Tương trợ tư pháp là gì? Tương trợ tư pháp tiếng anh là gì? Thực hiện yêu cầu trong tương trợ tư pháp? Từ chối thực hiện yêu cầu trong tương trợ tư pháp? Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự?
Ngày nay, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các vụ án có yếu tố nước ngoài xảy ra ngày càng phổ biến đòi hỏi sự giúp đỡ tương trợ về pháp luật và tư pháp giữa các cơ quan Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước liên quan. Hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước đã có từ khá sớm, từ vấn đề dân sự, thương mại, đầu tư quốc tế đến vấn đề chống khủng bố quốc tế, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các vấn đề có tính toàn cầu khác. Hoạt động tương trợ tư pháp giữ vai trò hết sức quan trọng trong quan hệ giữa các nước từ trước tới nay và đặc biệt là trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm quốc tế. Đứng trước tình trạng nhu cầu về tương trợ tư pháp ngày càng gia tăng, việc yêu cầu tương trợ tư pháp diễn ra khá phổ biến. Vậy việc thực hiện và từ chối thực hiện yêu cầu trong tương trợ tư pháp được pháp luật quy định như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Tương trợ tư pháp là gì?
Tương trợ tư pháp được hiểu là việc giúp đỡ lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp các nước về các vấn đề tư pháp và pháp luật trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc theo pháp luật và thực tiễn tư pháp quốc tế. Tương trợ tư pháp là hình thức mà các nước sử dụng để trao và nhận sự giúp đỡ chính thức mang tầm quốc gia trong điều tra, truy tố hình sự. Hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trong rất nhiều lĩnh vực từ từ vấn đề dân sự, thương mại, đầu tư quốc tế đến vấn đề chống khủng bố quốc tế, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các vấn đề có tính toàn cầu khác.
2. Tương trợ tư pháp tiếng anh là gì?
Tương trợ tư pháp tiếng anh là “Mutual legal assistance”
3. Thực hiện yêu cầu trong tương trợ tư pháp
Thực hiện yêu cầu trong tương trợ tư pháp có thể được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của một nước tiến hành thực hiện những hành vi hoặc hoạt động mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nước khác yêu cầu.
Theo quy định tại Điều 7 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp được quy định như sau:
“1. Yêu cầu tương trợ sẽ được thực hiện ngay theo cách thức do pháp luật và thực tiễn của Quốc gia được yêu cầu quy định. Trong phạm vi mà pháp luật và thực tiễn nước mình cho phép. Quốc gia được yêu cầu phải thực hiện yêu cầu theo cách thức mà Quốc gia yêu cầu đã nêu.
2. Nếu có đề nghị và trong phạm vi mà pháp luật và thực tiễn nước mình cho phép, Quốc gia được yêu cầu thu xếp mọi việc cần thiết để Quốc gia yêu cầu tham gia bất kỳ thủ tục tố tụng hình sự nào phát sinh từ yêu cầu tương trợ hoặc đại diện cho lợi ích của Quốc gia yêu cầu.
3. Quốc gia được yêu cầu phải sớm đáp ứng những đề nghị hợp lý của Quốc gia yêu cầu về tiến độ thực hiện yêu cầu tương trợ.
4. Quốc gia được yêu cầu có thể đề nghị Quốc gia yêu cầu cung cấp thông tin dưới hình thức cần thiết để giúp mình thực hiện yêu cầu, hoặc để tiến hành các bước cần thiết theo pháp luật và thực tiễn của Quốc gia được yêu cầu để làm cho yêu cầu tương trợ có hiệu lực.”
Theo đó, khi có yêu cầu tương trợ tư pháp, quốc gia được yêu cầu sẽ thực hiện theo cách thức yêu cầu của quốc gia yêu cầu trong phạm vi mà thực tiễn pháp luật nước mình cho phép. Trong trường hợp pháp luật và thực tiễn của quốc gia được yêu cầu tương trợ cho phép thì quốc gia yêu cầu được tham gia bất kỳ thủ tục tố tụng hình sự nào phát sinh từ yêu cầu tương trợ. Quốc gia được yêu cầu tương trợ có trách nhiệm đáp ứng những đề nghị hợp lý của quốc gia yêu cầu tương trợ về tiến độ thực hiện yêu cầu trong tương trợ tư pháp. Quốc gia yêu cầu tương trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết theo đề nghị của quốc gia được yêu cầu nhằm làm cho yêu cầu trong tương trợ tư pháp có hiệu lực.
4. Từ chối thực hiện yêu cầu trong tương trợ tư pháp
Từ chối thực hiện yêu cầu trong tương trợ tư pháp có thể được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của một nước được yêu cầu không thực hiện những hành vi hoặc hoạt động tố tụng mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nước khác yêu cầu.
4.1. Trường hợp từ chối thực hiện yêu cầu trong tương trợ tư pháp
Theo quy định tại Điều 342
“Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1. Yêu cầu tương trợ tư pháp không phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
2. Việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc lợi ích quan trọng khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Ngoài ra, Điều 21
“a) Không phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia;
c) Liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự một người về hành vi phạm tội mà người đó đã bị kết án, được tuyên không có tội hoặc được đại xá, đặc xá tại Việt Nam;
d) Liên quan đến hành vi phạm tội đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam;
đ) Liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nhưng không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền có thể từ chối thực hiện yêu cầu trong tương trợ tư pháp khi yêu cầu đó vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành tại Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tương trợ tư pháp. Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của nước khác khi yêu cầu đó không phù hợp các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; yêu cầu tương trợ ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích của nước Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền cũng có thể từ chối yêu cầu tương trợ khi người phạm tội được tuyên không có tội hoặc được đại xá ở Việt Nam; đã hết thời hạn truy cứu hoặc không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.
4.2. Nguyên tắc từ chối thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp
1. Từ chối tương trợ theo quy định của Luật tương trợ tư pháp
Trong hoạt động tương trợ tư pháp, phía Việt Nam từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ khi thuộc một trong những trường hợp sau (Điều 21 khoản 1):
– Yêu cầu không phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các quy định của pháp luật Việt Nam;
– Yêu cầu gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia;
– Yêu cầu liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự một người về hành vi phạm tội mà người đó đã bị kết án, được tuyên không có tội hoặc được đại xá, đặc xá tại Việt Nam;
– Yêu cầu liên quan đến hành vi phạm tội đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam;
– Yêu cầu liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nhưng không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam (nguyên tắc tội phạm kép, nguyên tắc cùng hình sự hóa).
2. Từ chối tương trợ theo quy định tại các Hiệp định giữa Việt Nam và nước ngoài
– Ngoài các trường hợp từ chối tương trợ theo quy định của Luật tương trợ tư pháp, Hiệp định mà Việt Nam đã ký với nước ngoài còn quy định một số điều kiện từ chối khác như:
+ Yêu cầu liên quan đến tội phạm mà nước được yêu cầu cho rằng đó là tội phạm quân sự (Hiệp định giữa Việt Nam và Anh, Hàn Quốc, Ô-xtơ-rây-li-a…);
+ Yêu cầu liên quan đến tội phạm mà nước được yêu cầu cho rằng đó là tội phạm có tính chất chính trị (Hiệp định giữa Việt Nam và Anh; An-giê-ri, Ô-xtơ-rây-li-a…);
+ Khi nước được yêu cầu có đủ căn cứ cho rằng yêu cầu tương trợ được đưa ra nhằm truy tố hoặc trừng phạt một người vì lý do chủng tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch hoặc chính kiến hay việc thực hiện yêu cầu tương trợ sẽ làm cho người đó bị thành kiến vì các lý do như vậy (Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Ô-xtơ-rây-li-a…).
+ Khi nước yêu cầu không đảm bảo chắc chắn rằng án tử hình sẽ không được áp dụng hoặc có tuyên nhưng không thi hành đối với đối tượng của yêu cầu tương trợ (Hiệp định giữa Việt Nam và Ô-xtơ-rây-li-a).
– Bên cạnh đó, Hiệp định Việt Nam đã ký với các nước còn quy định một số điều kiện có thể từ chối như:
+ Yêu cầu tương trợ liên quan đến việc phong tỏa, thu giữ hoặc tịch thu tài sản do phạm tội mà có hoặc tịch thu tài sản liên quan đến hành vi, hoạt động mà không thể làm căn cứ cho việc phong tỏa, thu giữ hoặc tịch thu tài sản đó ở nước được yêu cầu (Hiệp định giữa Việt Nam và Ấn Độ).
+ Việc tương trợ sẽ hoặc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của mọi người, bất kể người đó đang ở trong hay ngoài lãnh thổ của nước được yêu cầu (Hiệp định giữa các nước ASEAN).
+ Việc thực hiện tương trợ sẽ tạo ra gánh nặng tài chính quá mức đối với nguồn lực của nước được yêu cầu (Hiệp định giữa các nước ASEAN).
5. Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp
Theo quy định của Luật tương trợ tư pháp, thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp thuộc về các cơ quan:
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Theo quy định tại Điều 64 Luật tương trợ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao là Cơ quan Trung ương, có trách nhiệm tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các ủy thác tư pháp về hình sự; xem xét, quyết định việc thực hiện và yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân hoặc cơ quan điều tra có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự; từ chối hoặc hoãn thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự theo thẩm quyền. Hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự. Đề xuất việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp.
– Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh
Theo quy định tại Điều 69 Luật tương trợ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài theo quy định; tiến hành các hoạt động tương trợ tư pháp khác theo thẩm quyền. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp theo thẩm quyền và báo cáo kết quả thực hiện tương trợ tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định.
– Bộ Công an
Theo quy định tại Điều 65 Luật tương trợ tư pháp, Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp theo thẩm quyền.
– Cơ quan điều tra
Theo quy định tại Điều 70 Luật tương trợ tư pháp, cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự từ cơ quan có thẩm quyền chuyển đến; tiến hành các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định của Luật tương trợ tư pháp và các quy định khác của pháp luật có liên quan; báo cáo kết quả thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự cho cơ quan có thẩm quyền.
–
Theo quy định tại Điều 68 Luật tương trợ tư pháp, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài theo quy định; tiến hành các hoạt động tương trợ tư pháp khác theo thẩm quyền.
– Bộ Ngoại giao
Theo quy định tại Điều 66 Luật tương trợ tư pháp, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ tương trợ tư pháp với nước hữu quan.
– Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài
Theo quy định tại Điều 67 Luật tương trợ tư pháp, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thực hiện các ủy thác tư pháp có liên quan đến công dân Việt Nam ở nước sở tại theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trong nước; tiếp nhận và chuyển giao các yêu cầu ủy thác tư pháp giữa nước sở tại và các cơ quan có thẩm quyền trong nước.
Nhìn chung, trong thực tiễn các yêu cầu về tương trợ tư pháp thì cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu tương trợ có thể được yêu cầu xem xét để quyết định từ chối hay thực hiện các yêu cầu trong tương trợ tư pháp mà cơ quan có thẩm quyền của nước khác yêu cầu dựa trên cơ sở quy định của pháp luật.