Theo quy định, doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp khi đã được xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Dưới đây là hồ sơ, thủ tục tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp:
Mục lục bài viết
1. Tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp là hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương:
Căn cứ Điều 19 Nghị định số 40/2021/NĐ-CP quy định một trong những điều kiện để một doanh nghiệp bán hàng đa cấp được coi là có hoạt động bán hàng đa cấp gồm:
– Trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có chức năng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
– Doanh nghiệp thực hiện tổ chức các hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương.
– Doanh nghiệp có người tham gia bán hàng đa cấp thường trú hoặc tạm trú hoặc thực hiện tiếp thị, bán hàng theo phương thức đa cấp tại địa phương.
Như vậy, theo quy định trên thì tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng là một trong những hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
2. Tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp:
Căn cứ Điều 26 Nghị định số 40/2021/NĐ-CP quy định về việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ để thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp:
– Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo (theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành theo Nghị định số 40/2021/NĐ-CP).
– Các nội dung chi tiết, tài liệu trình bày tại hội thảo, số lượng người tham gia dự kiến.
– Danh sách báo cáo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo kèm theo hợp đồng thuê khoán của doanh nghiệp, trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nội dung báo cáo của báo cáo viên.
– Trường hợp doanh nghiệp ủy quyền cho cá nhân thực hiện đào tạo hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo thì cần có văn bản ủy quyền (01 bản chính).
– Thông tin tài khoản hoặc đường dẫn truy cập vào hội nghị, hội thảo, đào tạo trong trường hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Bước 2: Thực hiện nộp hồ sơ:
Căn cứ khoản 2 Điều Điều 26 Nghị định số 40/2021/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 18/2023/NĐ-CP thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp nộp hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tới Sở Công Thương.
Hình thức nộp hồ sơ: nộp trực tiếp; trực tuyến hoặc chuyển phát nhanh).
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ: Sở Công Thương thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung trong vòng 07 ngày làm việc. Doanh nghiệp có thời hạn sửa đổi, bổ sung là 10 ngày làm việc tính từ ngày Sở Công Thương ban hành thông báo.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ: nếu trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Sở Công Thương nhận được thông báo, Sở Công Thương không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì doanh nghiệp được phép tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo.
– Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới Sở Công Thương ít nhất 07 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện nếu trong trường hợp hết thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Sở Công Thương nhận được thông báo, khi muốn thay đổi thông tin trong hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo.
– Sau đó, doanh nghiệp được phép tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo nếu trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Sở Công Thương nhận được thông báo, Sở Công Thương không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
– Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc thư điện tử tới Sở Công Thương trước ngày dự kiến tổ chức trong hồ sơ thông báo nếu như đã thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo với Sở Công Thương nhưng không thực hiện.
Lưu ý: Trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên mà không phải là cuộc họp hoặc sự kiện nội bộ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi thực hiện.
3. Mẫu thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp:
Mẫu số 12
TÊN DOANH NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……… | ……., ngày…. tháng…. năm……… |
THÔNG BÁO TỔ CHỨC HỘI NGHỊ, HỘI THẢO, ĐÀO TẠO
VỀ BÁN HÀNG ĐA CẤP
Kính gửi: …
1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa):(1) ….
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số:…
Do: ….
Cấp lần đầu ngày: …/…/… Lần thay đổi gần nhất: …./…/…
Địa chỉ của trụ sở chính: ….Điện thoại: … Fax: …..
2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: …
Do: …Cấp lần đầu ngày: …/…/…
Cấp sửa đổi, bổ sung lần… ngày …..
3. Xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương số:…
Do:..Cấp ngày: ……/…../…
Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo tại tỉnh/thành phố… như sau(2):
1. Tên hội nghị, hội thảo, đào tạo: ….
2. Thời gian tổ chức: …
3. Địa điểm tổ chức: ….
4. Nội dung: …
5. Số lượng người tham gia dự kiến: …
6. Văn bản, tài liệu kèm theo: …..
7. Người liên hệ:…… Điện thoại: …..
Doanh nghiệp cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các văn bản, tài liệu kèm theo.
| Đại diện theo pháp luật |
Ghi chú:
(1) Thông tin về doanh nghiệp hoặc chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại địa phương.
(2) Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể thông báo về việc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp trong cùng một văn bản thông báo.
4. Hồ sơ, trình tự đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
– Đơn đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương (theo mẫu số 07).
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương (01 bản sao).
– Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (01 bản sao).
– Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh (nếu có) – 01 bản sao.
Lưu ý: doanh nghiệp cung cấp các giấy tờ liên quan đến đầu mối tại địa phương nếu như không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại địa phương, hồ sơ gồm:
+ Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (01 bản sao).
+ Phiếu lý lịch tư pháp (01 bản chính hoặc bản sao có chứng thực).
+ Xác nhận kiến thức cho đầu mối tại địa phương (01 bản sao chứng thực).
+ Văn bản chỉ định quy định rõ phạm vi công việc, quyền và nghĩa vụ của các bên (01 bản).
Bước 2: Nộp hồ sơ:
– Nơi tiếp nhận hồ sơ: Sở công thương nơi doanh nghiệp dự kiến hoạt động.
– Hình thức nộp hồ sơ: trực tiếp, trực tuyến hoặc gửi chuyển phát nhanh qua dịch vụ bưu chính.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ: Sở Công Thương thông báo cho doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong vòng 05 ngày làm việc tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ không quá 15 ngày làm việc tính từ ngày Sở công thương ra thông báo.
– Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: Sở công thương sẽ gửi cho doanh nghiệp văn bản xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương (mẫu số 08).
– Sở Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối nếu từ chối xác nhận.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số
– Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.