Thực trạng quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Kết quả đạt được về thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về thực trạng thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam:
Xét tổng quát, hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương thích ở mức độ cao với các nguyên tắc và quy định của pháp luật quốc tế về quyền được giáo dục của trẻ em. Bên cạnh đó, Nhà nước đã và đang thực thi nhiều chương trình trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ quyền học tập của trẻ em. Cùng với truyền thống hiếu học, chăm lo cho việc học hành của con cái của người Việt, đây là những yếu tố rất thuận lợi trong việc đảm bảo quyền được học tập của trẻ em.
Ở Việt Nam, tuổi trẻ em đi học tiểu học là 6 tuổi, trung học cơ sở là 11 tuổi và trung học phổ thông là 15 tuổi. Cấp tiểu học gồm 5 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5), trung học cơ sở gồm 4 lớp (từ lớp 6 đến lớp 9) và trung học phổ thông gồm 3 lớp (từ lớp 10 đến lớp 12). Ở trường tiểu học, các lớp được tính từ năm thứ 1 đến năm thứ 5, đối với trung học cơ sở, các lớp được tính từ năm thứ 6 đến năm thứ 9 và ở trung học phổ thông được tính từ năm thứ 10 đến năm thứ 12. Năm học thường bắt đầu từ Tháng 9 và kết thúc vào Tháng 5 năm sau.
Đến tháng 9 năm 1989, giáo dục phổ thông Việt Nam vẫn được miễn học phí. Tuy nhiên, sau thời điểm này chỉ có giáo dục tiểu học được miễn học phí; giáo dục mẫu giáo và trung học bắt đầu thu học phí và được sử dụng để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhất, ví dụ trẻ khuyết tật, học sinh phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ở khu vực dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người, trẻ em con liệt sỹ và thương binh nặng, trẻ em ở các trung tâm bảo trợ xã hội, trẻ em sống ở các vùng xa xôi hẻo lánh, trẻ em thuộc các hộ nghèo theo quy định được miễn hoặc giảm học phí, được hỗ trợ chi phí học tập hoặc được hỗ trợ ăn trưa.
Mặc dù đến năm 2004, thuật ngữ “trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” mới lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản pháp luật, cụ thể là trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục Trẻ em nhưng các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng đã được nhà nước Việt Nam đặc biệt chú ý với những quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền được học tập cũng như các quyền cơ bản khác của các em. Tuy nhiên, một số quy định pháp luật chưa được toàn diện và đáp ứng theo tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng như thực tiễn thực thi còn nhiều bất cập đã dẫn đến tình trạng nhiều nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được bảo đảm quyền giáo dục.
2. Thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam:
2.1. Chính sách pháp luật về quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
Ngay từ khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, dù lúc này đất nước ta lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, tài chính thiếu hụt nhưng Người vẫn quan tâm đến công cuộc diệt “giặc dốt”, Đảng ta xác định giáo dục – đào tạo là một nhiệm vụ quan trọng của cách mạng Việt Nam lúc này. Bắt đầu từ Đại hội lần thứ IV của Đảng, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương khóa IV đã ra Nghị quyết số 14 ngày 11/01/1979 về cải cách giáo dục, trong đó xem giáo dục là bộ phận quan trọng của cuộc cách mạng tư tưởng; thực thi nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ từ nhỏ đến lúc trưởng thành. Đại hội Đảng lần thứ VIII một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục đào tạo “Giáo dục và đào tạo phải thực sự trở thành quốc sách hàng đầu”. Tại Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ra Nghị quyết 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000. Đại hội Đảng lần thứ IX nêu rõ: “Phát triển giáo dục đào tạo là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người – yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”. Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX cũng đã đề ra các nhiệm vụ để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. Đại hội lần thứ X đã xác định mục tiêu giáo dục là nhằm bồi dưỡng thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, lý tưởng chủ nghĩa xã hội, lòng nhân ái, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần hiếu học, ý chí tiến thủ lập nghiệp, không cam chịu nghèo nàn, đào tạo lớp người lao động có kiến thức cơ bản, làm chủ năng lực nghề nghiệp, quan tâm hiệu quả thiết thực, nhạy cảm với chính trị, có ý chí vươn lên về khoa học công nghệ, đồng thời, tiếp tục khẳng định “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta khẳng định “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển”. Hội nghị lần thứ 8, ban chấp hành Trung ương khóa XI đã ra Nghị quyết 29- NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, thể hiện cụ thể đường lối của Đảng ta trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Hệ thống quy phạm pháp luật của Việt Nam tương đối tiệm cận với pháp luật quốc tế về quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 1990, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên tại châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Chưa đầy một năm sau, vào năm 1991, nước ta ban hành Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, sau đó là Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và văn bản hiện hành là
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đề ra và thực hiện nhiều chương trình hành động, kế hoạch quốc gia vì sự phát triển của trẻ em và giáo dục. Trong đó có thể kể đến Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em trong các giai đoạn 1991 – 2000, giai đoạn 2001 – 2010, giai đoạn 2011 – 2020 và hiện tại là giai đoạn 2021 – 2030. Để thực hiện chương trình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 nhằm “Đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em về đạo đức, tri thức…, phát huy tối đa tiềm năng của trẻ…giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận thông tin, các dịch vụ xã hội và tham gia các hoạt động xã hội của trẻ em giữa các vùng miền… tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em.” Kế hoạch với những mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp rõ ràng, trong đó có những mục tiêu hướng tới và bao hàm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Việt Nam cũng thể hiện sự tích cực chung tay vì sự phát triển bền vững toàn cầu thông qua việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 bao gồm 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm 2015. Kế hoạch hành động thể hiện nỗ lực và cam kết của Chính phủ trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.Trong đó, mục tiêu 4 là “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.” Chính phủ Việt Nam đã cụ thể hóa mục tiêu 4 thông qua 8 mục tiêu cụ thể, tương đồng với mục tiêu 4 toàn cầu, trong đó có những mục tiêu cụ thể hướng tới những nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm:
Mục tiêu 4.1: Đến năm 2030, đảm bảo tất cả các trẻ em gái và trai hoàn thành giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở miễn phí, công bằng, có chất lượng.
Mục tiêu 4.2: Đến năm 2030, đảm bảo tất cả các trẻ em gái và trai được tiếp cận với phát triển, chăm sóc giai đoạn trẻ thơ và giáo dục mầm non có chất lượng để sẵn sàng bước vào cấp tiểu học.
Mục tiêu 4.3: Đến năm 2030, đảm bảo tiếp cận công bằng cho tất cả nam và nữ đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có chất lượng và trong khả năng chi trả.
Mục tiêu 4.5: Đến năm 2030, đảm bảo tiếp cận bình đẳng trong giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề nghiệp cho những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả những người khuyết tật, người dân tộc và trẻ em trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương.
Mục tiêu 4.6: Đến năm 2030, đảm bảo tất cả thanh niên và phần lớn người trưởng thành, cả nam giới và nữ giới, biết đọc, viết.
Mục tiêu 4.8: Xây dựng và nâng cấp các cơ sở giáo dục thân thiện với trẻ em, người khuyết tật và bình đẳng giới và cung cấp môi trường học tập an toàn, không bạo lực, toàn diện và hiệu quả cho tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng xây dựng các chương trình giảm nghèo quốc gia, cụ thể như Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu của Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt nghèo. Kết quả tích cực của Chương trình sẽ góp phần xóa đi rào cản kinh tế lớn nhất của những trẻ em trong các gia đình nghèo trên hành trình đến trường.
Cùng với những quy định cụ thể về quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong Luật Trẻ em và Luật Giáo dục thì những văn bản pháp luật khác tập trung vào một số nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cụ thể, như Luật Người khuyết tật năm 2010 yêu cầu: “Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.”
Trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục, đào tạo được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo hàng năm của Việt Nam tương đối lớn, xấp xỉ 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2011 – 2019, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo duy trì ở mức 15,6%. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho ngành Giáo dục năm 2021 là 17,3%. Ngoài ra, Chính phủ còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác như miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm và có chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên đến công tác tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật…
2.2. Kết quả thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
Từ việc quan tâm đến phát triển giáo dục – đào tạo và chăm lo cho trẻ em cùng với các chính sách, pháp luật phù hợp trong những năm qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền giáo dục của trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.
Trong việc đảm bảo quyền giáo dục của trẻ em nói chung, Việt Nam đã đạt phổ cập giáo dục cho trẻ em. Năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học, vượt trước 15 năm so với thời hạn của mục tiêu thiên niên kỷ. Báo cáo tại hội nghị tổng kết giáo dục Tiểu học năm học 2021 – 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài cho biết “Đến thời điểm này, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 25/63 tỉnh, thành phố được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 40%.” Tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp có xu hướng tăng qua các năm, đặc biệt ở cấp trung học phổ thông. Xu hướng này cho thấy giáo dục đang được nâng cao, hướng tới phổ cập trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tỷ lệ đi học đúng tuổi năm 2020 của ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông lần lượt là 98,1%, 93,4% và 76,1% tăng so với số liệu năm 2018 lần lượt là 97,3%, 92,1% và 72,0%.
Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đến trường, giảm 12,6 điểm phần trăm so với năm 1999 và giảm 8,1 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 1999: 20,9%; năm 2009: 16,4%). Như vậy, sau 20 năm, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường đã giảm được gần hai phần ba. Đây là một trong những thành tựu rất đáng ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam trong hai thập kỷ qua.
Ngoài ra, Việt Nam tương đối bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em gái. Có thể nói là hiện nay ở Việt Nam gần như không còn sự phân biệt nam nữ về việc tiếp cận giáo dục với trẻ em. Ở bậc tiểu học, tỷ lệ đi học chung của trẻ em trai là 100,3%, của trẻ em gái là 100,4%; bậc THCS tương ứng là 94,8% và 96,4%; bậc THPT, tỷ lệ đi học chung của trẻ em trai thấp hơn trẻ em gái 5,3 điểm phần trăm.
Đặc biệt, với nhóm trẻ em khuyết tật, nước đã đã phần nào bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em khuyết tật. Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, từ năm 2016 – 2017, tại Việt Nam có 94,2% trẻ em khuyết tật tham gia học tập ở các trường học thông thường. Đối với việc phát triển tài năng, năng khiếu, sự sáng tạo của trẻ cũng nhận được sự quan tâm rất nhiều từ cha mẹ trẻ và sự hỗ trợ của nhà trường, trung tâm, các cơ sở giáo dục quan tâm đến việc phát triển toàn diện cho trẻ em, tôn trọng những sáng tạo, ý tưởng của trẻ. Cũng theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam 2016-2017 thì 2,9% trường học có thiết kế phù hợp với trẻ khuyết tật và 9,9% trường học có công trình vệ sinh thiết kế phù hợp với trẻ khuyết tật.