị cáo là người hoặc pháp nhân phạm tội, đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Do là người đang chuẩn bị nhận hình phạt của pháp luật nên trong hoạt động xét xử, bị cáo chỉ có quyền và nghĩa vụ nhất định. Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quyền và nghĩa vụ của bị cáo được quy định như sau:
3.1. Quyền của bị cáo:
– Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
– Tham gia phiên tòa;
– Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của mình trong hoạt động xét xử;
– Có quyền đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;
– Cung cấp chứng cứ, tài liệu, bảo vệ quyền lợi của mình;
– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
– Bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
– Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
– Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;
– Nói lời sau cùng trước khi nghị án;
– Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;
– Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3.2. Nghĩa vụ của bị cáo:
– Bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. (Nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; trường hợp bỏ trốn sẽ bị truy nã).
– Bị cáo phải chấp hành theo quyết định, yêu cầu của Tòa án.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.