Tại Việt Nam hiện nay, biểu diễn nghệ thuật đang dần dần phát triển và có sự đa dạng, phong phú với nhiều loại hình khác nhau. Vậy thuế suất giá trị gia tăng đối với loại hình dịch vụ biểu diễn nghệ thuật được quy định cụ thể như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thuế suất giá trị gia tăng của dịch vụ biểu diễn nghệ thuật:
Hiện nay, hoạt động nghệ thuật biểu diễn là khái niệm để chỉ các loại hình hoạt động tạo ra sản phẩm nghệ thuật được định hình dưới nhiều dạng khác nhau, có thể kể đến như: văn bản, âm thanh, hình ảnh … từ đó truyền đạt trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện kĩ thuật tới công chúng dưới các hình thức biểu diễn nghệ thuật, hoặc lưu hành bản ghi âm và ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật. Trong đó, biểu diễn nghệ thuật là khái niệm để chỉ loại hình hoạt động thể hiện nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, thi người mẫu hoặc kết hợp giữa loại hình nghệ thuật biểu diễn với trình diễn thời trang và các hoạt động văn hóa thể thao khác.
Bên cạnh đó, giá trị gia tăng là khái niệm để chỉ phần tăng thêm của một hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm, do các cơ sở sản xuất, chế biến, các cơ sở thương mại hoặc dịch vụ tác động và nguyên vật liệu thu hay hàng hóa, dịch vụ mua vào, từ đó làm cho các giá trị của chúng tăng lên đáng kể. Hay nói cách khác, giá trị gia tăng được xem là số tiền chênh lệch giữa giá đầu ra với giá đầu vào cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo ra trong quá trình sản xuất hoặc trong quá trình kinh doanh. Thậm chí, giá trị gia tăng còn được xem là phần giá trị tăng thêm của các loại hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ phát triển trong quá trình từ khâu sản xuất, đến khâu lưu thông và cuối cùng là khâu tiêu dùng. Thuế giá trị gia tăng vừa là quyền và vừa là nghĩa vụ của người dân. Thuế giá trị gia tăng là loại thuế đánh vào người tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng. Người tiêu dùng là người chi trả, tuy nhiên người nộp thuế giá trị gia tăng lại là các doanh nghiệp và tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua việc cộng thuế giá trị gia tăng vào giá bán mà người tiêu dùng cần phải thanh toán khi họ mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ trên thực tế.
Pháp luật hiện nay cũng đã có quy định cụ thể về thuế suất giá trị gia tăng của dịch vụ biểu diễn nghệ thuật. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Văn bản hợp nhất Luật thuế giá trị gia tăng năm 2016 có quy định về mức thuế suất 5%. Theo đó, mức thuế suất 5% sẽ được áp dụng đối với các loại hàng hóa và dịch vụ sau đây:
– Nước sạch phục vụ cho quá trình sản xuất và sinh hoạt của người dân;
– Quặng, loại tài nguyên được dùng để sản xuất phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh và các loại chất kích thích tăng trưởng cho vật nuôi và cây trồng;
– Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh mương, dịch vụ nạo vét ao/hồ phục vụ cho quá trình sản xuất nông nghiệp, hoạt động nuôi trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng, quá trình sơ chế và bảo quản các loại sản phẩm nông nghiệp;
– Sản phẩm trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm thủy sản chưa qua chế biến, ngoại trừ các loại sản phẩm được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 5 của Văn bản hợp nhất luật thuế giá trị gia tăng năm 2016;
– Mủ cao su sơ chế, nhựa thông sơ chế, lưỡi và dây giềng, sợi được sử dụng để đan lưới đánh cá;
– Thực phẩm tươi sống, các loại lâm sản chưa thông qua chế biến, ngoại trừ gỗ, măng và các loại sản phẩm được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 5 của Văn bản hợp nhất Luật thuế giá trị gia tăng năm 2016;
– Đường, các loại phụ gia trong quá trình sản xuất đường, trong đó bao gồm bã mía và bã bùn;
– Sản phẩm bằng đay, sản phẩm bằng cói, sản phẩm bằng tre nứa, sản phẩm bằng lá/rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các loại sản phẩm thủ công khác được sản xuất bằng nguyên vật liệu tận dụng từ nông nghiệp, các loại bông sơ chế và các loại giấy in báo;
– Các loại thiết bị, trang bị dụng cụ y tế, các loại bông y tế, băng vệ sinh y tế, thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, các loại sản phẩm hóa dược, các loại sản phẩm dược liệu được xác định là nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh;
– Giáo cụ được sử dụng trong quá trình giảng dạy và học tập, trong đó bao gồm các mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa và cốc loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho quá trình giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cho hoạt động thí nghiệm khoa học;
– Đồ chơi trẻ em, các loại sách, ngoại trừ các loại sách được quy định cụ thể tại khoản 15 Điều 5 của Văn bản hợp nhất luật thuế giá trị gia tăng năm 2016;
– Hoạt động văn hóa thể thao, thể dục, hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu và phát hành phim, chiếu phim;
– Dịch vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
– Bán và cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Như vậy có thể nói, theo quy định phân tích nêu trên, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật sẽ chịu mức thuế suất giá trị gia tăng là 5%.
2. Thời điểm xác định mức thuế suất giá trị gia tăng đối với dịch vụ biểu diễn nghệ thuật:
Căn cứ theo quy định tại Văn bản hợp nhất Luật thuế giá trị gia tăng năm 2016 thì có thể nói, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ biểu diễn nghệ thuật được quy định cụ thể như sau:
– Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với các loại hàng hóa theo quy định của pháp luật là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, hoặc chuyển giao quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt người bán đã thu được tiền hay chưa thu được tiền trên thực tế;
– Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với các loại hình dịch vụ theo quy định của pháp luật được xác định là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng các loại dịch vụ, không phân biệt người cung ứng dịch vụ đã thu được tiền hay chưa thu được tiền trên thực tế;
– Bộ tài chính là cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với một số trường hợp đặc thù.
Như vậy có thể nói, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật là một trong những loại hình dịch vụ, theo đó thời điểm xác định thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ biểu diễn nghệ thuật theo quy định nêu trên được xác định là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ biểu diễn nghệ thuật trên thực tế.
3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật nộp thuế giá trị gia tăng ở đâu?
Theo quy định của pháp luật hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng tại một trong những địa điểm như sau:
– Người nộp thuế tiến hành hoạt động kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng tại địa phương nơi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh;
– Người nộp thuế kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì có thể nộp thuế giá trị gia tăng tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất hoặc địa phương nơi đóng trụ sở chính;
– Trong trường hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phương pháp trực tiếp có các cơ sở sản xuất tại các tỉnh/thành phố khác nơi đóng trụ sở chính, hoặc có hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh, thì các doanh nghiệp và hợp tác xã đó sẽ cần phải thực hiện thủ tục kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ phần trăm dựa trên doanh thu đối với doanh thu phát sinh ở ngoại tỉnh, tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất, nơi bán hàng vãng lai đó. Các doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ không phải nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ phần trăm dựa trên doanh thu tại trụ sở chính đối với doanh thu phát sinh ở ngoại tỉnh đã tiến hành hoạt động kê khai, nộp thuế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn;
– Thông tư 12/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, liên tịch ban hành.