Sự kiện pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ đăng ký thuế GTGT là sự ra đời, thay đổi hoặc chấm dứt của chủ thể kinh doanh.
1. Đăng ký thuế và cấp mã số thuế
Sự kiện pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ đăng ký thuế GTGT là sự ra đời, thay đổi hoặc chấm dứt của chủ thể kinh doanh. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ này được xác định kể từ ngày đối tượng nộp thuế được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là thời điểm để tính thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế. Việc đăng ký thuế phải tuân thủ theo những trình tự thủ tục nhất định gọi là quy trình đăng ký thuế. Kết quả của đăng ký thuế là mỗi đối tượng nộp thuế được cấp một mã số thuế. Mã số thuế là cơ sở pháp lý để nhận diện người nộp thuế, là điều kiện thiết yếu về phương diện pháp lý để quản lý và thực hiện thuế GTGT. Đối với đối tượng nộp thuế phải sử dụng mã số thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác có liên quan đến thuế vì vậy phải ghi mã số thuế trên mọi giấy tờ giao dịch, hợp đồng kinh tế, chứng từ nộp thuế. Các đơn vị được sử dụng hoá đơn tự in phải in sẵn mã số của mình vào từng tờ hoá đơn.
Đối với cơ quan thuế phải có trách nhiệm sử dụng mã số thuế của đối tượng nộp thuế để quản lý đối tượng nộp thuế, theo dõi số liệu nộp thuế và ghi mã số đối tượng nộp thuế trên mọi giấy tờ giao dịch với đối tượng nộp thuế như: thông báo nộp thuế, thông báo phạt, lệnh thu, các quyết định phạt hành chính thuế, biên bản kiểm tra về thuế.
2. Kê khai thuế GTGT
Mỗi chủ thể khi tham gia đăng ký nộp thuế GTGT với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp mã số thuế thì đều phải thực hiện việc kê khai thuế theo quy định của pháp luật.
Kê khai thuế là việc khai báo tất cả những nghiệp vụ chịu thuế phát sinh trong kỳ (tháng, quý hoặc năm), số thuế GTGT đã trả khi mua hàng, số thuế GTGT thu được khi bán hàng, số thuế GTGT đã nộp, số thuế GTGT phải nộp trong kỳ cho cơ quan thuế.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Việc kê khai thuế được tiến hành theo mẫu tờ khai thuế. Người có nghĩa vụ kê khai thuế căn cứ vào các dữ liệu trên tờ khai thuế thực hiện hành vi kê khai, chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai và nộp tờ khai cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi lập xong tờ khai thuế phải nộp tờ khai cho cơ quan thuế. Sau khi tính số thuế phải nộp cho đối tượng nộp thuế, cơ quan thuế mới ra thông báo nộp thuế gửi cho các đối tượng nộp thuế. Việc kiểm tra tính đúng đắn của kê khai thuế xảy ra trước thời điểm nộp thuế. Việc sai sót trong việc tính số thuế phải nộp thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế.
3. Nộp thuế GTGT
Nộp thuế GTGT là việc người cung cấp hàng hoá, dịch vụ chuyển thuế đã thu hộ Nhà nước do người tiêu dùng trả thông qua cơ chế giá khi mua hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế GTGT vào kho bạc Nhà nước. Đây là nghĩa vụ cơ bản nhất của mỗi đối tượng nộp thuế.
4. Quyết toán thuế
Với cơ chế tự đăng ký, tự kê khai, tự tính và nộp thuế việc quyết toán thuế hàng năm của cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế là hết sức cần thiết. Thuế GTGT là thuế gián thu được đánh trên tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng theo phương pháp khấu trừ thì nghĩa vụ quyết toán thuế phải được tính toán một cách chặt chẽ nhằm xác định đủ, chính xác số thuế nộp vào ngân sách nhà nước một cách kịp thời, tránh hiện tượng chiếm giữ số thuế GTGT thu được phục vụ lợi ích riêng của doanh nghiệp.