Tố cáo hành vi bạo lực gia đình của cha. Quy định về việc xử lý hành vi bạo lực gia đình.
Tố cáo hành vi bạo lực gia đình của cha. Quy định về việc xử lý hành vi bạo lực gia đình.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào! Em tên là Quang năm nay em 16 tuổi, em có 1 ông bố ông ta hay chửi rủa xỉ nhục em nói em như 1 con chó có lần đã dọa giết em, ông ta bạo hành mẹ em từ lúc em còn nhỏ cho đến bây giờ, ông ta không cho ai quyền riêng tư, không tôn trong ai trong gia đình không nghe bất kì ý kiến nào của các thành viên trong gia đình liên tực gây áp lực cho em đã có lần tưởng chừng như em mất kiểm soát cơ thể và chỉ muốn đánh ông ta nhưng mẹ em cản lại cho em hỏi liệu có luật nào bảo vệ em và người thân trong gia đình không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007;
– Luật phòng chống bạo lực gia đình 2014;
– Bộ luật hình sự 1999.
2. Luật sư tư vấn:
Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định các hành vi bạo lực gia đình như sau:
“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;”
Bố bạn thường xuyên có hành vi đánh đập mẹ và xúc phạm bạn, như vậy bố bạn có hành vi bạo lực gia đình.
Điều 5 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình:
“1. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình qua tổng đài: 1900.6568
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, nếu muốn chấm dứt hành vi bạo lực gia đình thì mẹ bạn hoặc bạn có thể thực hiện các quyền nói trên để đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ cho bạn và người thân bạn trong trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 18 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2014 như sau:
“1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.
2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.”
Để bảo vệ quyền lợi cho gia đình bạn, bạn nên báo cho cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực để cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn hành vi trên.
Nếu đã nhiều lần bạo lực với mẹ bạn và bạn, có hành vi tàn nhẫn thì bạn nên làm đơn tố cáo trực tiếp tới Công an nhân dân cấp huyện về Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội hành hạ người khác theo quy định Bộ luật hình sự 1999.