Tiêu chí xác định tình trạng phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được quy định trong trình tự phá sản - Luật phá sản doanh nghiệp 2014.
Để xác định tình trạng phá sản của một Doanh nghiệp, Hợp tác xã (DN,HTX) có xảy ra hay không thì cần phải dựa vào những tiêu chí xác định. Tại Việt Nam, một số tiêu chí cơ bản đã được quy định cụ thể thông qua Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.”.
Theo đó thì Luật Phá sản năm 2014 không còn dùng khái niệm "lâm vào tình trạng phá sản” của Luật phá sản năm 2004 mà dùng khái niệm “mất khả năng thanh toán”. Có thể thấy, trong Luật Phá sản năm 2014 nội hàm của khái niệm “mất khả năng thanh toán” được xác định cụ thể, rõ ràng hơn, có nhiều điểm khác biệt so với Luật phá sản năm 2004 như: tiêu chí xác định mất khả năng thanh toán nay là “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” mà không phải là “không có khả năng thanh toán”; thời điểm được xác định là trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán mà không phải là “khi chủ nợ có yêu cầu”.
Quy định như trên sẽ mang lại những ưu điểm sau:
Thứ nhất, khắc phục phần nào sự thiếu sót trong kỹ thuật lập pháp, cách giải thích thuật ngữ pháp lí. Nhìn nhận Luật phá sản năm 2004 ta thấy việc xác định DN,HTX lâm vào tình trạng phá sản chưa rõ ràng, cụ thể; việc đánh giá các DN,HTX không có khả năng thanh toán gặp nhiều khó khăn
Thứ hai, tạo ra một thời hạn nhất định cho DN, HTX thu xếp thanh toán các khoản nợ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để DN, HTX và chủ nợ có thể thay đổi lại yêu cầu của mình (Chẳng hạn có thể chuyển việc tuyên bố phá sản sang mua bán, sáp nhập doanh nghiệp). Nếu sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu mà DN,HTX vẫn không thanh toán được các khoản nợ đến hạn thì chủ nợ toàn quyền quyết định việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Thứ ba, tạo điều kiện cho Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản dễ dàng hơn so với trước.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Tuy nhiên, khi thay đổi như vậy có thể phát sinh những vướng mắc sau:
Thứ nhất, vẫn chưa xác định cụ thể DN, HTX mất khả năng thanh toán một khoản nợ cụ thể là bao nhiêu để bị coi là lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Luật Phá sản năm 2014 cũng như LPS Doanh nghiệp năm 1993, Luật phá sản năm 2004 trước đó không đưa ra các yếu tố định lượng, mà chỉ đưa ra các yếu tố định tính, tức là căn cứ vào khả năng trả nợ của DN, HTX vào thời điểm chủ nợ yêu cầu. Điều đó có thể dẫn tới việc nhiều chủ nợ lạm dụng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN,HTX đang gặp khó khăn tạm thời chứ không phải mất khả năng thanh toán một cách tràn lan.
Thứ hai, qua sự tìm hiểu trên thực tế thì việc quy định “… không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng” có thể là một thời gian quá ngắn. Trên thực tế, việc thu xếp để thanh toán các khoản nợ của DN, HTX khá phức tạp, đòi hỏi một thời gian dài hơn (Thường cần tối thiểu là 6 tháng).