Ưu và nhược điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân? Chế độ chịu trách nhiệm tài sản trong kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân? Quy định mới nhất về loại hình doanh nghiệp tư nhân?
Mục lục bài viết
- 1 1. Chế độ chịu trách nhiệm tài sản trong kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân:
- 2 2. Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân
- 3 3. Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân:
- 4 4. Đặc điểm pháp lý riêng biệt của doanh nghiệp tư nhân:
- 5 5. Những ưu thế và hạn chế của Doanh nghiệp tư nhân so với Công ty hợp danh:
- 6 6. Bản chất pháp lý của doanh nghiệp tư nhân:
1. Chế độ chịu trách nhiệm tài sản trong kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân:
Một trong những đặc điểm đặc biệt của doanh nghiệp tư nhân chính là việc doanh nghiệp này chỉ có một người duy nhất làm chủ sở hữu. Chủ doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, do đó họ hoàn toàn có quyền tự quyết định đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, lợi nhuận mang lại. Theo điều 141
Tài sản của một doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân không có sự tách biệt. Khi thành lập một doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn ban đầu của doanh nghiệp xuất phát từ tài sản của chủ doanh nghiệp, do chủ doanh nghiệp tư nhân tự khai báo với cơ quan đăng kí kinh doanh. Nhưng nguồn vốn này không hẳn là được cố định mãi mãi. Sẽ luôn luôn có sự thay đổi về nguồn vốn trong doanh nghiệp tư nhân, do đó việc xác định chính xác tài sản của doanh nghiệp tư nhân là bao nhiêu, của chủ doanh nghiệp là bao nhiêu là một bài toán khó, không có lời giải. Cũng từ lí do đó nên chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
2. Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân chỉ do một người làm chủ, và người đó phải chịu trách nhiệm vô hạn nhưng việc công ty được quản lý bởi một người duy nhất sẽ tạo được sự thống nhất cho doanh nghiệp, việc quản lý và điều hành cũng sẽ dễ dàng hơn. Cũng phải công nhận chính chế độ trách nhiệm vô hạn này có thể tạo được lòng tin, sự yên tâm của khách hành và đối tác hơn các loại hình doanh nghiệp hữu hạn. Đây thực sự là một lợi thế lớn của doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, cũng vì đặc điểm này mà doanh nghiệp ít phải chịu sự ràng buộc chặt chẽ đối với với pháp luật như tài chính, kế toán nếu so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác
3. Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân:
Ngoài những ưu điểm kể trên, không thể không kể đến những nhược điểm của chế độ trách nhiệm vô hạn. Việc một người duy nhất làm chủ doanh nghiệp thì cũng đồng nghĩa với việc người đó phải chịu mọi rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp mà không thể yêu cầu người khác chịu cùng. Điều này được thể hiện bằng việc nếu như doanh nghiệp có gặp thua lỗ, số vốn ban đầu không đủ để có thể chi trả thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải dùng chính tài sản của mình để bù đắp thua lỗ. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp khác. Ví dụ: với công ty TNHH, khi có thua lỗ, thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty trong phạm vi số tiền mà họ đã bỏ ra để góp vốn. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp tư nhân luôn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ khoản thua lỗ của doanh nghiệp bằng tất cả tài sản của mình nếu như số vốn ban đầu tư ban đầu không đủ để trả nợ. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu một doanh nghiệp tư nhân không thể trả nợ, rơi vào tình trạng phá sản thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ được coi là thuộc phần tài sản bị phá sản của doanh nghiệp. Nói cách khác, một khi doanh nghiệp phá sản thì chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ hoàn toàn tay trắng, khó có khả năng làm lại.
Có lẽ chính vì lí do này mà pháp luật đã quy định chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được thành lập duy nhất một doanh nghiệp tư nhân và cho đến khi doanh nghiệp ấy còn tồn tại thì chủ doanh nghiệp không được thành lập thêm một doanh nghiệp tư nhân khác. Quy định này đặt ra là vô cùng thiết thực. Đặt vấn đề rằng nếu chủ doanh nghiệp có hai doanh nghiệp tư nhân thì sao? Như đã nói trên, tài sản của doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp là không có ranh giới nhất định. Việc doanh nghiệp tư nhân thứ nhất của người này bị phá sản thì đồng nghĩa với việc tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân phá sản. Như vậy có nghĩa là doanh nghiệp tư nhân thứ hai của người cũng sẽ bị phá sản theo doanh nghiệp tư nhân thứ nhất. Đặt ra quy định này là để loại trừ những trường hợp đáng tiếc xảy ra cho chủ doanh nghiệp.
Chế độ chịu trách nhiệm tài sản trong kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một trong những đặc điểm đặc biệt nhất của doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ đặc điểm này, doanh nghiệp tư nhân cũng có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Vì thế, để lựa chọn loại hình doanh nghiệp này, chủ doanh nghiệp nên tìm hiểu và cân nhắc thật kĩ lưỡng để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.
4. Đặc điểm pháp lý riêng biệt của doanh nghiệp tư nhân:
Là một trong năm loại hình doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm chung cũng như có những điểm phân biệt với các loại hình doanh nghiệp khác. Rõ nét nhất là doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân làm chủ. Khoản 1 Điều 141 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ”. Doanh nghiệp tư nhân được xếp vào nhóm doanh nghiệp một chủ sở hữu, tuy nhiên loại hình doanh nghiệp này có nét khác biệt là chỉ do một cá nhân duy nhất làm chủ sở hữu. Như vậy, trong doanh nghiệp tư nhân không có sự góp vốn giống như ở các công ti nhiều chủ sở hữu, nguồn vốn của doanh nghiệp cũng chủ yếu xuất phát từ tài sản của một cá nhân duy nhất. Với đặc điểm pháp lí “một chủ sở hữu” của doanh nghiệp tư nhân có thể phân biệt với các loại hình khác về quan hệ sở hữu vốn, quan hệ sở hữu quyết định quan hệ quản lí, về phân phối lợi nhuận.
Về quan hệ sở hữu vốn trong doanh nghiệp.
Điều 142 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định “Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản… Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh”. Nguồn vốn ban đầu của doanh nghiệp tư nhân xuất phát chủ yếu từ tài sản cá nhân, phần vốn này phải được khai báo và được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán của doanh nghiệp. Như vậy, cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ đưa vào kinh doanh một số vốn nhất định trong khối tài sản thuộc sở hữu của cá nhân mình và về nguyên tắc, tài sản đưa vào kinh doanh đó là tài sản của doanh nghiệp tư nhân. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 142 Luật doanh nghiệp năm 2020. Từ đó ta thấy hầu như không có giới hạn nào giữa phần vốn và tài sản đưa vào kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân và phần tài sản còn lại. Trong các thời điểm khác nhau, ranh giới giữ phần tài sản và vốn đưa vào kinh doanh với phần tài sản còn lại của chủ doanh nghiệp chỉ tồn tại một cách tạm thời, không có sự phân biệt rõ ràng giữa hai phần tài sản này. Điều này có ý nghĩa trong việc nhận định về khối tài sản của doanh nghiệp tư nhân.
Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ quản lí.
Với đặc điểm “một chủ sở hữu” thì cá nhân có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân theo khoản 1 Điều 143 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định. Một ưu điểm trong loại hình doanh nghiệp nayì là chủ doanh nghiệp không phải chia sẻ quyền quản lý doanh nghiệp với bất kì đối tượng nào khác. Chủ doanh nghiệp có quyền quyết định đối với tài sản, tổ chức quản lí doanh nghiệp sao cho hiệu quả nhất. Chủ doanh nghiệp có thể tự mình quản lí hoặc thuê người quản lí theo khoản 2 Điều 143 Luật doanh nghiệp năm 2020. Bên cạnh đó chủ thể doanh nghiệp tư nhân có thể bán hay cho thuê doanh nghiệp theo quy định tại Điều 144, 145 Luật doanh nghiệp năm 2020. Trong trường hợp thuê người quản lí thì chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và bên thứ ba đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phân phối lợi nhuận
Do đặc điểm một chủ sở hữu, vấn đề phân chia lợi nhuận không đặt ra đối với doanh nghiệp tư nhân. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh sẽ được thuộc về một mình chủ doanh nghiệp, sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước và các bên thứ ba. Người được thuê điều hành doanh nghiệp cũng không có quyền đòi hỏi một số % nào từ lợi nhuận ngoài những điều khoản hợp đồng đã kí giữa hai bên. Đây là ưu điểm của loại hình doanh nghiệp này, tuy nhiên đây cũng là hạn chế lớn nếu rủi ro xảy ra thì chủ doanh nghiệp sẽ là cá nhân duy nhất có nghĩa vụ chịu rủi ro. Đó cũng là nguyên nhân khiến không ít các nhà đầu tư không muốn kinh doanh dưới loại hình doanh nghiệp tư nhân.
5. Những ưu thế và hạn chế của Doanh nghiệp tư nhân so với Công ty hợp danh:
Pháp luật hiện hành thừa nhận quyền thành lập doanh nghiệp của các tổ chức và cá nhân, đồng thời cũng thừa nhận nhiều loại hình doanh nghiệp để các chủ thể có nhu cầu tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp như: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) có từ hai thành viên trở lên, công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có khả năng mang lại cho nhà đầu tư những lợi thế và hạn chế nhất định. Xét trên khía cạnh rủi ro thì doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được xem là hai mô hình đem đến cho nhà đầu tư rủi ro nhiều nhất bởi tính chịu trách nhiệm tài sản vô hạn đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà hai mô hình này kém sức hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt thì trách nhiệm vô hạn dường như lại là một ưu thế lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và chính những đặc điểm pháp lý đã tạo ra những ưu thế và nhược điểm của DNTN so với công ty hợp danh.
Ưu thế:
– Kiểm soát được rủi ro trong điều kiện chỉ 1 người làm đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
– Dễ dàng trong việc đưa ra các quyết định đầu tư lớn do doanh nghiệp tư nhân chỉ có 1 chủ sở hữu duy nhất và người này là người duy nhất có quyền quyết định các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hạn chế:
– Không có sự liên kết góp vốn, đáp ứng ngay nhu cầu cần có vốn lớn để kinh doanh.
– Dễ xảy ra quyết định độc đoán, thiếu tính khách quan trong hoạt động kinh doanh của chủ DNTN còn Công ty hợp danh có nhiều thành viên tham gia nên có sự tập trung trí tuệ của nhiều thành viên tham gia quản lý điều hành.
– Không tách bạch được tài sản riêng của chủ DNTN với tài sản của doanh nghiệp.
– DNTN không có tư cách pháp nhân, điều này cũng là một nhược điểm khá lớn. Bởi không phải nghiễm nhiên mà pháp luật lại trao tư cách pháp nhân cho một tổ chức để hoạt động trên thực tế. Tư cách pháp nhân sẽ giúp cho công ty hợp danh dễ tạo lòng tin trước khách hàng khi giao dịch bởi nó có sự tách bạch về tài sản và khả năng chịu trách nhiệm cao hơn khi có rủi ro xảy ra.
6. Bản chất pháp lý của doanh nghiệp tư nhân:
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là một loại hình doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật doanh nghiệp năm 2020, theo Điều 141 “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Bên cạnh những dấu hiệu chung để nhận biết một doanh nghiệp: có tài sản riêng, có tên gọi riêng, trụ sở, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; và về nguyên tắc doanh nghiệp tư nhân cũng bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác về các quyền và nghĩa vụ trong kinh doanh thì doanh nghiệp tư nhân có những nét rất đặc thù mà thông qua đó có thể phân biệt được doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác.
* Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp (DN) do một cá nhân làm chủ.
Trong doanh nghiệp tư nhân không xuất hiện sự góp vốn giống như các công ty nhiều chủ sở hữu mà nguồn vốn của doanh nghiệp xuất phát từ một cá nhân duy nhất. Đặc điểm này tạo cho doanh nghiệp tư nhân một số đặc trưng:
– Về quan hệ sở hữu vốn của doanh nghiệp: nguồn vốn ban đầu của DNTN chủ yếu xuất phát từ tài sản cá nhân chủ DN. Phần vốn này sẽ do chủ DN khai báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và được ghi chép đầy đủ vào sổ sách kế toán của DN. Trong quá trình hoạt động chủ DNTN có thể tăng giảm vốn đầu tư theo ý mình mà không phải khai báo với cơ quan đăng ký kinh doanh trừ khi giảm vốn xuống dưới mức đã đăng ký ban đầu.
– Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ quản lý: DNTN chỉ có 1 chủ đầu tư duy nhất, vì vậy cá nhân có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của DN, chủ DNTN là đại diện theo pháp luật của DNTN. Một trong những ưu điểm của việc lựa chọn mô hình DNTN để kinh doanh đó là chủ DNTN không phải chia sẻ quyền quản lý DN với bất kỳ đối tượng nào khác. Chủ DN có quyền định đoạt đối với tài sản của DN cũng như có toàn quyền quyết định việc tổ chức quản lý DN để DN hoạt động có hiệu quả.
– Về việc phân phối lợi nhuận: Vấn đề phân chia lợi nhuận không áp dụng với DNTN, bởi DNTN chỉ có 1 chủ sở hữu và toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh sẽ thuộc về 1 mình chủ DN. Đây cũng là ưu điểm khi kinh doanh dưới hình thức 1 chủ.
– Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân: Theo như quy định tại Điều 84
– Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp (trách nhiệm vô hạn).Ở doanh nghiệp tư nhân, không có sự phân biệt tư cách pháp lý của chủ doanh nghiệp với chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp. Vì chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn nên tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Chính vì đặc trưng pháp lý cơ bản này mà bên cạnh những hạn chế do không có tư cách pháp nhân, DNTN còn phải chịu một số hạn chế khác như không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào và chủ DNTN chỉ được thành lập duy nhất một DNTN và cho đến khi nào DNTN đã được thành lập đó vẫn còn tồn tại thì cá nhân chủ DNTN không được thành lập thêm một DNTN nào khác.