Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
1.Khái niệm doanh nghiệp tư nhân.
Nói đến doanh nghiệp, ta có thể hiểu doanh nghiệp là một khái niệm rộng, bao hàm những khái niệm hẹp hơn như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, … Ngoài những điểm chung của doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân còn có những nét đặc thù nhất định, mà qua đó, ta có thể phân biệt được doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp khác. Việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để có thể khẳng định được vị trí và vai trò của doanh nghiệp tư nhân bên cạnh các loại hình doanh nghiệp khác. Điều 141 Luật doanh nghiệp năm 2005 đã đưa ra khái niệm về doanh nghiệp cá nhân như sau: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp; Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào; Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân”.
2.Chế độ chịu trách nhiệm tài sản trong kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
Một trong những đặc điểm đặc biệt của doanh nghiệp tư nhân chính là việc doanh nghiệp này chỉ có một người duy nhất làm chủ sở hữu. Chủ doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, do đó họ hoàn toàn có quyền tự quyết định đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, lợi nhuận mang lại. Theo điều 141 Luật doanh nghiệp năm 2005, chủ doanh nghiệp tư nhân phải “tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Nói cách khác, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Tài sản của một doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân không có sự tách biệt. Khi thành lập một doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn ban đầu của doanh nghiệp xuất phát từ tài sản của chủ doanh nghiệp, do chủ doanh nghiệp tư nhân tự khai báo với cơ quan đăng kí kinh doanh. Nhưng nguồn vốn này không hẳn là được cố định mãi mãi. Sẽ luôn luôn có sự thay đổi về nguồn vốn trong doanh nghiệp tư nhân, do đó việc xác định chính xác tài sản của doanh nghiệp tư nhân là bao nhiêu, của chủ doanh nghiệp là bao nhiêu là một bài toán khó, không có lời giải. Cũng từ lí do đó nên chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
- Ưu điểm.
Doanh nghiệp tư nhân chỉ do một người làm chủ, và người đó phải chịu trách nhiệm vô hạn nhưng việc công ty được quản lý bởi một người duy nhất sẽ tạo được sự thống nhất cho doanh nghiệp, việc quản lý và điều hành cũng sẽ dễ dàng hơn. Cũng phải công nhận chính chế độ trách nhiệm vô hạn này có thể tạo được lòng tin, sự yên tâm của khách hành và đối tác hơn các loại hình doanh nghiệp hữu hạn. Đây thực sự là một lợi thế lớn của doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, cũng vì đặc điểm này mà doanh nghiệp ít phải chịu sự ràng buộc chặt chẽ đối với với pháp luật như tài chính, kế toán nếu so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác
- Nhược điểm
Ngoài những ưu điểm kể trên, không thể không kể đến những nhược điểm của chế độ trách nhiệm vô hạn. Việc một người duy nhất làm chủ doanh nghiệp thì cũng đồng nghĩa với việc người đó phải chịu mọi rủi ro ktrong kinh doanh của doanh nghiệp mà không thể yêu cầu người khác chịu cùng. Điều này được thể hiện bằng việc nếu như doanh nghiệp có gặp thua lỗ, số vốn ban đầu không đủ để có thể chi trả thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải dùng chính tài sản của mình để bù đắp thua lỗ. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp khác. Ví dụ: với công ty TNHH, khi có thua lỗ, thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty trong phạm vi số tiền mà họ đã bỏ ra để góp vốn. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp tư nhân luôn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ khoản thua lỗ của doanh nghiệp bằng tất cả tài sản của mình nếu như số vốn ban đầu tư ban đầu không đủ để trả nợ. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu một doanh nghiệp tư nhân không thể trả nợ, rơi vào tình trạng phá sản thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ được coi là thuộc phần tài sản bị phá sản của doanh nghiệp. Nói cách khác, một khi doanh nghiệp phá sản thì chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ hoàn toàn tay trắng, khó có khả năng làm lại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Có lẽ chính vì lí do này mà pháp luật đã quy định chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được thành lập duy nhất một doanh nghiệp tư nhân và cho đến khi doanh nghiệp ấy còn tồn tại thì chủ doanh nghiệp không được thành lập them một doanh nghiệp tư nhân khác. Quy định này đặt ra là vô cùng thiết thực. Đặt vấn đề rằng nếu chủ doanh nghiệp có hai doanh nghiệp tư nhân thì sao? Như đã nói trên, tài sản của doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp là không có ranh giới nhất định. Việc doanh nghiệp tư nhân thứ nhất của người này bị phá sản thì đồng nghĩa với việc tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân phá sản. Như vậy có nghĩa là doanh nghiệp tư nhân thứ hai của người cũng sẽ bị phá sản theo doanh nghiệp tư nhân thứ nhất. Đặt ra quy định này là đễ loại trừ những trường hợp đáng tiếc xảy ra cho chủ doanh nghiệp.
Xem thêm: Doanh nghiệp tư nhân là gì? Quy định mới nhất về loại hình doanh nghiệp tư nhân?
Chế độ chịu trách nhiệm tài sản trong kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một trong những đặc điểm đặc biệt nhất của doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ đặc điểm này, doanh nghiệp tư nhân cũng có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Vì thế, để lựa chọn loại hình doanh nghiệp này, chủ doanh nghiệp nên tìm hiểu và cân nhắc thật kĩ lưỡng để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.
Xem thêm: Ưu nhược điểm của trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn trong kinh doanh