Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là gì? Báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Quy hoạch?
Hiện nay, theo quy định của pháp luật về sử dụng đất được nhà nước quy định tại
Mục lục bài viết
1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là gì?
Theo quy định tại Luật quy hoạch năm 2017 thì quy hoạch được hiểu là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.
Trong Luật đất đai năm 2013 quy định về sử dụng đất đai với nhiều nội dung khác nhau, cụ thể trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì có một số khái niệm sau:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 thì quy hoạch sử dụng đất được hiểu là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Theo đó tại luật quy hoạch thì có khai niệm về quy hoạch sử dụng đất quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên cơ sở tiềm năng đất đai. Hoạt động quy hoạch bao gồm việc tổ chức lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch.
Pháp luật quy định kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất.
Như vậy, từ những khái niệm được trình bày bên trên chúng ta có thể hiểu quy hoạch sử dụng đất là việc lập kế hoạch sử dụng đất ở từng địa phương, phân theo từng mục đích sử dụng được chia thành từng kỳ trong một khoảng thời gian nhất định.
Việc quy hoạch này được đưa ra để hoạch định chính sách, phát triển kinh tế địa phương, đảm bảo việc sử dụng quỹ đất một cách có hiệu quả và đây cũng là cơ sở để Nhà nước giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, hay là cơ sở để Nhà nước thực hiện việc đền bù về đất, chi phí về đất cho người dân khi có quy hoạch cần thu hồi đất.
2. Báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
Tại khoản 1 Điều 35 của Luật đất đai năm 2013 có quy định về việc lập quy hoạch sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch phải tiến hành theo các nguyên tắc: quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã; Người thực hiện quy hoạch phải bảo vệ nghiêm ngặt đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và khả năng, quỹ đất của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả;
Người thực hiện quy hoạch phải có biện pháp khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; thích ứng với biến đổi khí hậu; Lập nội dung phân bổ và sử dụng đất trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Tại khoản 2 Điều 35 của Luật đất đai năm 2013 có quy định về việc lập kế hoạch sử dụng đất phải tuân thủ các nguyên tắc như người tiến hành lập kế hoạch phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia, nội dung kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đối với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải phù hợp với phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh.
Trong kế hoạch sử dụng đất phải có kế hoạch đảm bảo sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nhưng loại đất được phép dùng và khai thác vừa là để giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh. Mọi kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Công tác báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 4887/BTNMT-TCQLĐĐ gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020 và đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và tiến hành lập báo cáo với những nội dung như sau:
Về căn cứ pháp luật dùng trong báo cáo gồm các Bộ luật và các văn bản pháp luật:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Luật Quy hoạch năm 2017;
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018;
– Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia;
– Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
–
– Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ Lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
– Quyết định số 1708/QĐ-BTNMT ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kế hoạch lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đó, để báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2016/QH13 và lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ngày 9/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 4887/BTNMT-TCQLĐĐ gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo các nội dung sau:
1.Công tác tổ chức triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020 trên địa bàn: quá trình tổ chức, ban hành văn bản, kế hoạch triển khai lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện; việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến cấp huyện trên địa bàn thời kỳ 2011 – 2020, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Tình hình triển khai lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2020 – 2030.
2. Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
+ Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của Nghị quyết số 134/2016/QHB
Việc xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt trên địa bàn; Rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và tổ chức hiệu quả việc trồng rừng; bố trí quỹ đất trồng cây xanh trong các khu dân cư, khu đô thị; Kết quả quản lý, giám sát quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; Kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, bảo đảm việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
+ Kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020 của địa phương
Kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng các loại đất so với chỉ tiêu sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kết quả thực hiện chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất so với chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Báo cáo cụ thể số lượng các công trình dự án đã triển khai so với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; làm rõ vị trí, quy mô diện tích các công trình, dự án đã triển khai nhưng không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt (nếu có); Kết quả thực hiện các khoản thu, chi liên quan đến đất đai trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đánh giá chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt so với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được Chính phủ phê duyệt; Đánh giá tồn tại, nguyên nhân; Giải pháp để lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030.
3. Đề xuất nhu cầu sử dụng đất của địa phương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tình hình triển khai nội dung phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh, lập kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2025 cấp tỉnh; lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện; Đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, trong đó có nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2025; danh mục các công trình, dự án trọng điểm có sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030; Diện tích đất nông nghiệp xin chuyển mục đích sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030.
4. Đánh giá chung về các tồn tại, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030.
Như vậy, trong Luật đất đai năm 2013 quy định về nội dung việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được sửa đổi bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018. Theo đó, để thực hiện báo cáo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cơ quan cần phải liên kết các nội dung giữa các Bộ luật, văn bản pháp luật với nhau để báo cáo, đánh giá cụ thể được về nội dung và hình thức quy hoạch sử dụng đất.