Hạn mức sử dụng đất là mức giới hạn diện tích đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng khi công nhận quyền sử dụng đất, giao quyền sử dụng đất cho người dân. Dưới đây là bài phân tích về tin vui tăng hạn điền, tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về hạn mức sử dụng đất:
Hạn mức sử dụng đất là khái niệm quen thuộc mà ta thường được nghe trong thực tiễn quản lý và sử dụng đất đai. Hiểu một cách đơn giản, hạn mức sử dụng đất là mức giới hạn diện tích đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng khi công nhận quyền sử dụng đất, giao quyền sử dụng đất cho người dân.
Quỹ đất của Nhà nước là có giới hạn, và đất đai được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Do đó, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở cho người dân, Nhà nước luôn đưa ra quy định về hạn mức sử dụng đất.
Ở từng địa phương, hạn mức đất mà Nhà nước quy định là khác nhau. Theo đó, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, Nhà nước sẽ căn cứ vào hạn mức đất để thực hiện. Nhiều câu hỏi được đặt ra, là khi Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, thì phần diện tích đất chỉ được nằm trong khuôn khổ hạn mức, hay có được hơn không? Câu trả lời là có.
– Liên quan đến đất đai, có hai loại hạn mức: Hạn mức công nhận đất và hạn mức giao đất.
+ Ta có thể hiểu, hạn mức công nhận đất là mức giới hạn diện tích đất đai được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng để trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định.
+ Hạn mức giao đất là mức giới hạn diện tích đất ở Nhà nước giao đất cho người dân thông qua quyết định giao đất.
– Hạn mức đất có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng đối với thực tiễn sử dụng đất của người dân, cũng như công tác quản lý đất đai của cơ quan Nhà nước. Cụ thể như sau:
+ Ở từng tỉnh thành, phần hạn mức đất mà Nhà nước quy định là khác nhau. Lúc này, quy định về hạn mức đất chính là cơ sở, căn cứ để người sử dụng đất dựa vào, xác định xem đất của mình có nằm trong hạn mức đất hay không. Hoặc trong trường hợp muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân cũng dựa vào hạn mức đất để xác định xem tổng diện tích đất mà Nhà nước cho phép cấp.
+ Hạn mức đất mà Nhà nước đưa ra là cơ sở, căn cứ để cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý hoạt động sử dụng đất đai của người dân. Hạn mức mà Nhà nước đưa ra là “hàng rào” để diện tích đất ở được sử dụng đạt ở ngưỡng quản lý được, tránh trường hợp lãng phí, lạm phát.
2. Vấn đề tăng hạn điền, tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp trong Dự thảo luật hiện nay:
Điều 170 Luật dự thảo đất đai quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp như sau:
– Đối với cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
+ Đối đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hạn mức giao đất tối đa không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất.
+ Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, hạn mức giao đất không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất.
– Đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng, hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho cá nhân không quá 10 héc ta. Đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi, hạn mức giao đất tối đa không quá 30 héc ta.
– Nhà nước quy định hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất sau: Đất rừng phòng hộ; Đất rừng sản xuất.
– Đối với trường hợp cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 héc ta.
Đối với trường hợp cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
Đối với trường hợp cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 héc ta.
– Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không quá hạn mức giao đất quy định nêu trên và không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Hạn mức giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng cho cá nhân được thực hiện theo quy định đối với các loại đất nêu trên.
Một điểm cần lưu ý rằng, đối với diện tích đất nông nghiệp của cá nhân đang sử dụng ngoài xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì cá nhân được tiếp tục sử dụng, nếu là đất được giao không thu tiền sử dụng đất thì được tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, cơ quan quản lý đất đai nơi đã giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất cho cá nhân gửi thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó đăng ký hộ khẩu thường trú để tính hạn mức giao đất nông nghiệp.
– Điều 171 dự thảo
+ Đối với cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất trồng cây lâu năm, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân.
+ Việc xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối phải căn cứ vào các yếu tố sau đây: Điều kiện đất đai và công nghệ sản xuất; Chuyển dịch lực lượng lao động, cơ cấu kinh tế; quá trình đô thị hóa.
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
– Một vấn đề cần lưu ý rằng các cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải sử dụng đúng mục đích, trường hợp chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Từ nội dung phân tích ở trên, có thể thấy, theo quy định của dự thảo Luật đất đai, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, luật đã tăng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân thêm 1,5 lần so với hiện nay.
3. Ý nghĩa của dự thảo tăng hạn điền, tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp:
Dự thảo tăng hạn điền, tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp là tin vui với các cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp.
Nhà nước ra quy định tăng hạn điền, tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp đồng nghĩa với việc quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân được tăng cao. Lúc này, người dân sẽ có thêm hạn mức diện tích đất để canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Tăng hạn điền, tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp là cơ sở nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp. Xa hơn là hướng đến sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, tất cả những thông tin nêu trên mới chỉ mang tính chất dự thảo. Tức nó còn phụ thuộc vào sự xem xét, thẩm định của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nếu tính khả thi và tiện ích của nó được đảm bảo, thì Nhà nước sẽ đưa ra quyết định áp dụng. Lúc này, cơ quan Nhà nước và người sử dụng đất sẽ dựa vào thông tin này để đưa ra phương hướng quản lý và sử dụng đất nông nghiệp sao cho phù hợp nhất. Chắc chắn, nếu dự thảo trên được phê duyệt, thì đây sẽ là tin vui cho người sử dụng đất nông nghiệp.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Dự thảo Luật đất đai 2023.