Hoạt động kinh doanh chứng khoán nếu không chịu thuế GTGT thì sẽ không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động không chịu thuế GTGT.
Mục lục bài viết
1. Thuế giá trị gia tăng trong hoạt động kinh doanh chứng khoán:
Thuế GTGT là sắc thuế phổ biến và quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2016 đã có hơn 160 quốc gia áp dụng thuế này. Cốt lõi của việc mở rộng thuế GTGT là do các quốc gia muốn giảm thuế suất thuế TNDN của họ như là một phương pháp nhằm thu hút và giữ chân các doanh nghiệp. “Hầu hết các quốc gia, trong hầu hết các giai đoạn lịch sử của họ, đã dựa vào thuế thu nhập để hỗ trợ kho bạc của họ,” ông Gino Dossche, Lãnh đạo Báo cáo và Tuân thủ Thuế Gián thu của EY Americas nói. “Bằng cách giới thiệu VAT, tăng thuế suất thuế VAT, hoặc thực hiện các biện pháp mở rộng cơ sở, họ có thể giảm hoặc ít nhất là tránh được việc tăng thuế suất thuế TNDN mà không bị thất thu thuế, tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đây là được coi là khoản thuế gián thu được nộp vào ngân sách nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.
Từ năm 2009 đã nhiều quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo ra những bước tiến mới trong cải cách chính sách thuế. Quy định của luật thuế GTGT thay đổi về ngưỡng doanh thu để áp dụng hình thức khai thuế GTGT phù hợp với hoạt động kinh doanh, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và sự quản lý của nhà nước.
Tại điểm c, khoản 8, điều 4 Thông tư 219/2013/TT–BTC quy định đối tượng không chịu thuế GTGT là: “Kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý công ty đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Hoạt động cung cấp thông tin, tổ chức bán đấu giá cổ phần của các tổ chức phát hành, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến của Sở Giao dịch chứng khoán”. Tại điểm c, khoản 2, điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ–CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT thì hoạt động KDCK không chịu thuế GTGT áp dụng với đối tượng: “Kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý công ty đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán.”
Tại điểm 28 điều 4 và điều 86 Luật chứng khoán 2019 thì các hoạt động như tư vấn tài chính (hoạt động tư vấn phát hành chứng khoán), đại lý phát hành trái phiếu và giấy tờ có giá đều được coi là hoạt động KDCK. Tuy nhiên, các hoạt động trên lại không được coi là hoạt động KDCK theo quy định của Thông tư 219/2013/TT–BTC và Nghị định 209/2013/NĐ–CP. Do đó, thực tế các hoạt động này vẫn phải chịu thuế GTGT theo quy định Luật thuế GTGT với thuế suất 10%. Như vậy, mặc dù KDCK có nhiều hoạt động khác nhau nhưng chỉ những hoạt động được Luật thuế quy định cụ thể mới không chịu thuế GTGT. Đây là điểm khác biệt, thiếu nhất quán giữa Luật thuế GTGT và Luật chứng khoán trong hoạt động KDCK.
Các đối tượng tham gia hoạt động KDCK như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán,… khi thực hiện các hoạt động kinh doanh khác không thuộc lĩnh vực KDCK vẫn chịu thuế GTGT. Cụ thể là một số hoạt động như các hoạt động tư vấn tài chính như tư vấn tái cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại, mua bán công ty, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn chiến lược doanh nghiệp, tư vấn chào bán, niêm yết chứng khoán, tư vấn cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn khác. Các hoạt động này vẫn chịu thuế GTGT với thuế suất 10% giá trị dịch vụ theo quy định hiện hành. Trong trường hợp này, chủ thể chịu thuế là tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng các dịch vụ không thuộc hoạt động KDCK. Chủ thể nộp thuế là tổ chức cung cấp dịch vụ.
Như vậy, hoạt động KDCK không chịu thuế GTGT thì sẽ không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động không chịu thuế GTGT. Nếu sử dụng hóa đơn GTGT thì trên hóa đơn chỉ ghi giá bán (giá không có thuế GTGT) và không ghi phần tiền thuế, thuế suất. Đối với các hoạt động khác chịu thuế GTGT thì vẫn được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế GTGT theo quy định pháp luật thuế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn khi bóc tách, phân bổ nguồn thu của cùng một khoản thu đầu vào phát sinh liên quan đến hai hoạt động kinh doanh chịu thuế và không chịu thuế GTGT.
2. Thuế thu nhập doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh chứng khoán:
Thuế TNDN áp dụng đối với các thu nhập từ chuyển nhượng nhượng chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ,...), thu nhập từ hoạt động kinh doanh chứng khoán (môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán,...) và tiền lãi từ tiền vay. Chủ thể nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức có thu nhập từ hoạt động KDCK như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tổ chức đầu tư chứng khoán,...
Thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ đi giá mua chứng khoán và các chi phí khác liên quan đến chuyển nhượng.
Giá bán chứng khoán được xác định là giá bán thực tế chứng khoán (giá khớp lệnh, giá thỏa thuận) của chứng khoán niêm yết, chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng đăng ký giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc giá bán ghi trong hợp đồng chuyển nhượng của các loại chứng khoán khác.
Giá mua chứng khoán được xác định là giá thực mua chứng khoán (giá khớp lệnh, giá thỏa thuận) đối chứng khoán niêm yết, chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng đăng ký giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc giá trên thông báo kết quả trúng đấu giá (với chứng khoán mua qua đấu giá) hoặc ghi trên hợp đồng chuyển nhượng (với các loại chứng khoán khác).
Chi phí khác liên quan đến chuyển nhượng là các khoản chi phí như chi phí pháp lý làm thủ tục chuyển nhượng, chi phí và lệ phí phải nộp, chi phí lưu ký chứng khoán, chu phí ủy thác chứng khoán, chi phí giao dịch, đàm phán, ký hợp đồng chuyển nhượng,... Các chi phí này đòi hỏi phải có đầy đủ chứng từ, hóa đơn hợp pháp.
Thu nhập tính thuế từ hoạt động kinh doanh chứng khoán được xác định bằng doanh thu từ dịch vụ môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, phát hành chứng chỉ quỹ, dịch vụ tổ chức thị trường,... trừ đi chi phí được trừ liên quan đến hoạt động kinh doanh chứng khoán.
2.1. Đối với công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán:
Thuế TNDN của chủ thể trên gồm có các giai đoạn sau:
Từ năm 2000 đến 1/1/2004: Đây là thời điểm TTCK mới hình thành, các hoạt động đầu tư qua TTCK chưa phổ biến nên có cơ chế riêng với hoạt động KDCK. Để khuyến khích các chủ thể tham gia TTCK, Chính phủ ra Quyết định số 39/2000/QĐ–TTg ngày 27/3/2000 quy định ưu đãi thuế đối với hoạt động KDCK. Cụ thể, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ được miễn thuế TNDN một năm và giảm 50% thuế TNDN phải nộp trong 02 năm tiếp theo. Hết thời hạn ưu đãi, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ thực hiện nộp thuế TNDN theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 với thuế suất 32% như với các doanh nghiệp thông thường khác.
Từ ngày 1/1/2004 đến 25/10/2006: Thời gian này có một loạt các chính sách thuế mới có hiệu lực. Các doanh nghiệp thông thường phải đóng mức thuế TNDN là 28%. Tuy nhiên, ngày 20/10/2004 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 100/2014/TT–BTC hướng dẫn riêng về thuế GTGT và thuế TNDN trong lĩnh vực KDCK. Theo đó, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ được hưởng thuế suất thuế TNDN ưu đãi là 20% trong 10 năm từ ngày khai trương hoạt động kinh doanh. Hết thời hạn được hưởng ưu đãi trên thì áp dụng nộp thuế như đối với doanh nghiệp thông thường là 28%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được miễn thuế TNDN 2 năm từ ngày có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế suất phải nộp trong 3 năm tiếp theo. Các ưu đãi trên chỉ áp dụng cho công ty có hạch toán độc lập, tuân thủ các quy định về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ,...
Từ ngày 25/10/2006 đến 31/12/2008: Luật đầu từ năm 2006 có hiệu lực quy định hoạt động đầu tư, KDCK không thuộc lĩnh vực ưu đãi thuế. Theo đó, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ được thành lập từ ngày Nghị định 108/2006/NĐ–CP ban hành ngày 22/9/2006 hướng dẫn Luật đầu tư có hiệu lực thì chịu thuế suất thuế TNDN là 28% như đối với doanh nghiệp thông thường. Công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ thành lập trước thời gian Nghị định 108/2006/NĐ–CP có hiệu lực thì vẫn được hưởng ưu đãi theo quy định cũ trong thời gian còn lại. Hết thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN thì thực hiện kê khai và nộp thuế theo quy định chung. Vì vậy, sau thời điểm này, các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán khi không được hưởng ưu đãi nữa sẽ nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao khả năng cạnh tranh để tồn tại trên thị trường.
Từ ngày 1/1/2009 đến 15/2/2014 Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 có hiệu lực thi hành. Theo đó, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ được hưởng thuế suất thuế TNDN là 25% tương tự như các doanh nghiệp thông thường khác.
Từ ngày 15/2/2014 đến nay: Thuế suất thuế TNDN áp dụng đối với công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ có doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm là 20% và doanh thu từ 20 tỷ đồng trở lên là 22%. Từ ngày 1/1/2016, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ áp dụng chung thuế suất thuế TNDN là 20% như các doanh nghiệp khác.
2.2. Đối với tổ chức đầu tư chứng khoán:
Trước đây, tổ chức đầu tư chứng khoán áp dụng chính sách thuế theo Thông tư 100/2014/TT–BTC ngày 20/10/2004 quy định hướng dẫn về thuế GTGT và thuế TNDN trong lĩnh vực chứng khoán. Theo tiết 2.1, điểm 2, mục III của Thông tư này thì thu nhập từ đầu tư chứng khoán trong kỳ tính thuế của tổ chức đầu tư chứng khoán phải gộp chung với thu nhập từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định chung là 28%.
Ngày 10/8/2006, Thông tư 72/2006/TT–BTC có hiệu lực bổ sung thêm quy định trong trường hợp tổ chức đầu tư chứng khoán thực hiện đầu tư qua Quỹ đầu tư chứng khoán thì mức thuế suất thuế TNDN phải nộp là 20%.
Từ ngày 1/1/2009, Luật thuế TNDN mới có hiệu lực, các tổ chức đầu tư chứng khoán thực hiện chính sách thuế theo quy định của Luật này. Cụ thể, mức thuế suất đối với tổ chức này là 25% căn cứ theo khoản 1, điều 10, Luật thuế TNDN 2008.
2.3. Đối với Quỹ đầu tư chứng khoán:
Theo quy định của Luật thuế TNDN thì quỹ đầu tư chứng khoán không có tư cách pháp nhân, không thuộc đối tượng nộp thuế TNDN. Khi quỹ đầu tư chia lợi tức cho nhà đầu tư là tổ chức thì tổ chức đó chịu thuế TNDN không phân biệt tổ chức trong nước hay nước ngoài, nếu chia lợi tức cho nhà đầu tư là cá nhân thì cá nhân đó chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, phần lợi tức đã chia đã chịu thuế TNDN ở khâu trước và lãi trái phiếu thu được từ trái phiếu thuộc diện miễn thuế theo quy định thì sẽ chịu thuế thu nhập.
Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán sẽ phải khấu trừ thuế phải nộp trước khi chia cổ tức cho nhà đầu tư và phải kê khai, nộp thuế cho nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức có nhu cầu tự kê khai, tự nộp thuế chung với hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức thì công ty quản lý quỹ chứng khoán sẽ không khấu trừ thuế tại nguồn khi chia cổ tức cho nhà đầu tư đó.
2.4. Đối với các tổ chức khác:
Với các tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, có phát sinh thu nhập ở Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận hoặc cam kết của họ với tổ chức, cá nhân Việt Nam thì áp dụng chính sách thuế TNDN theo quy định của Thông tư 103/2014/TT–BTC của Bộ Tài chính ngày 6/8/2014 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Theo quy định này thì thuế chuyển nhượng chứng khoán áp dụng thuế suất 0.1% trên doanh thu bán chứng khoán tại thời điểm chuyển nhượng, 5% trên lãi tiền vay trừ trái phiếu thuộc diện miễn thuế, thu nhập từ cổ tức thì không phải chịu thuế.