Tiêu chuẩn sức khỏe để dự thi vào trường Quân y. Tiêu chuẩn tham dự tuyển sinh vào khối các trường trong quân đội. Quy định khám sức khỏe để dự thi vào quân đội.
Hình ảnh Bộ đội cụ Hồ đã trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam về những người chiến sĩ của dân, do dân, vì dân. Được cầm súng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, tiếp nối truyền thống dựng và giữ nước ngàn đời của ông cha, thật là niềm tự hào lớn. Chính vì lẽ đó mà việc thi đỗ các trường đại học quân đội luôn là niềm mơ ước, động lực phấn đấu của biết bao tầng lớp thế hệ trẻ khi sắp bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Cũng chính vì lẽ đó nên việc thi đỗ vào các trường quân đội luôn có những điều kiện hết sức chặt chẽ không chỉ về điểm số bài thi mà còn về tiêu chuẩn sức khỏe, hình thể. Vậy những quy định và điều kiện này là gì? Bài viết dưới đây của Luật Dương gia sẽ giúp bạn đọc giải đáp những vướng mắc này.
1. Cơ sở pháp lý:
Thông tư 17/2016/TT-BQP được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 42/2017/TT-BQP
2. Giải quyết vấn đề:
Thứ nhất, quy định chung về điều kiện xét tuyển dự thi vào các trường quân đội:
Hàng năm, Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) sẽ ban hành hướng dẫn đăng ký sơ tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp quân sự và đăng ký dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.Theo đó, các thí sinh muốn dự thi vào các trường quân đội phải có đủ các điều kiện về sức khỏe, mỗi trường sẽ có quy định riêng, thí sinh nam và thí sinh nữ cũng có tiêu chuẩn về sức khỏe riêng. Tuy nhiên việc xét tuyển theo tiêu chí sức khỏe phải đáp ứng được các yếu tố cơ bản sau:
+ Thí sinh ngoài quân đội phải nằm trong độ tuổi từ 17 đến 21, quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ công an nhân dân phải từ 18 đến 23 tuổi.
+Các trường quân đội chỉ tuyển chọn thí sinh đạt sức khỏe loại 1 và 2 ở các tiêu chí sau:Nội khoa ; Ngoại khoa; Tâm thần kinh; Da liễu; Tai – mũi – họng; Mắt;Răng – hàm – mặt.
Khoản 1 Điều 16 Thông tư 17/2016/TT-BQP được sửa đổi tại Thông tư 42/2017/TT-BQP quy định tiêu chuẩn về sức khỏe đối với thí sinh dự thi các trường quân đội như sau:
“Điều 16. Tiêu chuẩn về sức khỏe
1. Tuyển chọn thí sinh (cả nam và nữ) đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP) về các chỉ tiêu: Nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa, da liễu, mắt (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng), tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt, vòng ngực.”
Tiêu chuẩn về sức khỏe của thí sinh đăng ký dự thi vào trường quân đội sẽ thực hiện theo
Thứ hai, quy định về bảng phân loại sức khỏe mức mức độ sức khỏe:
+ Mức độ sức khỏe được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự
Theo tiêu chuẩn sức khỏe tại Bảng số 1, Bảng số 2 và Bảng số 3 và được chia ra làm 3 mức độ: Mức độ 1, mức độ 2, mức độ 3 và quy định theo bảng cho điểm.
Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám bác sỹ cho điểm chẵn từ 1 – 6 vào cột “Điểm”, cụ thể:
a) Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt;
b) Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt;
c) Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá;
d) Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình;
đ) Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém;
e) Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.
Căn cứ vào số điểm chấm bên trên cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại, cụ thể như sau:
a) Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1;
b) Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;
c) Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;
d) Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;
đ) Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;
e) Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.
Thứ ba, một số điều kiện về sức khỏe của các trường quân đội như sau:
Các trường đào tạo sỹ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần gồm các trường: Học viện Phòng không – Không quân, Học viện Hậu cần, Học viện Biên phòng, Học viện Hải quân và các trường sỹ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Sỹ quan Pháo binh, Sỹ quan Chính trị, Sỹ quan Công binh, Sỹ quan Thông tin, Sỹ quan Tăng – Thiết giáp, Sỹ quan Phòng hóa, Sỹ quan Đặc công chỉ tuyển nam cao 1,65 m trở lên, cân nặng 50 kg trở lên, vòng ngực trung bình 81 cm trở lên.
Các trường đào tạo sỹ quan chuyên môn – kỹ thuật gồm các trường: Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Khoa học quân sự, hệ đào tạo Kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không – Không quân, trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật quân đội và trường Đại học Trần Đại Nghĩa (Vin-Hem Pích) tuyển thí sinh nam cao 1,63 m trở lên, cân nặng 50 kg trở lên, vòng ngực trung bình 81 cm trở lên.
Thí sinh nữ đạt sức khỏe loại 1, thí sinh mắc tật khúc xạ, cận hoặc viễn thị không quá 3dp; kiểm tra thị lực qua kính đạt mắt phải 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10 trở lên.Những thí sinh có hộ khẩu thường trú ít nhất 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số được lấy đến sức khỏe loại 2 về thể lực, nhưng thí sinh nam phải đạt chiều cao 1,62 m trở lên.
Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thi vào trường Sỹ quan Chính trị được lấy chiều cao từ 1,6 m trở lên.
Đối tượng đào tạo sỹ quan của các quân, binh chủng nếu tuyển chọn sức khỏe theo các tiêu chuẩn riêng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn chung.
Việc tuyển sinh vào quân đội là Sĩ quan phi công tại trường sỹ quan Không quân, chỉ tuyển chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không – Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện dự thi vào các trường quân đội và đào tạo phi công quân sự
TƯ VẤN TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư công ty luật Dương gia, em có một câu hỏi thắc mắc và mong nhận được sự hỗ trợ tư vấn từ phía công ty Luật Dương gia. Câu hỏi của em như sau:
Em sinh năm 2000, năm tới em mong muốn thi vào trường Quân y nhưng 2 mắt của em đều bị cận trên 4 độ, liệu em có thể viết cam kết sau khi thi đậu vào trường sẽ phẫu thuật mắt được không? Ngoài ra, em có bị thiếu 2 răng cấm, như vậy sức khỏe của em có đạt để tham dự vào trường Quân y không? Em xin chân thành cảm ơn luật sư.
1.Cơ sở pháp lý:
Thông tư 17/2016/TT-BQP được sửa đổi tại Thông tư 42/2017/TT-BQP quy định tiêu chuẩn về sức khỏe đối với thí sinh dự thi các trường quân đội
Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự
Thông tư 17/2016/TT-BQP được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 42/2017/TT-BQP
2.Luật sư tư vấn:
Khoản 1 Điều 16 Thông tư 17/2016/TT-BQP được sửa đổi tại Thông tư 42/2017/TT-BQP quy định tiêu chuẩn về sức khỏe đối với thí sinh dự thi các trường quân đội như sau:
“Điều 16. Tiêu chuẩn về sức khỏe
1. Tuyển chọn thí sinh (cả nam và nữ) đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP) về các chỉ tiêu: Nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa, da liễu, mắt (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng), tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt, vòng ngực.”
Tiêu chuẩn về sức khỏe của thí sinh đăng ký dự thi vào trường quân đội sẽ thực hiện theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.
Khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định phân loại sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
“2. Cách cho điểm
Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám bác sỹ cho điểm chẵn từ 1 – 6 vào cột “Điểm”, cụ thể:
a) Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt;
b) Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt;
c) Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá;
d) Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình;
đ) Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém;
e) Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.”
Theo như bạn trình bày, 2 mắt của bạn đều bị cận trên 4 độ, ngoài ra, bạn bị thiếu 2 răng cấm.
Luật sư tư vấn tiêu chuẩn sức khỏe để dự thi vào trường Quân y:1900.6568
Về răng cấm: Răng cấm là cách gọi tên răng số 6 theo quan niệm dân gian. Cấm có nghĩa là cấm được nhổ, cấm không được đụng đến. Bởi vì nó không được mọc hai lần nên cấm nhổ. Bởi vì có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh nên cấm không được đụng đến. Do đó bạn bị mất hai răng cấm có nghĩa bạn bị mất răng 02 răng hàm. Theo mục II, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP bạn có thể bị điểm 2 hoặc điểm 3.
Về việc bạn bị cận: Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 17/2016/TT-BQP được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 42/2017/TT-BQP có quy định, các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, quân y, Khoa học quân sự; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không – Không quân; Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Vin-Hem Pich) phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng sau:
– Về Thể lực: Tuyển thí sinh nam cao từ 1,63 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; thí sinh nữ (nếu có) phải đạt sức khỏe Loại 1 theo quy định tại Mục I Phụ lục 1 Phân loại sức khỏe theo thể lực và bệnh tật, ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP (cao từ 1,54 m trở lên, cân nặng từ 48 kg trở lên);
– Về Mắt: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi-ốp, kiểm tra thị lực sau chỉnh kính đạt Điểm 1 theo quy định tại Khoản 1 Mục II Phụ lục 1 Phân loại sức khỏe theo thể lực và bệnh tật, ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.
Trường hợp bạn bị cận trên 4 độ cả 02 mắt như vậy bạn không đạt yêu cầu về thị lực. Do đó, có thể bạn sẽ không đủ điều kiện sức khỏe để dự thi trường Quân y. Để biết chính xác thông tin này, bạn nên liên hệ tới trường Quân y để hỏi rõ.
Về việc cam kết phẫu thuật mắt, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, do đó bạn cũng nên liên hệ tới trường Quân y để biết chính xác thông tin.