Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội là một trong những tình tiết tăng nặng theo quy định của Bộ luật hình sự 2015. Dưới đây là bài phân tích rõ về tình tiết dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội.
Mục lục bài viết
1. Tình tiết dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội:
Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt phạm tội là trường hợp khi phạm tội mà người phạm tội có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người bị hại hoặc những người khác khó lường thấy trước được để đề phòng nhằm mục đích thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội là một trong những tình tiết tăng nặng. Theo đó, Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 quy định chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
+ Phạm tội có tổ chức;
+ Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
+ Phạm tội có tính chất côn đồ; Phạm tội vì động cơ đê hèn;
+ Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
+ Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội;
+ Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
+ Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
+ Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
Như vậy, khi phạm tội thuộc quy định điều chỉnh của Bộ luật hình sự 2015, nếu có các các tình tiết nêu trên, người phạm tội sẽ bị xét có tình tiết tăng nặng.
Về cơ bản, tình tiết tăng nặng dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội khiến người phạm tội đứng trước mức án cao hơn so với mức án áp dụng tại khung điều khoản (với trường hợp không có tình tiết tăng nặng).
Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội thể hiện mức nguy hiểm cao hơn về mặt ý chí và hành vi của chủ thể phạm tội. Điều này khiến nạn nhân rơi vào tình cảnh khó khăn hơn, thiệt hại (cả về người và tài sản là nặng hơn). Theo quy định của pháp luật, việc xác định hành vi phạm tội, mức phạt áp dụng đối với hành vi phạm tội đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả về hành vi lẫn ý chí đạo đức. Vậy nên, mới có những phạm trù quy định về tình tiết tăng nặng mà Nhà nước đưa ra.
Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội khiến thiệt hại và hậu quả của hành vi nặng hơn, gây ra nguy hiểm đặc biệt cho nạn nhân và toàn xã hội. Hiện nay, tỷ lệ tội phạm tại nước ta ngày càng tăng cao, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến “cướp, giết, hiếp”. Ở từng trường hợp cụ thể, mức xử phạt mà Nhà nước áp dụng đối với chủ thể vi phạm là khác nhau. Điều này phụ thuộc vào hậu quả của hành vi vi phạm; thực tiễn tiến hành, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ… Vậy nên, có thể khẳng định, tình tiết tăng nặng để áp dụng cho từng trường hợp vi phạm giúp đảm bảo tính khách quan trong việc xử lý chủ thể phạm tội của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hay nói cách khác, mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này tùy thuộc vào tính chất, mức độ xảo quyệt, tàn ác của thủ đoạn mà kẻ phạm tội đã thực hiện. Thủ đoạn càng nham hiểm tinh vi, tàn nhẫn bao nhiêu thì mức tăng nặng càng nhiều và ngược lại.
2. Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội thì bị xử lý như thế nào?
Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội được thực hiện như sau:
– Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
– Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Tức các chủ thể này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm của mình, đúng người đúng tội, không có sự phân biệt.
– Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
– Nhà nước sẽ đưa ra các biện pháp xử phạm nhằm nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, Nhà nước sẽ khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;
– Có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng;
– Buộc người bị phạt tù phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện;
– Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.
Như vậy, theo quy định của pháp luật về nguyên tắc xử lý người phạm tội, thì người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt phải được nghiêm trị. Tức với hành vi vi phạm có tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt, người phạm tội sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt cao hơn (độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này tùy thuộc vào tính chất, mức độ xảo quyệt, tàn ác của thủ đoạn mà kẻ phạm tội đã thực hiện; thủ đoạn càng nham hiểm tinh vi, tàn nhẫn bao nhiêu thì mức tăng nặng càng nhiều và ngược lại).
3. Ví dụ về các trường hợp dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội:
– Ví dụ 1:
Anh Nguyễn Văn B (38 tuổi), thường trú tại Nam Định. Anh B là công nhân. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, do dịch covid 19 bùng phát, anh B không có việc làm. Không có thu nhập, nên anh B rơi vào tình cảnh túng quẫn, nghĩ mọi cách để kiếm được tiền. Để ý nhà hàng xóm là anh Trần Văn N (30 tuổi), làm kỹ sư xây dựng rất giàu có, nên anh nảy sinh ý định đột nhập vào nhà anh N để trộm cắp tài sản. Anh B đã tìm hiểu kỹ về thời gian anh N ở nhà, và ngầm xác định đến 21 giờ đêm anh N mới có mặt ở nhà. 19 giờ ngày 7 tháng 11 năm 2020, anh B cạy cửa vào nhà anh N, cạy két sắt để lấy tiền. Anh B lấy được tổng cộng 500 triệu đồng trong két sắt. Đang định bỏ chạy thì nghe thấy tiếng anh N mở cổng về. Sợ bị phát hiện, trong lúc lúng túng, anh B đã nảy ra suy nghĩ đốt nhà anh N để thiêu rụi nhân chứng và vật chứng. Nghĩ là làm, anh B lấy thùng xăng anh N để trong bếp, tẩm và đốt. Sau khi phóng hỏa xong, anh B chạy trốn cùng số tiền. Hậu quả là khiến anh N chết. Sau một thời gian điều tra, anh B bị bắt. Trong quá trình điều tra, anh B thành thật khai báo hành vi của mình, và anh bị quy về tội trộm cắp tài sản và tội giết người với tình tiết tăng nặng là dùng thủ đoạn tàn ác để phạm tội.
– Ví dụ 2:
Anh Trần Văn M (25 tuổi), thường trú tại Ninh Bình, có quan hệ tình cảm với chị Nguyễn Minh C (23 tuổi) cùng quê. Hai người yêu nhau được 3 năm. Đến đầu năm 2022, do anh M thường xuyên nhậu nhẹt, chơi bời, không tu chí làm ăn, nên chị C quyết định chia tay. Không đồng ý quyết định chia tay của chị C, M thường xuyên tìm đến nhà trọ của C để làm phiền. Ngày 23 tháng 3 năm 2022, M đến nhà trọ của C, sau đó thực hiện hành vi cưỡng hiếp C. Chị C chống cự mạnh mẽ, và nói sẽ đi khai báo công an. Tức giận, sau khi thực hiện hành vi hiếp dâm nạn nhân, M đã đánh chết chị C và bỏ trốn. Trần Văn M bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với tình tiết tăng nặng là dùng thủ đoạn độc ác để phạm tội.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự 2015.