Khái quát về tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước? Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước?
Mỗi lĩnh vực trong đời sống đều được Nhà nước quản lý thông qua các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó, và thị trường chứng khoán cũng vậy. Hiện nay, pháp luật chứng khoán đã quy định về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đó chính là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
1. Khái quát về tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Quản lý nhà nước đối với chứng khoán và thị trường chứng khoán là sự tác động có tổ chức, có định hướng của cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào đối tượng quản lý bằng các hình thức quản lý khác nhau nhằm đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bảo vệ nhà đầu tư, phục vụ mục tiêu của nền kinh tế.
Mục đích quản lý Nhà nước về chứng khoán là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhà đầu tư, dung hòa lợi ích của các thành viên tham gia thị trường, ngăn ngừa và hạn chế các hoạt động tiêu cực gây tác động xấu đến thị trường chứng khoán và nền kinh tế, ngăn chặn và kiểm soát rủi ro có thể gây sụp để thị trường và nhằm duy trì ổn định, công bằng, minh bạch và hiệu quả, giảm thiểu các rủi ro trên thị trường chứng khoán. Ở Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực tiếp thay mặt nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với chứng khoán và thị trường chứng quản.
Cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan được lập ra hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một lĩnh vực nào đó mà Nhà nước cho là cần thiết phải quản lý. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán là cơ quan do nhà nước thành lập để thực hiện chức năng quản lý, giám sát, phát triển chứng khoán và thị trường chứng khoán, cơ quan này chính là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập vào ngày 28/11/1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ, là cơ quan thuộc Chính phủ. Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã thực thi chức năng, nhiệm vụ đạt được nhiều kết quả, thể hiện vai trò là người tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trên quan điểm để triển khai có hiệu quả hơn nhiệm vụ điều phối hoạt động của các Bộ ngành chức năng trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, ngày 19 tháng 2 năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2004/NĐ- CP chuyển Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành bộ phận của Bộ Tài Chính.
Hiện nay theo Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban chứng khoán Nhà nước bao gồm: Vụ Pháp chế; Vụ Phát triển thị trường chứng khoán; Vụ Quản lý chào bán chứng khoán; Vụ Giám sát công ty đại chúng; Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán; Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán; Vụ Giám sát thị trường chứng khoán; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tài vụ – Quản trị; Văn phòng (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh); Thanh tra; Cục Công nghệ thông tin; Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán; Tạp chí Chứng khoán. Cơ cấu tổ chức này đã được cải thiện thay đổi so với quy định tại Quyết định số 115/2009/QĐ- TTg quy định về cơ cấu tổ chức Ủy ban chứng khoán, theo đó thì đã tăng số Vụ thuộc Ủy ban. Trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện này, thì ngoài Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán; Tạp chí Chứng khoán là đơn vị sự nghiệp thì các tổ chức còn lại là tổ chức hành chính giúp Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán thực hiện chức năng của mình. Và cũng theo quy định tại Quyết định số 48/2015/QĐ- TTg thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Chủ tịch và không quá 03 Phó Chủ tịch. (Khoản 1 Điều 4).
Chúng ta dễ dàng nhận ra được phát luật tổ chức và hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác lập mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước khi thị trường chính thức đi vào hoạt động từ sớm. Việc ra đời và phát triển mô hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được Nhà nước quan tâm, rà đười trước 3 năm so với sự ra đời của thị trường chứng khoán. Cùng với sự phát triển của thị trường, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban chứng khoán không ngừng được hoàn thiện.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 9 Luật Chứng khoán năm 2019. Theo đó thì:
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hoặc để trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển thị trường chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính là cơ quan hiểu rõ nhất về thị trường chứng khoán, do đó, trong quá trình hoạt động của mình, khi nhận thấy cần phải có thêm hoặc thay đổi những vấn đề đã tồn tại, thì trách nhiệm trình lên cơ quan quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là Bộ Tài chính để cơ quan này thực hiện chức năng của mình là hoàn toàn hợp lý.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức, phát triển thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vì nhằm mục đích để quản lý và phát triển chứng khoán cũng như thị trường chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được ra đời.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề chứng khoán và giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chấp thuận những thay đổi, đình chỉ, hủy bỏ liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Việc quy định về quyền hạn như vậy do tính đặc thù của chứng khoán, thị trường chứng khoán- đây đều là những nội dung rất khó, không phải chủ thể nào cũng đạt yêu cầu, nên cần phải có chủ thể có đủ năng lực, trình độ để có thể cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi,… các loại giấy tờ này.
Tại điểm d, Khoản 1 Điều 9 Luật Chứng khoán quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn: “d) Quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; chấp thuận các quy định, quy chế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sửa đổi quy định, quy chế liên quan đến hoạt động nghiệp vụ; đình chỉ, hủy bỏ quyết định liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, chỉ đạo Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động nghiệp vụ trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư;”. Sở giao dịch chứng khoán, các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán là những chủ thể trong thị trường chứng khoán, đây thành phần không thể thiếu trong thị trường chứng khoán, và chính các chủ thể này cũng có những tác động to lớn đến thị trường chứng khoán. Và nhiệm vụ quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bao trùm lên các chủ thể này là điều cần thiết, nhằm đảm bảo sự cân bằng trong thị trường chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền chấp thuận việc đưa vào giao dịch các loại chứng khoán mới, thay đổi và áp dụng phương thức giao dịch mới, chấp thuận hệ thống giao dịch chứng khoán và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới. Với tính mới của các loại chứng khoán thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải tiến hành kiểm tra, xác định tính phù hợp của nó đối với thị trường để quyết định xem có đưa vào thị trường giao dịch chứng khoán hay không.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý, giám sát hoạt động liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán của các tổ chức, cá nhân;
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình hoạt động của thị trường chứng khoán. Trường hợp có biến động lớn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường và các giải pháp để ổn định thị trường và bảo đảm an ninh, an toàn tài chính. Quy định này thể hiện sự quản lý của Bộ Tài chính và Chính phủ đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngoài ra thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn có các nhiệm vụ như:
-Thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán;
– Thực hiện thống kê, dự báo về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; hiện đại hóa công nghệ thông tin trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
– Tổ chức, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành chứng khoán và người hành nghề chứng khoán; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho công chúng;
– Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, văn bản khác thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
– Giám sát tổ chức xã hội – nghề nghiệp về chứng khoán trong việc thực hiện mục đích, tôn chỉ, Điều lệ hoạt động;
– Thực hiện chế độ báo cáo về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện hợp tác quốc tế và làm đầu mối thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Từ những quy định trên về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì nhận thấy được rằng pháp luật tổ chức và hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thể hiện tính mềm dẻo hơn so với lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan quản lý khác. Các quy định trên thể hiện sự tôn trọng quyền tự do mua bán của các chủ thể tham gia thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết hoặc khi thị trường có những sự cổ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của thị trường cũng như quyền lợi của nhà đầu tư.
Và theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019 đã quy định chi tiết, cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã bao quát các hoạt động trên thị trường chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiệm vụ quản lý, giám sát. Phạm vụ quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán ngày càng mở rộng, từ quản lý việc phát hành chứng khoán ra công chúng và thịt rường chứng khoán tập trung cho tới việc quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán riêng lẻ, từ hoạt động tổ chức và xây dựng thị trường cho tới quản lý, giám sát thị trường, bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được sử dụng các biện pháp quản lý thị trường khi cần, để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện tốt chức năng của mình. Đồng thời thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm ta, giám sát các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán góp phần xây dựng thị trường chứng khoán minh bạch, bảo vệ tối đa quyền lợi nhà đầu tư.