Thực trạng hiện nay thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam đang ngày một gia tăng nhanh chóng. Bên cạnh đó thuốc lá nhập lậu được bán và tiêu dùng công khai. Thuốc lá lậu không chỉ gây ra thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Mục lục bài viết
1.Thuốc lá nhập lậu là gì?
Thuốc lá là sản phẩm có chứa Nicotin – một loại chất gây nghiện và nhiều loại chất gây độc hại khác, chính vì vậy Chính phủ Việt Nam đánh thuế nhập khẩu cao với loại sản phẩm này để hạn chế tiêu thụ và nhập khẩu các loại thuốc lá ngoại. Chính vì bị đánh thuế cao dẫn đến việc giá bán ra cho các sản phẩm thuốc lá nhập khẩu cao dẫn đến khả năng tiêu thụ thấp. Do đó, có nhiều cơ sở kinh doanh đã nhập lậu để trốn thuế.
Thuốc lá nhập lậu là sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài, được sản xuất; từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và làm dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và; các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi, không có đủ hoá đơn chứng từ theo quy định của pháp luật
Người muốn kinh doanh, buôn bán, nhập khẩu thuốc lá phải làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh mặt hàng này theo quy định của pháp luật.
2. Mức xử phạt tội vận chuyển thuốc lá nhập lậu:
Những đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu thường có những thủ đoạn tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng. Hoạt động buôn bán, nhập khẩu thuốc lá thường được các đối tượng tập trung tại các kho hàng gần biên giới đặc biệt là một số địa bàn trọng điểm.Tùy thuộc vào từng thời điểm, các đối tượng sẽ tận dụng những thời cơ thuận lợi và dùng các phương tiện hoặc thuê người vận chuyển qua đường biên giới. Điển hình là việc dùng xe gắn máy vận chuyển đơn lẻ từng gói hàng nhỏ hay thậm chí là trá hình bằng nhiều mặt hàng khác, chia thành nhiều chuyến để qua mặt các cơ quan quản lý. Trong quá trình hoạt động, thuốc lá lậu được ngụy trang cất giấu rất tinh vi, các đường dây vận chuyển được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp, đặc biệt là luôn có người theo dõi các lực lượng chức năng 24/24h…
Căn cứ Điều 191
– Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
– Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Như vậy, hành vi buôn bán vận chuyển thuốc lá lậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế cũng như xã hội của đất nước và được pháp luật hình sự xử phạt rất nặng về hành vi này.
3. Điều kiện để cấp giấy phép liên quan đến phân phối, buôn bán thuốc lá:
3.1. Điều kiện cấp Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá:
– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Địa điểm kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật , tránh những địa điểm không được bán thuốc lá theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012;
– Có hệ thống phân phối sản phẩm thuốc lá trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên. Mỗi tỉnh, thành phố phải có tối thiểu 01 thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá;
– Có văn bản giới thiệu của Nhà cung cấp thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh;
– Có bản cam kết của doanh nghiệp về bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
3.2. Điều kiện cấp Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá:
– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
– Địa điểm kinh doanh không vi phạm quy định về địa điểm không được bán thuốc lá theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012;
– Có hệ thống bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh nơi thương nhân đặt trụ sở chính (tối thiểu phải từ 02 thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá trở lên);
– Có bản cam kết của doanh nghiệp về bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
3.3. Điều kiện cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá:
– Thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;
– Địa điểm kinh doanh phải tuân thủ những quy định về địa điểm của pháp luật, tránh những địa điểm không được bán thuốc lá theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012;
– Có văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ kế hoạch về địa bàn dự kiến kinh doanh;
Tóm lại, thuốc lá nhập lậu mang đến nhiều hậu quả khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và kinh tế xã hội của đất nước. Chính vì vậy Nhà Nước cần có những chủ trương tuyên truyền, cũng như các biện pháp răn đe, ngăn chặn các hành vi buôn lậu thuốc lá. Bên canh đó cần có những hình thức xử phạt thích đáng đối với những hành vi đó để bảo vệ người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết :
– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.