Chiến tranh nhân dân hay còn gọi là chiến tranh toàn dân, là một khái niệm quan trọng trong lịch sử quân sự của Việt Nam. Xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu bài viết sau với chủ đề Tiểu luận Chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN để nhận thức được tầm quan trọng của Chiến tranh nhân dân trong bối cảnh nước ta hiện nay.
Mục lục bài viết
- 1 1. Những vấn đề chung về Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
- 1.1 1.1. Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là gì?
- 1.2 1.2. Mục tiêu của Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
- 1.3 1.3. Đối tượng tác chiến của Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
- 1.4 1.4. Tính chất, đặc điểm của Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
- 2 2. Quan điểm của Đảng ta trong Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
- 3 3. Một số biện pháp chính chuẩn bị cho Chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
1. Những vấn đề chung về Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
1.1. Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là gì?
Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là cuộc chiến tranh do toàn thể nhân dân Việt Nam tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lực lượng tiến hành chiến tranh là lực lượng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, bao gồm lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
Nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện ngày nay là sự kế thừa tinh hoa quân sự của lịch sử nhân loại, kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc, phát triển nghệ thuật chiến tranh nhân dân lên một trình độ mới với chất lượng cao hơn. Đó là nghệ thuật phát động toàn dân chung sức đánh giặc, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, đánh bằng mọi loại vũ khí, phương tiện hiện đại, đáp ứng với yêu cầu của chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Phương pháp tiến hành chiến tranh là kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp tác chiến bằng chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực.
1.2. Mục tiêu của Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
Mục tiêu là bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đó được Đảng ta xác định như sau:
- Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
- Bảo vệ Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
- Bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp, hóa hiện đại hóa đất nước.
- Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
- Bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa.
- Giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
1.3. Đối tượng tác chiến của Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
Đối tượng tác chiến: Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động có hành động phá hoại xâm lược lật đổ cách mạng. Hiện nay, chúng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” bạo loạn, lật đổ để xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta và sẵn sàng sử dụng lực lượng vũ trang, hành động quân sự can thiệp khi có thời cơ.
Âm mưu, thủ đoạn chủ yếu của kẻ thù khi xâm lược nước ta: Thực hiện đánh nhanh, thắng nhanh, kết hợp tiến công quân sự từ bên ngoài vào với hành động bạo loạn lật đổ từ bên trong, đồng thời dùng các biện pháp phi vũ trang để lừa bịp dư luận.
Những điểm mạnh, yếu của địch:
-
Điểm mạnh: Có ưu thế tuyệt đối về sức mạnh quân sự, kinh tế và tiềm lực khoa học công nghệ. Có thể kết cấu được với lực lượng phản động nội địa thực hiện trong đánh ra, ngoài đánh vào.
-
Điểm yếu: Đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa, chắc chắn bị nhân loại phản đối. Dân tộc ta có truyền thống yêu nước, chống xâm lược, chắc chắn sẽ làm chúng bị tổn thất nặng nề, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của địch. Địa hình thời tiết nước ta phức tạp khó khăn cho địch sử dụng phương tiện lực lượng.
1.4. Tính chất, đặc điểm của Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
Tính chất:
-
Là cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
-
Là cuộc chiến tranh chính nghĩa, tự vệ cách mạng, nhằm bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân và mọi thành quả của cách mạng.
-
Là cuộc chiến tranh mang tính hiện đại (hiện đại về vũ khí, trang bị, tri thức và nghệ thuật quân sự).
Đặc điểm:
-
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, ta tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc nhằm góp phần thực hiện những mục tiêu lớn của thời đại hòa bình độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Như vậy, ta phải thực hiện chiến tranh khẩn trương, quyết liệt, phức tạp ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh.
-
Trong cuộc chiến tranh, nhân dân ta phải bảo vệ được độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, dựa vào sức mình là chính nhưng đồng thời cũng cần có sự ủng hộ giúp đỡ của các dân tộc tiến bộ trên thế giới để tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh thắng chiến tranh xâm lược của kẻ thù.
-
Chiến tranh diễn ra khẩn trương, quyết liệt, phức tạp ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, địch sẽ thực hiện phương châm chiến lược đánh nhanh, giải quyết nhanh. Quy mô chiến tranh có thể lớn và ác liệt ngay từ đầu. Kết hợp tiến công hỏa lực với tiến công trên bộ, tiến công từ bên ngoài kết hợp với bạo loạn lật đổ ở bên trong và bao vây phong tỏa đường không, đường biển và đường bộ nhằm đạt được mục tiêu, chiến lược trong thời gian ngắn.
-
Hình thái đất nước phải được chuẩn bị sẵn sàng, thế trận quốc phòng an ninh nhân dân phải được củng cố vững chắc, có điều kiện để phát huy sức mạnh tổng hợp chủ động đánh địch ngay từ ngày đầu và lâu dài.
2. Quan điểm của Đảng ta trong Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
Thứ nhất, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, kết hợp tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực:
Vị trí:
-
Đây là quan điểm cơ bản xuyên suốt, thể hiện tính nhân dân sâu sắc.
-
Khẳng định đây là cuộc chiến tranh của nhân dân và vì nhân dân.
-
Là điều kiện để phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến tranh.
Nội dung:
-
Với tình hình mới này, ta vẫn phải “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều”. Đảng ta không chỉ dựa vào lực lượng vũ trang mà phải dựa vào sức mạnh của toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân đánh giặc.
-
Động viên toàn dân, trong đó lấy Bộ đội chủ lực gồm lực lượng vũ trang địa phương là nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trên chiến trường cả nước. Đánh bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, bằng những cách độc đáo, sáng tạo.
-
Tiến hành chiến tranh toàn dân đó là truyền thống của ông cha ta dân tộc ta từ ngàn xưa. Ngày nay, chúng ta phải kế thừa và phát huy truyền thống ấy lên một trình độ mới phù hợp với điều kiện mới.
Biện pháp thực hiện:
-
Tăng cường giáo dục quốc phòng cho mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ nói chung và sinh viên nói riêng.
-
Không ngừng chăm lo xây dựng các lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện nhất là chất lượng chính trị.
-
Không ngừng nghiên cứu nghệ thuật quân quân sự, nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây ở trên thế giới để phát triển nghệ thuật quân sự lương một tầm cao mới, cùng với đó là xây dựng các tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc.
Thứ hai, tiến hành chiến tranh toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa và tư tưởng, lấy đấu tranh quân sự là chủ yếu, lấy thắng lợi trên chiến trường là yếu tố quyết định để giành thắng lợi trong chiến tranh:
Vị trí:
Quan điểm trên có vai trò quan trọng, vừa mang tính chỉ đạo và hướng dẫn hành động cụ thể để giành thắng lợi trong chiến tranh.
Nội dung:
-
Đảng ta nhận định chiến tranh là một cuộc thử thách toàn diện đối với sức mạnh vật chất tinh thần của quốc gia nhưng chiến tranh của ta là một cuộc chiến tranh chính nghĩa, tự vệ cách mạng. Vì vậy, chúng ta phải đánh địch trên tất cả các mặt trận: Quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa và tư tưởng, phải phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của toàn dân.
-
Phải kết hợp chặt chẽ tất cả các mặt trận đấu tranh hỗ trợ cho nhau và tạo điều kiện cho đấu tranh quân sự giành thắng lợi trên chiến trường cùng với đấu tranh quân sự tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn giành thắng lợi cho cuộc chiến tranh.
-
Tình hình thế giới ngày nay diễn biến phức tạp và có những thay đổi sâu sắc. Đất nước đứng trước những thuận lợi mới và những thách thức mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng nỗ lực phấn đấu làm thất bại âm mưu và các mục tiêu chiến lược của địch, giành thắng lợi toàn diện cho chiến tranh.
Biện pháp thực hiện:
-
Đảng phải có đường lối chiến lược, sách lược đúng tạo thế và lực cho từng mặt trận đấu tranh tạo nên sức mạnh.
-
Phải vận dụng sáng tạo nhiều hình thức và biện pháp đấu tranh thích hợp trên từng mặt, đồng thời có nghệ thuật chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ các mặt trận đấu tranh trong từng giai đoạn cũng như quá trình phát triển của chiến tranh.
-
Song phải luôn quán triệt lấy đấu tranh quân sự là chủ yếu, lấy thắng lợi trên chiến trường là yếu tố quyết định để kết thúc chiến tranh, cũng như động viên sức mạnh của toàn dân tiến hành trên các mặt trận khi kẻ thù phát động chiến tranh xâm lược.
Thứ ba, chuẩn bị mọi mặt trên cả nước cũng như từng khu vực để đủ sức đánh được lâu dài, ra sức thu hẹp không gian, rút ngắn thời gian của chiến tranh giành thắng lợi càng sớm càng tốt:
Lý do là vì kẻ thù xâm lược nước ta là nước lớn, được trang bị vũ khí, kĩ thuật cao, có tiềm lực kinh tế quân sự lớn mạnh chúng sẽ thực hiện ưu thế để áp đảo ta. Quan điểm của Đảng là chúng ta phải chuẩn bị mọi mặt trên cả nước cũng như từng khu vực đủ sức đánh được lâu đài, ra sức tạo thời cơ, nắm vững thời cơ, chủ động đối phó và giành thắng lợi trong thời gian cần thiết. Trên cơ sở đó, chúng ta dồn sức để rút ngắn thời gian của chiến tranh, giành thắng lợi càng sớm càng tốt. Ta kiên quyết ngăn chặn địch không cho chúng mở rộng để thu hẹp không gian của chiến tranh. Kiên quyết không cho địch thực hiện được mục đích của chúng là “đánh nhanh, giải quyết nhanh” theo học thuyết “không – bộ – biển”. Mặt khác cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để thắng địch trong điều kiện chiến tranh mở rộng.
Thứ tư, kết hợp kháng chiến với xây dựng, vừa kháng chiến vừa xây dựng, ra sức sản xuất thực hành tiết kiệm giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng ta càng đánh càng mạnh:
Trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, muốn duy trì được sức mạnh để đánh thắng kẻ thù xâm lược, ta cần phải có tiềm lực kinh tế quân sự. Vì vậy ta phải vừa kháng chiến, vừa duy trì và đẩy mạnh sản xuất bảo đảm nhu cầu vật chất, kĩ thuật cho chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân. Ta phải thực hành tiết kiệm trong xây dựng và trong chiến tranh, lấy của địch đánh địch, giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng ta, không ngừng tăng thêm tiềm lực của chiến tranh, càng đánh càng mạnh.
Thứ năm, kết hợp đấu tranh quân sự với bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trấn áp kịp thời mọi âm mưu và hành động phá hoại gây bạo loạn:
Bởi vì hiện nay kẻ địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đồ để chống phá cách mạng nước ta, tăng cường đánh phá ta bằng nhiêu biện pháp, gây rối loạn, lật đổ hậu phương. Vì vậy, đi đôi với đấu tranh quân sự trên chiến trường, ta phải kịp thời trấn áp mọi âm mưu và hành động phá hoại của địch ở hậu phương, bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc hậu phương, giữ vững sự chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.
Thứ sáu, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới:
-
Cuộc chiến tranh xâm lược của địch là tàn bạo và vô nhân đạo, sẽ bị nhân dân tiến bộ trên thế giới phản đối.
-
Đoàn kết mở rộng quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới, kể cả nhân dân nước có quân xâm lược.
3. Một số biện pháp chính chuẩn bị cho Chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:
3.1. Xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt:
Xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt là cách tốt nhất để bảo vệ đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định lâu dài. Do đó:
-
Phải thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, không ngừng chăm lo đến đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, thực hiện tốt chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Đây chính là nền tảng vững chắc để động viên sức mạnh của toàn dân đánh giặc. Đồng thời, phải chủ động đề phòng và kiên quyết đẩy lùi các nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho dân tin Đảng, tin chính quyền, tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng được “thế trận lòng dân”.
-
Phải tăng cường giáo dục quốc phòng an ninh làm cho mọi người dân nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức được âm mưu, thủ đoạn của địch, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có kiến thức nhất định về quốc phòng – an ninh, quân sự.
-
Phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh ở tất cả các cấp, các ngành, trong mọi lĩnh vực.
-
Xây dựng các tổ chức Đảng chính quyền trong sạch, vững mạnh, giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy được vai trò và hiệu lực điều hành của chính quyền và quyền làm chủ của nhân dân.
-
Hoàn thành các kế hoạch động viên thời chiến: kế hoạch động viên kinh tế, động viên công nghiệp, động viên lực lượng vũ trang; tăng cường xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng các làng, xã vững mạnh toàn diện, khi chiến tranh xảy ra triển khai thành làng, xã chiến đấu.
-
Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đối với từng địa phương cơ sở phải hết sức chú ý xây dựng dân quân tự vệ, xây dựng và quản lý lực lượng dự bị, động viên mạnh về mọi mặt, đặc biệt chất lượng về chính trị.
3.2. Chuẩn bị đất nước sẵn sàng chống xâm lược:
Chuẩn bị về chính trị, tinh thần cho nhân dân:
Việc chuẩn bị về chính trị tinh thần cho nhân dân cần tập trung vào giáo dục chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam, làm cho nhân dân thấy rõ về tính chất chính nghĩa của ta, tính chất phi nghĩa của địch, các điểm yếu của vũ khí công nghệ cao, nâng cao lòng tin vào khả năng đánh thắng của ta để nhân dân sẵn sàng chịu đựng gian khổ hy sinh, bám trụ kiên cường, vừa chiến đấu vừa sản xuất. Đồng thời, huấn luyện cho nhân dân làm tốt các công tác phòng thủ dân sự để nhân dân tự bảo vệ tính mạng tài sản của mình. Trong thời bình hiện nay cần gắn nội dung phòng tránh, sơ tán cho nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể trong diễn tập tác chiến trị an của xã, phường, diễn tập khu vực phòng thủ của huyện, tỉnh.
Chuẩn bị về kinh tế:
Chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng chuyển mọi hoạt động về kinh tế của địa phương theo yêu cầu của chiến tranh, duy trì phát triển sản xuất vừa đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân vừa đáp ứng theo yêu cầu cần chiến tranh. Có kế hoạch dự trữ các loại nguyên liệu, nhiên liệu,…
Chuẩn bị lực lượng vũ trang:
Phải chuẩn bị toàn diện nhưng đối với địa phương, cơ sở cần tập trung vào chuẩn bị phát triển lực lượng vũ trang (dân quân tự vệ) theo yêu cầu thời chiến, tổ chức quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ động viên quân dự bị bảo đảm đúng, đủ, bí mật, an toàn; chuẩn bị vật chất kỹ thuật bảo đảm cho các lực lượng chiến đấu.
3.3. Chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến:
Yêu cầu:
-
Phải nắm bắt được âm mưu và diễn biến hành động của địch; chuyển đất nước, chuyển địa phương sang thời chiến chính xác, kịp thời, bảo đảm hạn chế thấp nhất tổn thất trong thời gian đầu chiến tranh, nhanh chóng tăng cường sức mạnh trên từng địa phương, góp phần tạo sức mạnh của cả nước để sẵn sàng đối phó với các tình huống chiến tranh.
-
Chuyển đất nước và địa phương sang thời chiến phải rất khẩn trương, bảo đảm bí mật, an toàn, trên cơ sở chuẩn bị tốt từ thời bình để trong một thời gian ngắn phải phát triển lực lượng, triển khai thế trận,… Các địa phương phải hoàn thành các chỉ tiêu động viên trước khi chiến tranh xảy ra có vậy mới đáp ứng yêu cầu chiến tranh.
Nội dung chuyển đất nước, chuyển địa phương sang thời chiến:
-
Chuyển hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền sau hoạt động ở trạng thái thời chiến để bảo đảm thường xuyên, liên tục lãnh đạo điều hành chiến tranh và mọi hoạt động của xã hội.
-
Chuyển lực lượng vũ trang sang thời chiến. Đối với địa phương, cơ sở là chuyển lực lượng dân quân tự vệ và phương tiện kỹ thuật bổ sung cho lực lượng bộ đội thường trực và mở rộng lực dân quân tự vệ sang trạng thái thời chiến, bảo đảm cho dân quân tự vệ kịp thời đánh địch bảo vệ xóm làng.
-
Chuyển mọi hoạt động về kinh tế sang thời chiến, bảo đảm cao nhất nhu cầu chiến đấu của nhân dân và lực lượng vũ trang, đồng thời bảo đảm ổn định đời sống cho nhân dân.
Phương pháp chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến:
Đối với cả nước phải chuyển từng ngành, từng bộ phận, từng khu vực đến chuyển toàn bộ. Đối với từng địa phương cơ sở, chuyển toàn bộ cùng lúc. Trong quá trình chuyển sang thời chiến, cần phải có biện pháp lãnh đạo tốt để ổn định tinh thần, tâm lý và đời sống của nhân dân.
THAM KHẢO THÊM: