Tố cáo trong thi hành án hình sự là gì? Tố cáo trong thi hành án hình sự tiếng anh là gì? Người có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự? Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo trong thi hành án hình sự?
Tố cáo là hoạt động quan trọng nhằm đảm bảo sự minh bạch, tuân thủ pháp luật trong hoạt động thực thi pháp luật đồng thời đây cũng là một trong các cách để bảo vệ quyền của cá nhân tố cáo. Trong hoạt động thi hành án hình sự thì tố cáo cũng là hoạt động không thể thiếu. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giới thiệu về tố cáo và giải quyết tố cáo trong thi hành án hình sự.
1. Tố cáo trong thi hành án hình sự là gì?
Trong
“Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.”
Từ đó có thể hiểu tố cáo trong thi hành án hình sự là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong thi hành án hình sự hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án hình sự.
2. Tố cáo trong thi hành án hình sự tiếng anh là gì?
Tố cáo trong thi hành án hình sự tiếng Anh là “Denunciations in criminal Judgment execution”.
3. Người có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự
Tại Điều 190 của Luật Thi hành án hình sự quy định về người có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự như sau:
“Người chấp hành án và mọi công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong thi hành án hình sự mà gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Như vậy chủ thế có quyền tố cáo trong thi hành án không bị giới hạn là chủ thể nào, đó có thể là người chấp hành án hay bất cứ cá nhân nào có đủ năng lực pháp luật đều có thực hiện hoạt động tố cáo khi phát hiện hành vi vi phạm phát luật của người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự mà gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Người tố cáo có các quyền đó chính là được thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo; họ được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác. Các cá nhân được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo. Họ có quyền tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết. Các cá nhân có quyền rút tố cáo và đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Họ cũng được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh các quyền thì người tố cáo có các nghĩa vụ đó chính là cung cấp thông tin cá nhân quy định trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo. Người tố cáo cũng có nghĩa vụ hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Người bị tố cáo có các quyền được thông báo về nội dung tố cáo, việc gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; được giải trình, đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; được nhận kết luận nội dung tố cáo. Bên cạnh đó được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; họ yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo trái pháp luật; được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra theo quy định của pháp luật; khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đây là những quyền cơ bản của những người bị tố cáo.
Người bị tố cáo phải có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo trong suốt quá trình tố cáo; giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu, việc giải trình phải trung thực, chính xác. Người bị tố cáo phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý theo kết luận nội dung tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và họ phải bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.
4. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo trong thi hành án hình sự
Tại Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo như sau:
“Điều 192: Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo
1. Thẩm quyền giải quyết tố cáo như sau:
a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của người thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng Công an cấp xã;
c) Trưởng Công an cấp huyện giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
đ) Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh;
e) Tư lệnh Quân khu và tương đương giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;
g) Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý.
h) Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân.
2. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo 02 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
3. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.”
Như vậy, thẩm quyền quyền giải quyết tố cáo trong tố tụng hình sự thuộc về thủ trưởng của chính cơ quan thi hành án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tư lệnh Quân khu và tương đương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện kiểm sát. Thời hạn giải quyết tố cáo đó chính là trong vòng 30 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày đối với vụ việc phức tạp; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo 02 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó thì trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng. Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh. (Điều 147
Cơ quan, người có thẩm quyền, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. (Điều 193 Luật Thi hành án hình sự). Đây là nhiệm vụ của các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, kịp thời ngăn chặn những vi phạm, tránh để ra những hậu quả nghiêm trọng.