Mục lục bài viết
1. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là gì:
Pháp luật hình sự Việt Nam chưa có khái niệm chính xác về tình tiết giảm nhẹ TNHS. Dưới góc độ nghiên cứu, các nhà khoa học hình sự đã đưa ra những quan điểm khác nhau về vấn đề này, cụ thể như sau: “Tinh tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể của một loại tội giảm đi so với trường hợp bình thường và do đó được coi là căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội đó”? Song cũng có quan điểm cho rằng “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết được quy định trong bộ luật hình sự hoặc do Tòa án xác định phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội cũng như hoàn cảnh đặc biệt của họ. Những tình tiết này có ý nghĩa làm giảm mức độ trách nhiệm hình sự của người phạm tội” .
Các quan điểm trên có điểm chung là đều coi các tình tiết giảm nhẹ TNHS là những tình tiết làm cho mức độ trách nhiệm hình sự của trường hợp phạm tội cụ thể giảm đi so với trường hợp bình thường. Điểm khác biệt chủ yếu ở đây là việc các tác giả xác định khác nhau căn cứ, giới hạn và phạm vi ảnh hưởng, cách thức tác động của các tình tiết giảm nhẹ TNHS. Theo góc độ này, ta hiểu rằng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết được quy định trong các văn bản pháp luật không bao gồm các tình tiết định tội và định khung hình phạt. Hay hiểu đơn giản, các tình tiết định tội, định khung hình phạt không phải là tình tiết giảm nhẹ TNHS.
Đồng thời, có quan điểm cho rằng: “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết của vụ án hình sự liên quan đến việc giải quyết trách nhiệm hình sự, có ý nghĩa làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phản ánh khả năng cải tạo tốt hoặc hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội được khoan hồng và giá trị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của chúng chưa được ghi nhận trong chế tài”4. Cá nhân tác giả cũng cho rằng quan điểm này hoàn toàn thể hiện đúng bản chất, nội dung của các tình tiết giảm nhẹ TNHS, song thể hiện được các đặc trưng pháp lý của các tình tiết. “Về bản chất, tình tiết giảm nhẹ TNHS là những biểu hiện về các điều kiện, hoàn cảnh, tình huống có ảnh hưởng đến việc thực hiện tội phạm qua đó phản ánh mức độ nguy hiểm ít hơn của hành vi phạm tội và là cơ sở để người phạm tội có thể chịu TNHS ở mức thấp hơn”. Theo tác giả của luận văn, tình tiết giảm nhẹ TNHS nên được hiểu là bất kỳ tình tiết nào mà sự xuất hiện của nó làm miễn, giảm trách nhiệm hình sự. Nội dung của TNHS là các tác động cưỡng chế hình sự đối với người phạm tội bao gồm việc bị kết án, bị áp dụng hình phạt và án tích. Như vậy, giảm TNHS không thuần túy chỉ giới hạn ở việc giảm mức hình phạt trong phạm vi khung hình phạt theo quan điểm truyền thống mà còn bao gồm các khả năng giảm nhẹ khác như: giảm hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015); chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn (khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015); giảm thời hạn chấp hành hình phạt (Điều 63 BLHS năm 2015); miễn chấp hành hình phạt (Điều 62 BLHS năm 2015); miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện hay án treo (Điều 65 BLHS năm 2015); miễn hình phạt (Điều 59 BLHS năm 2015). Đây là các biện pháp giảm nhẹ hình phạt, miễn hình phạt, thậm chí là miễn toàn bộ trách nhiệm hình sự.
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm các tình tiết giảm nhẹ TNHS như sau: Các tình tiết giảm nhẹ TNHS là những tình được quy định trong BLHS, do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định làm giảm nhẹ TNHS hoặc miễn TNHS đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội.
2. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan là gì:
Khái niệm tội phạm được ghi nhà làm luật ghi nhận về mặt lập pháp trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành tại khoản 1 Điều 8 một cách rõ ràng “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự.”
Tội phạm là một thể thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan. Nếu mặt khách quan là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm thì mặt chủ quan là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội liên quan đến việc thực hiện tội phạm. Với tư cách là một mặt của một hiện tượng thống nhất là tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm không tồn tại độc lập mà luôn gắn liền với mặt khách quan của tội phạm. Hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm nếu như hành vi đó được thực hiện trong một thái độ tâm lý tiêu cực nhất định của con người đối với hành vi phạm tội của mình và đối với hậu quả do hành vị đó gây ra hoặc có thể gây ra. Đồng thời, hoạt động tâm lý của con người rất đa dạng, nhưng chỉ những hoạt động tâm lý có ảnh hưởng đến việc thực hiện hành vi phạm tội mới có ý nghĩa pháp lý hình sự và mới được coi là các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm, các dấu hiệu đó là: lỗi, động cơ phạm tội, mục đích phạm tội.
Như vậy, mặt chủ quan của tội phạm là những yếu tố tác động đến nhận thức, ý chí của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội, bao gồm : lỗi, động cơ và mục đích phạm tội.
Cụ thể, dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm:
- Lỗi
Lỗi là dấu hiệu bắt buộc phải có ở mọi tội phạm vì tội phạm nào cũng được thực hiện do cố ý hoặc vô ý.
Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Một người bị coi là có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nếu đó là kết quả mà chủ thể tự lựa chọn và tự quyết định thực hiện trong khi họ có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và quyết định một xử sự khác phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực của xã hội. Bản chất của lỗi là sự phủ định chủ quan (thái độ phủ định) của chủ thể đối với các lợi ích của xã hội, sự phủ định chủ quan này của chủ thể được phản ánh qua việc thực hiện hành vi gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ.* Trong các cấu thành tội phạm cơ bản lỗi thường được quy định hoặc là cố ý, hoặc là vô ý. Dấu hiệu lỗi của tội phạm được thể hiện trên các mặt là lý trí và ý chí.
BLHS quy định cụ thể các trường hợp cố ý phạm tội theo Điều 10 BLHS quy định
“Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.
Như vậy, định nghĩa lỗi cố ý đã bao hàm:
– Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Cụ thể:
Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức rõ hậu quả tất yếu xảy ra hoặc có thể xảy ra.
Về ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra.
– Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức rõ hậu quả có thể xảy ra.
Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng bỏ mặc không quan tâm đến hậu quả, hậu quả xảy ra như thế nào cũng chấp nhận. BLHS quy định cụ thể các trường hợp vô ý phạm tội theo Điều 11 BLHS quy định “Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.
Như vậy, định nghĩa lỗi vô ý đã bao hàm:
– Lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi của người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức rõ hậu quả có thể xảy ra.
Về ý chí: Người phạm tội loại trừ khả năng hậu quả xảy ra (người phạm tội vì quá tự tin, chủ quan tin vào kinh nghiệm, thói quen, tin vào khả năng chuyên nghiệp vụ của mình).
– Lỗi vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội tuy không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó,
Về lý trí: Người phạm tội trong lỗi vô ý do cẩu thả do cẩu thả nên không thấy trước hậu quả của hành vi nhưng trong điều kiện phải thấy trước và có thể thấy được hậu quả đó (nguyên nhân chủ quan từ phía người phạm tội).
Về ý chí: Trong lỗi vô ý do cẩu thả người phạm tội không có khả năng điều khiển được hành vi của mình (tức là người phạm tội không có ý chí). Vì về lý trí người phạm tội không nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và cũng không nhận thức được hậu quả của hành vi đó.
- Động cơ phạm tội
Động cơ phạm tội là động lực bên trong các lợi ích, các nhu cầu được nhận thức) thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi tội phạm.”
- Mục đích phạm tội
Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội.
Người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội đều hướng đến mục đích nhất định, thường là lỗi cố ý trực tiếp vì mong muốn gây ra tội phạm và đạt được mục đích. Một số trường hợp có mục đích nhưng đó chỉ là mục đích của hành vi vì người phạm tội hoàn toàn không mong muốn thực hiện tội phạm hoặc họ không biết hành vi của mình có thể trở thành tội phạm hoặc biết nhưng không có mong muốn trở thành tội phạm.
Cũng cần phân biệt mục đích của tội phạm và hậu quả của tội phạm. Hậu quả là kết quả thực tế khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội để đạt được mục đích. Mục đích phạm tội là đặt ra trước còn hậu quả là kết quả của hành vi. Tất cả các trường hợp cố ý trực tiếp đều có mục đích phạm tội dù hậu quả đó xảy ra hay không.
Từ những phân tích trên, tác giả đưa ra khái niệm các tình tiết giảm nhẹ Trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan như sau : Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan của tội phạm là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được biểu hiện từ hoạt động tâm lý có ảnh hưởng đến việc thực hiện hành vi phạm tội. Các tình tiết này đan xen với các tình tiết định tội và định khung hình phạt nhưng không là tình tiết định tội hay định khung hình phạt. Có thể đưa ra khái niệm về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm thuộc mặt chủ quan như sau:
Các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan của tội phạm là những tình tiết tác động đến nhận thức, ý chí của người phạm tội gắn liền với mặt khách quan của tội phạm có ý nghĩa làm giảm nhẹ TNHS hoặc miễn TNHS đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội.
3. Đặc điểm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan:
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan là một trong các nhóm của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định trong luật hình sự, do vậy các đặc điểm của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan có các đặc điểm chung của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ngoài ra từ việc phân tích yếu tố thuộc mặt chủ quan có thể thấy được những đặc điểm riêng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan được quy định trong BLHS hoặc do Tòa án xác định. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cụ thể bao gồm các tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Thứ hai, các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan là những tình tiết phản ánh các nội dung của mặt chủ quan của tội phạm trong cấu thành tội phạm hay rộng hơn là liên quan đến yếu tố của tội phạm, cụ thể những tình tiết giảm nhẹ mà tương ứng với 1 trong 3 yếu tố (lỗi, động cơ, mục đích phạm tội ) thì có thể gọi tên là tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan – đây là đặc điểm riêng biệt để phân biệt các tình tiết này với các tình tiết giảm nhẹ TNHS khác thuộc về các yếu tố nhân thân của tội phạm hay mặt khách quan của tội phạm.
Thứ ba, các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan là những tình tiết ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Cách gọi tên này cũng xuất phát từ cách phân loại các tình tiết giảm nhẹ TNHS dựa trên yếu tố tội phạm nói chung, cấu thành tội phạm nói riêng. Do đó, những hành vi được thực hiện sau khi phạm tội không thể được gắn với mặt chủ quan của cấu thành tội phạm mà nó gắn với mặt chủ quan của tội phạm. Hiểu đơn giản là, các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan được ở đây được hiểu theo nghĩa rộng chứ không chỉ bó hẹp trong cấu thành tội phạm.
Thứ tư, các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan là một trong những căn cứ để quyết định hình phạt, miễn hình phạt hoặc miễn TNHS.
Thứ năm, ảnh hưởng của từng tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội không giống nhau, khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này”. Theo quy định này, có thể thấy được rằng các nhà làm luật đề cao các tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 có vị trí, giá trị giảm nhẹ cao hơn các tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015, tức là các tình tiết cụ thể đã được liệt kê tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự có giá trị giảm nhẹ nhiều hơn các tình tiết mà Tòa án xét thấy trong quá trình thực tiễn xét xử.